Loạt doanh nghiệp thủy sản, chế biến sắn kiến nghị gỡ khó một số thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc

Bùi My Thứ năm, ngày 09/03/2023 18:44 PM (GMT+7)
Hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khi đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc trên hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).
Bình luận 0

Ngày 8/3, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NNPTNT) tổ chức Diễn đàn trực tuyến "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)".

Tại diễn đàn, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc cùng nhau trao đổi về tình hình xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản, thực phẩm; nhu cầu giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc (mà trực tiếp là tỉnh Quảng Tây), đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản, thủy sản, thực phẩm thủy sản sang thị trường Trung Quốc thời gian tới.

Thúc đẩy giao thương nông, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc - Ảnh 1.

Diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) tại đầu cầu TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: C.V

Thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Quảng Ninh là cửa ngõ giao thương của Trung Quốc không chỉ với Việt Nam mà là cả khối ASEAN. Còn Quảng Tây là thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam, chiếm gần 50% giá trị nhập khẩu.

Thời gian tới, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị địa phương và doanh nghiệp thúc đẩy hợp tác thương mại với Quảng Tây, Trung Quốc theo hướng đẩy mạnh các hàng hóa mang tính bổ sung cho thị trường của nhau.

Đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng thông tin, việc đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC). 

Tuy nhiên, việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký trên CIFER và phê duyệt hồ sơ đăng ký bổ sung cơ sở bao gói thủy sản sống của phía Trung Quốc thường chậm. Phía Trung Quốc cũng chậm phản hồi đối với hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm của phía Việt Nam.

Để tháo gỡ các khó khăn, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường khuyến nghị phía Trung Quốc đẩy nhanh việc phê duyệt các hồ sơ đăng ký trên CIFER; phê duyệt hồ sơ đăng ký cơ sở bao gói thủy sản sống và hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm.

Đối với các doanh nghiệp, Cục đề nghị ưu tiên nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn. Đối với cơ quan quản lý cần tích cực liên hệ với GACC để bố trí họp trực tuyến nhằm trao đổi, giải đáp kịp thời các vướng mắc trong quá trình đăng ký trên CIFER; tích cực liên hệ, đôn đốc phía Trung Quốc xử lý kiến nghị của phía Việt Nam.

Thúc đẩy giao thương nông, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc - Ảnh 2.

Sản phẩm chính xuất khẩu sang Trung Quốc giai đoạn 2018-2022. Ảnh: VASEP

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 7 sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất gồm tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất. Ngoài ra, Quảng Tây là địa phương lớn thứ 3 ở Trung Quốc về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Quảng Đông và Trạm Giang.

Do đó, ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất phía Việt Nam cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp với các địa phương Trung Quốc. Đồng thời, cần hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Đặc biệt, các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thúc đẩy giao thương nông, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc - Ảnh 3.

Hoạt động thông quan hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản được triển khai tại tất cả các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn Móng Cái. Ảnh: N.T

Áp dụng chuyển đổi số trong xuất nhập khẩu

Bà Trần Thị Bích Ngọc - Trưởng ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách quản lý; tập trung khai thác, tận dụng tối đa công nghệ số, công nghệ thông tin, tận dụng tối đa tính ưu việt của các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm.

Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, đóng gói, vận chuyển xuất khẩu; đẩy nhanh thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu quy định của nước bạn. 

Mặt khác, cần chủ động, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp xuất khẩu trên nguyên tắc cùng nắm bắt, cùng khai thác thị trường.

Gỡ khó trong giao thương nông, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc - Ảnh 4.

Tại diễn đàn, Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng chia sẻ dự kiến mua từ Việt Nam 15.000 tấn sầu riêng trong năm 2023.Ảnh: Văn Giàu

Phó Cục trưởng Cục quản lý thương mại và cửa khẩu Đông Hưng, ông Hoàng Vệ, cho biết, sắp tới Đông Hưng sẽ thực hiện chính sách “Vành đai – Con đường”, trở thành điểm xuất phát từ vùng biển phía Tây của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy nhập khẩu nông sản, tối ưu các công tác ở cửa khẩu, xây dựng môi trường kinh doanh tốt giữa Đông Hưng và Móng Cái. Chúng tôi sẽ phối hợp phía Việt Nam xây dựng “Cửa khẩu trí tuệ” và “Hai thành phố trí tuệ”.

Năm 2023, chúng tôi sẽ xây dựng các cơ sở kiểm dịch động vật, thực vật, động vật thủy sinh, thủy hải sản tại cửa khẩu. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với TP.Móng Cái xây dựng Phòng Kiểm nghiệm tại Km3+4. Các tiêu chuẩn này sẽ do chi nhánh Quảng Tây của Tập đoàn Kiểm nghiệm Trung Quốc xây dựng.

Đề nghị tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản chính ngạch

Ông Nguyễn Trí Phương, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên chia sẻ, khoảng 70% sản phẩm tôm hùm của địa phương xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về việc xuất khẩu tôm hùm theo đường hàng không, gây tốn nhiều chi phí vận chuyển dẫn đến lãi suất thấp.

Đại diện tỉnh Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên đề nghị Quảng Ninh và phía Quảng Tây (Trung Quốc) tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vận chuyển và thông quan nhanh chóng theo đường bộ.

Đại diện tỉnh Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên cũng đề xuất Bộ NNPTNT sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi tôm hùm trong bể trên bờ và trên biển; xét cấp Code cho “HTX dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu”, hướng dẫn các điều kiện kỹ thuật từ đầu vào đến đầu ra nhằm đảm bảo sản phẩm tôm hùm nuôi đáp ứng yêu cầu nhập khẩu phía Quảng Tây.

Ông Phương đề nghị phía phía doanh nghiệp Quảng Tây và chính quyền phía Trung Quốc thông tin minh bạch về tiêu chuẩn chất lượng, cỡ loại, mùa vụ, giá cả tôm hùm để người nuôi chủ động nuôi và xuất bán đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng, giá cả, đảm bảo đôi bên cùng có lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chính ngạch tôm hùm nuôi qua đường bộ.

Gỡ khó trong giao thương nông, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc - Ảnh 5.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Còn ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội sắn Việt Nam kiến nghị, để việc xuất khẩu thuận tiện và giảm thiểu rủi ro, chi phí của doanh nghiệp 2 nước, cần ổn định chính sách biên mậu.

Đồng thời, cần thống nhất mẫu mã bao bì, thông tin sản phẩm theo thông lệ quốc tế hoặc theo quy định của nước sở tại, tránh mỗi địa phương, mỗi cửa khẩu có quy định, thông tin khác nhau dẫn đến khó khăn trong tổ chức sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, hải quan 2 nước cần có sự thống nhất trong quy định về trọng tải phương tiện, phương thức giao nhận, tránh tăng chi phí bán hàng của các bên.

Gỡ khó trong giao thương nông, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc - Ảnh 6.

Tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất. Ảnh: VASEP

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Văn Út – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến (TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đề xuất Bộ NNPTNT có giải pháp và hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới để tránh việc sau này cơ quan thuế kiểm tra truy thu thuế thu nhập, doanh nghiệp không thể giải trình được. 

Bên cạnh đó, ông Út cũng đề xuất các bộ ngành có chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem