Giữa “ồn ào” Nghị định 100, DN của tỷ phú Thái báo lãi hơn 5.300 tỷ đồng

21/01/2020 13:22 GMT+7
Giữa những ồn ào xung quanh Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cấm uống rượu bia rồi tham gia giao thông có hiệu lực ngày 01/01/2020, nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam của tỷ phú người Thái báo lãi 5.370 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2018. Bình quân mỗi ngày, Sabeco thu về gần 104 tỷ đồng doanh thu và 15 tỷ lợi nhuận ròng.

Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã: SAB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2019.

Theo đó, Sabeco đạt doanh thu thuần 9.729 tỷ đồng trong quý IV/2019, giảm 7% so với cùng kỳ. Theo lý giải từ phía công ty, sản lượng bán hàng giảm, cũng như việc chuyển một công ty liên kết thành công ty con khiến thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn.

Tuy vậy, việc cắt giảm giá vốn lên tới 13%, giúp cho lợi nhuận gộp của Sabeco tăng tới 17%, đạt 2.547 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng từ 21% lên 26%.

Giữa “ồn ào” Nghị định 100, DN của tỷ phú Thái báo lãi hơn 5.300 tỷ đồng - Ảnh 1.

Doanh thu tài chính tăng trong kỳ tăng tới 54% do tăng lãi tiền gửi, ngoài ra việc các liên doanh, liên kết hoạt động hiệu quả hơn góp phần tăng lợi nhuận cho Sabeco. Cùng với đó, chi phí tài chính cũng tăng theo song với tốc độ tăng chậm hơn (36%). Trong chi phí tài chính, chi phí lãi vay tăng tới 124%, từ mức 7,9 tỷ lên 17,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 1% và 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả, Sabeco đạt mức lợi nhuận trước thuế 1.429 tỷ đồng trong quý IV/2019, tăng 26% và lãi ròng 1.091 tỷ, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế cả năm 2019, Sabeco đạt doanh thu thuần 37.899 tỷ đồng, tăng 5%. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.370 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2018. Bình quân mỗi ngày, Sabeco thu về gần 104 tỷ đồng doanh thu và 15 tỷ lợi nhuận ròng.

Giữa “ồn ào” Nghị định 100, DN của tỷ phú Thái báo lãi hơn 5.300 tỷ đồng - Ảnh 2.

Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản của nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam đạt mức 27.000 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý với khoản mục tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn 16.500 tỷ đồng, chiếm tới 61% tổng tài sản.

Đối với các khoản đầu tư dài hạn, Sabeco tăng ghi trích lập dự phòng với công ty liên doanh, liên kết từ 24 lên 97 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Sabeco 6.886 tỷ đồng, tương đương 34% vốn chủ. Nợ vay 1.054 tỷ đồng, trong khi đầu năm nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Sabeco chỉ hơn 600 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2019, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty bia tăng lên 11.232 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu cán mốc 20.000 tỷ đồng.

Năm 2020 được dự báo sẽ như một phép thử tiếp theo đối với năng lực của đội ngũ quản trị người Thái tại nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực ngày 01/01/2020, cấm uống rượu bia rồi tham gia giao thông.

Mặc dù còn quá sớm để đánh giá tác động của Nghị định tới ngành bia rượu. Nhưng trước mắt, các công ty bia rượu ít nhiều bị ảnh hưởng lớn. Cổ phiếu ngành bia rượu đua nhau sụt giảm.

Sau khi Nghị định 100 được truyền thông rộng rãi, SAB của Sabeco ít nhiều bị ảnh hưởng và xuống "đáy" năm 2020 ở mức 223.200 đồng/cp. Tuy nhiên, sau đó, cổ phiếu này phục hồi nhanh. Hiện SAB giao dịch ở mức 235.000 đồng/cp, giảm 0,42%.

Dù vậy, theo giới phân tích, đây có thể chỉ là đà tăng tạm thời, xét về lâu dài, khi tiêu thụ bia rượu bị hạn chế, hiệu quả kinh doanh của Sabeco không phải không bị ảnh hưởng. Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI đánh giá, quy định trên sẽ tác động đến sản lượng tiêu thụ của toàn ngành, các thương hiệu nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Điều đó có nghĩa Sabeco không chịu ảnh hưởng bằng nhưng không thể phủ nhận được một điều Sabeco khó duy trì tăng trưởng cao trước quy định "uống rượu bia thì không lái xe".

Lê Thúy
Cùng chuyên mục