dd/mm/yyyy

Giữa “ma trận” thuốc bảo vệ thực vật

Nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hằng năm ở nước ta rất lớn. Tuy nhiên, người dân lại rất khó tìm được đúng sản phẩm cần thiết khi đứng giữa “ma trận” các sản phẩm thuốc BVTV. Ngoài ra, vì người dân không được hướng dẫn sử dụng đúng cách nên thuốc BVTV còn gây ra nhiều tác dụng ngược với cây trồng và môi trường.

Thuốc BVTV giả gây thiệt hại cho nông dân (Ảnh TL)

Sâu nào cũng chết

Tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc BVTV ở các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Hưng Yên… đang bày bán tràn lan các loại thuốc BVTV; phần lớn các loại thuốc này có nguồn gốc ngoại nhập từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản.
Trong vai người trồng rau đi tìm mua thuốc BVTV, chúng tôi vào đại lý kinh doanh thuốc BVTV ngay cửa ngõ vùng trồng rau an toàn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Vừa gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bình, 38 tuổi, chủ đại lý đã đon đả: “Cần mua thuốc trừ sâu loại nào, nhà chị đều có, toàn thuốc ngoại nhập, độc tố cao đảm bảo sâu nào cũng chết”.

Qua trò chuyện với bà Bình, chúng tôi được biết, chủ đại lý đứng tên trong giấy phép kinh doanh là chồng bà – ông Nguyễn Đình Lai. Bà Bình chỉ là người trông coi, bán thuốc BVTV thay mỗi khi chồng đi vắng. “Hiện, đại lý của tôi bán phần lớn là thuốc BVTV có xuất xứ từ Mỹ, Nhật, Trung Quốc…, Bà con trồng rau ở đây đã quá quen với mặt thuốc, nên mỗi khi có nhu cầu phun thì họ chủ động vào tủ chọn thuốc, rồi ra trả tiền, chứ có bao giờ biết tên thuốc là gì đâu”, bà Bình chia sẻ.

Khi được phóng viên hỏi về số lượng, chủng loại thuốc mà đại lý đang bày bán, bà Bình nói ngay: “Sắp tới, tôi mới được đơn vị BVTV huyện gọi đi tập huấn bán thuốc. Và hiện nhà bán nhiều loại thuốc quá, tôi cũng chưa liệt kê cụ thể, nên cũng không nắm được”.

Dù là đại lý cung cấp chính cho vùng rau an toàn Tiền Lệ, nhưng theo quan sát của phóng viên trên các ngăn tủ bày bán thuốc BVTV tại đại lý, có rất nhiều các loại thuốc ghi độc tố cao có nguồn gốc ngoại nhập như Regent 800 WG (xuất xứ Trung Quốc), Arrivo 10EC (xuất xứ Mỹ), Osioi 800.8WP…

Một chủ đại lý ở xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức, Hà Nội) giới thiệu với phóng viên các loại thuốc BVTV ngoại nhập đang bày bán. Ảnh Hải Đăng

Hết “đát” vẫn bán tràn lan

Tại Hưng Yên, qua ghi nhận ở một số xã của 2 huyện Văn Giang và Khoái Châu, chúng tôi cảm thấy “sốc” hơn khi phát hiện ra một số đại lý, cửa hàng có bán thuốc BVTV không tem nhãn mác.

Tại một đại lý ở thị trấn Văn Giang (huyện Văn Giang), chúng tôi phát hiện thấy nhiều lọ thuốc BVTV đã hết hạn sử dụng. Điều đáng nói có nhiều lọ có nhãn mác không rõ ràng để lẫn trong tủ bày bán tại gian hàng. Khi đặt vấn đề, bà Nguyễn Thị Mai, chủ đại lý phân trần ngay: “Các lọ thuốc đó chỉ để làm mẫu thôi không bán cho khách hàng đâu”.

Lạc vào “ma trận” của mạng lưới kinh doanh thuốc BVTV, người nông dân không được trang bị những thông tin cần thiết để phân biệt sản phẩm và cách sử dụng. Người sử dụng thuốc BVTV không trang bị đầy đủ kiến thức về phòng trừ dịch bệnh, không tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả, không tuân thủ khuyến cáo sử dụng dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.

Tương tự, tại huyện Khoái Châu, phóng viên cũng phát hiện một số đại lý, cửa hàng bán thuốc BVTV hết hạn, xuất xứ nhãn mác “nhập nhèm”.

Cụ thể, như đại lý của bà Lê Thị Xuyến, một đầu mối cung cấp thuốc khá lớn ở xã Đông Tảo (Khoái Châu), thời điểm sáng ngày 12.10 chúng tôi tới hỏi chọn mua thuốc, bà Xuyến đang bận rộn bán thuốc cho khách hàng. “Thuốc của đại lý chị chuẩn và chất lượng lắm, phun trị sâu gì cũng đảm bảo chết 100%”, bà Xuyến mời chào.

Tuy nhiên, khi thăm quan cửa hàng để chọn thuốc, phóng viên có phát hiện nhiều lọ, gói thuốc hết hạn, như thuốc trừ sâu bọ xít, sâu que, sâu đục quả có tên KASAKI USA 2000EC sản xuất ngày 25.1.2014 có hạn sử dụng 2 năm (tức hết hạn gần 1 năm) vẫn được bày bán. Thấy khách hàng thắc mắc, bà Xuyến đổi sắc mặt ngay: “Mua được thì mua, không thì đi chỗ khác cho người ta bán”. Vừa nói, bà Xuyến vừa đuổi chúng tôi ra khỏi đại lý, sau đó đóng cửa lại, treo biển nghỉ bán hàng.

Đúng thời điểm đó, phóng viên bắt gặp lão nông Nguyễn Tâm ở xã Đông Tảo đang đến mua thuốc tại của hàng bà Xuyến, thấy cửa hàng khóa, ông dắt xe ra về. Khi được chúng tôi bắt chuyện hỏi, ông Tâm cho biết: “Nông dân chúng tôi khi cần phun thì tìm đến các đại lý thuốc BVTV trong xã, chủ yếu dựa vào hình ảnh trên bao bì để phân biệt chứ có biết đọc tên tiếng anh của thuốc đâu”.

Nông dân mù mờ thông tin

Ngoài việc bán các loại thuốc BVTV, các đại lý còn có nhiều chương trình khuyến mãi như tặng áo mưa, áo sơ mi, mũ bảo hiểm… Đặc biệt là chính sách bán thuốc trả chậm cho khách hàng nhằm thu hút nông dân trong và ngoài địa bàn huyện mua thuốc. “Có thời điểm các Công ty thuốc đưa nhiều quần áo, mũ về cho đại lý, nông dân ai đến mua hàng cũng được tặng đủ loại nên bà con thích lắm”, bà Nguyễn Thị Mai, chủ đại lý ở Thị trấn Văn Giang cho biết.

Một Đại lý bán thuốc BVTV ở thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang (Hưng Yên) – có nhiều lọ thuốc đã hết hạn sử dụng để lẫn với các thuốc BVTV đang bày bán. Hải Đăng

Để chấn chỉnh thị trường thuốc BVTV, Cục BVTV đã tổ chức 12.000 đại lý thuốc BVTV trên cả nước (trong hệ thống 32.000 đại lý cả nước) ký cam kết không buôn bán thuốc lậu, không rõ nguồn gốc; đồng thời đã thiết lập đường dây nóng về vấn đề trên. Bộ trưởng cũng chỉ đạo, nếu các địa phương, cơ quan chức năng nào phát hiện, liên hệ ngay với cục để vận chuyển về Hà Nội xử lý. Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT).

Phản ánh về việc gặp khó khăn trong sử dụng thuốc trừ sâu, bà Phan Thương, một người dân ở huyện Văn Giang chia sẻ: “Nông dân chúng tôi đang rất trăn trở về việc chọn mua, sử dụng các loại thuốc BVTV. Bởi hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc của nhiều hãng, công ty, doanh nghiệp khác nhau nhưng lại thiếu những hướng dẫn cụ thể, dẫn đến tình trạng phun tràn lan, không hiệu quả”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cương – Chi Cục trưởng Chi cục BVTV Hưng Yên cho biết: “Hiện, Chi cục chưa nắm được thông tin về việc trên. Tuy nhiên nếu đúng như phản ánh của phóng viên chúng tôi sẽ triển khai phối hợp kiếm tra toàn diện các đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV trong tỉnh; nếu có phát hiện trường hợp nào vi phạm, sẽ tiến hành thu hồi thuốc và xử lý nghiêm”.

Ông Cương cho biết thêm, hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 600 đại lý bán thuốc BVTV, nhưng mới có hơn 300 đại lý được cấp phép, còn lại gần 300 đại lý chưa được cấp phép vẫn đang hoạt động. “Đối với các đơn vị đại lý bán thuốc chưa được cấp phép, chúng tôi chưa thể xử lý được mà phải chờ các chủ đại lý này hoàn thiện, nộp hồ sơ, sau đó mới cấp phép”, ông Cương nói.

 

Hải Đăng