Giữa lo ngại vỡ đập Tam Hiệp, Trung Quốc tuyên bố vận hành nhà máy thủy điện khổng lồ mới

Thứ tư, ngày 01/07/2020 15:39 PM (GMT+7)
Dự án thủy điện Ô Đông Đức (Wudongde) khổng lồ của Trung Quốc bắt đầu phát điện giữa bối cảnh lo ngại vỡ đập Tam Hiệp - công trình thủy điện lớn nhất hành tinh chặn sông Trường Giang.
Bình luận 0
Giữa lo ngại vỡ đập Tam Hiệp, Trung Quốc tuyên bố vận hành nhà máy thủy điện khổng lồ mới - Ảnh 1.

Trung Quốc vừa vận hành dự án thủy điện Ô Đông Đức (Wudongde) khổng lồ sau thời gian chạy thử.

Một buổi lễ để đánh dấu tổ hợp phát điện đầu tiên của nhà máy thủy điện Ô Đông Đức đi vào vận hành sau khi chạy thử đã được tổ chức hôm 29/6.

Đây là dự án mới nhất được vận hành trong một loạt các đập thủy điện khổng lồ gây tranh cãi và tốn kém được xây dựng trên thượng nguồn sông Dương Tử của Trung Quốc.

Nhà máy thủy điện Ô Đông Đức được xây dựng trên sông Kim Sa, đoạn thượng du của sông Dương tử, gần ranh giới tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên. Ô Đông Đức được xây dựng bởi Tập đoàn Dự án Tam Hiệp, công ty quốc doanh của Trung Quốc cũng xây dựng con đập Tam Hiệp lớn nhất hành tinh trên sông Dương Tử vốn đang thu hút sự chú ý của công chúng gần đây khi vướng quan ngại vỡ đập.

Ô Đông Đức có tổng công suất lắp đặt lên tới là 10,2 triệu kilowatt, với công suất phát điện ước tính hàng năm là 38,91 tỉ kilowatt giờ, Tân Hoa Xã thông tin. Độ cao của đập lên tới 270 m - thậm chí cao hơn cả đập cao nhất của Tam Hiệp -  dự án thủy điện lớn nhất hành tinh nằm cách đó 950 km về phía đông với 181 m..

Ô Đông Đức là một trong những dự án thủy điện lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của vành đai kinh tế sông Dương Tử. Khoảng 32.000 cư dân đã phải di dời để nhường chỗ cho hồ chứa 7,4 tỷ m3 của Ô Đông Đức.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ các khái niệm phát triển mới, vươn tới tầm cao mới của khoa học và công nghệ đồng thời thúc đẩy sự vượt trội trong các dự án lớn để mang lại lợi ích cho người dân. Phát biểu của ông Tập Cận Bình được đưa ra khi khai trương hoạt động của tổ hợp đầu tiên của nhà máy thủy điện Ô Đông Đức hôm 29/6, theo Tân Hoa Xã.

Chúc mừng dự án quan trọng trong chương trình truyền tải điện đông-tây của Trung Quốc, ông Tập khuyến khích đội ngũ kỹ sư xây dựng tiếp tục hoàn thiện công trình tuân thủ các tiêu chuẩn cao, đặt hệ sinh thái lên hàng đầu và theo đuổi phát triển xanh trong việc sử dụng tài nguyên nước sông Kim Sa để mang lại lợi ích cho người dân.

Nhà máy thủy điện Ô Đông Đức được xây dựng vào tháng 12/2015. Tất cả các đơn vị sản xuất điện của nhà máy này dự kiến được đưa vào hoạt động tháng 7/2021.

Trong khi các nhà môi trường chỉ trích rằng dự án đã gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với môi trường của khu vực, chính phủ Bắc Kinh vẫn khẳng định mọi thứ đều ổn và Đông Đức là dự án thủy điện vượt trội nhờ tạo ra năng lượng sạch, điều hướng dễ dàng hơn và kiểm soát lũ hiệu quả hơn.

Việc Ô Đông Đức đi vào vận hành diễn ra trong bối cảnh đập Tam Hiệp đang thu hút sự chú ý lớn của dư luận.

Đập Tam Hiệp là dự án thủy điện lớn nhất thế giới và đã hoạt động từ năm 2012. Nó chặn sông Trường Giang (Dương Tử). Dự án đã bị chỉ trích vì lo ngại nguy cơ con đập bị vỡ, đặc biệt là trong mùa mưa lũ năm nay.

Nhiều video đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy lũ lụt kinh hoàng ở thành phố Yichang của tỉnh Hồ Bắc, nằm ngay dưới con đập. Người dân nghi ngờ rằng lũ lụt có liên quan đến việc đập Tam Hiệp xả lũ khẩn cấp - điều mà chính phủ Trung Quốc bác bỏ.

Hiện nhiều phụ lưu ở thượng nguồn đập Tam Hiệp đang trải qua đợt lũ tồi tệ nhất. Lũ lụt tại thành phố Trùng Khánh, ở thượng nguồn đập Tam Hiệp, đạt mức kỷ lục từ năm 1940 trở lại đây.

Trước đó vào ngày 21/6, mực nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp lên tới 147 m, cao hơn mức cảnh báo lũ tới 2 m, dẫn tới tin đồn rằng đập này đang biến dạng và người dân nên sơ tán.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Quách Tấn thuộc Viện nghiên cứu địa chấn Trung Quốc bác bỏ tin đồn, khẳng định đập Tam Hiệp có thể chứa lượng nước vào lớn hơn nhiều so với lượng nước hiện nay, theo Hoàn Cầu thời báo.

Zhang Jianping, một nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc tại Giang Tô cho rằng, những người đã phản đối việc xây dựng con đập khổng lồ nói trên là đúng.

"Kể từ khi nó được xây dựng, nó chưa bao giờ đóng vai trò ngăn chặn lũ lụt hay hạn hán", ông Zhang nói.

Ông Zhang nói thêm rằng "đã từng có những cơn mưa lớn vào thời điểm này ở vùng nông thôn và thậm chí mưa to hơn thế này, nhưng chúng tôi chưa bao giờ bị ngập lụt", đặt ra nghi vấn lũ lụt nặng nề hiện nay là do việc đập Tam Hiệp xả lũ khẩn cấp.

Nhiều người dân ở thành phố Tương Dương của Hồ Nam cũng cho biết, mùa lũ thực sự vẫn chưa chính thức bắt đầu: "Mùa lũ chính ở lưu vực sông Dương Tử thường là tháng Bảy và tháng Tám", một người chia sẻ.

Minh Nhật (Economictimes)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem