Giúp cha đẻ giống gạo ngon nhất thế giới đòi lại tên mình, kế hoạch của PAN là gì?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 12/05/2021 15:05 PM (GMT+7)
Tập đoàn PAN chính thức nhận ủy quyền từ AHLĐ Hồ Quang Cua và DNTN Hồ Quang Trí - doanh nghiệp gia đình ông Cua, để đứng ra bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24, ST25 và giống lúa ST24, ST25 tại thị trường quốc tế. Mục tiêu của thỏa thuận này là giúp “cha đẻ” giống gạo ngon nhất thế giới “giữ” được tên gọi của chính mình…
Bình luận 0

Theo đó, tại phạm vi các quốc gia và vùng lãnh thổ mà các DN xuất khẩu gạo đã tiếp cận hoặc quan tâm, Tập đoàn PAN nhận ủy quyền đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với giống cây trồng "ST24", "ST25"; đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu hàng hóa liên quan như ST24, ST25, đồng thời thực hiện các hành động ngăn chặn, bảo vệ phù hợp đối với các tài sản sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu.

Giúp “cha đẻ” giống gạo ngon nhất thế giới đòi lại tên của chính mình, kế hoạch của PAN là gì? - Ảnh 1.

Việc xác lập vị thế thương hiệu gạo, ST25 có thể đóng góp rất đáng kể cho việc dẫn dắt các thương hiệu Việt khác xâm nhập vào thị trường nông sản quốc tế...

Vì sao PAN đứng ra "gánh" việc này?

Theo tìm hiểu, "đường đua" giành lại tên gọi chính mình của ST25 tại Mỹ đã đến hồi gay cấn, một đối thủ ngoại đã được công báo sở hữu nhãn hiệu ST25, buộc phía ông Cua phải tăng tốc. 

Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều, chưa đầy 30 ngày nữa, nếu không hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết để phản đối, thì đối thủ ngoại sẽ cán đích. Chưa kể, 3 đối thủ khác cũng đã xuất phát trước.

Vì vậy, việc DNTN Hồ Quang Trí - doanh nghiệp gia đình ông Cua, quyết định "bắt tay" với PAN để có thể tiến nhanh trên hành trình đòi lại tên gọi là không khó hiểu.

Giúp “cha đẻ” giống gạo ngon nhất thế giới đòi lại tên của chính mình, kế hoạch của PAN là gì? - Ảnh 2.

AHLĐ Hồ Quang Cua với sản phẩm gạo ST25

Trao đổi với Dân Việt, đại diện Tập đoàn PAN, cho hay, hiện nay đã xuất hiện tình trạng nhãn hiệu ST25 bị các DN nước ngoài đăng ký bảo hộ tại Mỹ, Úc. Tuy chưa có phán quyết chính thức từ chính quyền sở tại nhưng rõ ràng đây là nguy cơ lớn nhãn hiệu gạo nổi tiếng của Việt Nam bị mất vào tay doanh nghiệp nước ngoài.

"Nếu điều này xảy ra, doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khi muốn xuất khẩu gạo ST25 sang các thị trường đó. Chưa kể sẽ khó đảm bảo quyền lợi cho tác giả Hồ Quang Cua và DNTN Hồ Quang Trí với giống lúa ST25 và gạo ST25. Là 1 tập đoàn nông nghiệp của Việt Nam, chúng tôi mong muốn sẽ cùng hợp tác để giữ gìn thương hiệu nông sản Việt cho người Việt", bà Nguyễn Trà My, Tổng Giám đốc PAN Group, chia sẻ.

Giúp “cha đẻ” giống gạo ngon nhất thế giới đòi lại tên của chính mình, kế hoạch của PAN là gì? - Ảnh 3.

Dây chuyền sản xuất gạo tại PAN.

Cũng theo chia sẻ của đại diện Tập đoàn PAN, nhìn nhận khách quan thì ST25 là một thương hiệu tốt có thể giúp các DN xuất khẩu gạo Việt gia tăng về doanh thu, uy tín ở nước ngoài.

Cùng với việc xác lập vị thế thương hiệu gạo, ST25 có thể đóng góp rất đáng kể cho việc dẫn dắt các thương hiệu Việt khác xâm nhập vào thị trường nông sản quốc tế. Không những vậy, ST25 còn có thể phát triển thành tài sản quốc gia dưới dạng nhãn hiệu được chứng nhận quốc tế.

"Từ những lý do trên, chúng tôi đồng ý nhận ủy thác đăng ký bảo hộ cho các thương hiệu gạo và giống lúa ST24, ST25 tại các thị trường quốc tế. Anh Hồ Quang Cua là 1 nhà nghiên cứu chuyên tâm, DNTN Hồ Quang Trí lại là 1 doanh nghiệp nhỏ chưa có hoạt động xuất nhập khẩu nên cũng khó trong việc tự mình đứng ra bảo hộ tại 1 lúc nhiều thị trường. 

Trong khi đó Tập đoàn PAN có kinh nghiệm sản xuất kinh doanh nông sản thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế nhiều năm nay, giữa 2 bên lại có mối quan hệ tốt đẹp từ trước, có sự tin tưởng lẫn nhau nên việc thống nhất hợp tác diễn ra rất suôn sẻ và nhanh chóng", đại diện Tập đoàn PAN, giải thích.

Câu chuyện bảo hộ ST25 khá giống chuyện bảo hộ Hom Mali của Thái Lan

Trước mắt DNTN Hồ Quang Trí và tác giả đã ký văn bản ủy quyền cho Tập đoàn PAN. Dựa vào văn bản ủy quyền này, PAN sẽ khẩn trương đăng ký bảo hộ tại các thị trường quốc tế trọng điểm mà các DN xuất khẩu gạo đã quan tâm, tìm hiểu.

"Chúng ta cũng cần tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước về xuất khẩu nông sản thương hiệu, như Thái Lan chẳng hạn. Chính phủ và các doanh nghiệp Thái đã làm tốt việc này từ rất lâu và câu chuyện bảo hộ ST25 của chúng ta hiện nay khá giống với câu chuyện bảo hộ Hom Mali, loại gạo thơm ngon nhất của Thái Lan nhiều lần thắng giải "Gạo ngon nhất thế giới" – đại diện Tập đoàn PAN chia sẻ.

Liệu PAN sẽ "được lợi" gì từ việc đứng ra nhận bảo hộ thương hiệu cho gạo ST24, ST25? Trả lời vấn đề này, đại diện PAN cho hay, PAN hiện đã xuất khẩu gạo thương hiệu đến thị trường như Châu Âu, Anh Quốc, Úc…, đồng thời cũng là nhà sản xuất gạo ST24, ST25 lớn trong nước thông qua công ty thành viên Vinaseed.

"Kế hoạch của chúng tôi là sẽ tiếp tục xuất khẩu các sản phẩm gạo đóng túi chất lượng cao của Việt Nam ra thế giới trong đó có ST24 và ST25. Còn nghĩa vụ, lợi ích và vấn đề hợp tác của các bên sẽ được cụ thể hóa trong một thỏa thuận riêng, trên cơ sở những nội dung chúng tôi đã trao đổi và đồng thuận cao", đại diện PAN thông tin.

Giúp “cha đẻ” giống gạo ngon nhất thế giới đòi lại tên của chính mình, kế hoạch của PAN là gì? - Ảnh 5.

ST25 là một thương hiệu tốt có thể giúp các DN xuất khẩu gạo Việt gia tăng về doanh thu, uy tín ở nước ngoài (Ảnh: nguyên Vỹ)

"Việc bảo hộ nhãn hiệu thành công sẽ giúp không chỉ chúng tôi mà các DN xuất khẩu gạo khác của Việt Nam thuận lợi hơn khi mang gạo ST24, ST25 của DN mình sang các thị trường này, trên cơ sở đảm bảo lợi ích cho các tác giả. 

Chúng tôi tin tưởng việc hợp tác giữa Tập đoàn PAN và tác giả Hồ Quang Cua/DNTN Hồ Quang Trí dưới sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên. 

Chúng tôi cũng hy vọng đây sẽ trở thành 1 hình mẫu về hợp tác giữa Tác giả - Doanh nghiệp – Nhà nước trong việc bảo hộ nhãn hiệu/thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường thế giới", đại diện Tập đoàn PAN đúc kết.

"Việt Nam đã trải qua nhiều năm phụ thuộc vào xuất khẩu nông sản thô. Đến khi xây dựng được một số thương hiệu tốt, thì nhiều sản phẩm nổi tiếng trong nước nhưng khi ra nước ngoài lại bị đăng ký mất thương hiệu như cà phê Trung Nguyên, thuốc lá Vinataba, nước mắm Phú Quốc… mà sau đó hoặc chấp nhận mất, hoặc phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí mới lấy lại được. Đó là những bài học mà doanh nghiệp xuất khẩu như Tập đoàn PAN chúng tôi luôn lấy làm kinh nghiệm cho mình", đại diện Tập đoàn PAN chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem