Gỡ “thẻ vàng” của EU: Mạnh tay xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Anh Thơ (thực hiện) Thứ bảy, ngày 29/08/2020 13:31 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Quang Hùng (ảnh) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, trong cuộc họp trực tuyến về việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không có báo cáo (IUU), Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi các giải pháp gỡ "thẻ vàng".
Bình luận 0

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, phải chấm dứt được tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Gỡ “thẻ vàng” của EU: Mạnh tay xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT).

Đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam

Qua 2 lần kiểm tra việc Việt Nam thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ "thẻ vàng" khai thác thủy sản, phía EC đánh giá như thế nào nỗ lực của chúng ta trong việc chống khai thác IUU, thưa ông?

- Qua 2 lần kiểm tra, đặc biệt, trong cuộc họp trực tuyến với EC ngày 30/6 vừa qua, phía EC tiếp tục đánh giá cao cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU; đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành của cấp T.Ư với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về IUU và công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn của Bộ NNPTNT.

Gỡ “thẻ vàng” của EU: Mạnh tay xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài - Ảnh 2.

Ngư dân Bình Định cập cảng cá Quy Nhơn để bán sản phẩm. Ảnh: I.T

Từ đầu năm 2020 đến nay, đã xảy ra 54 vụ/86 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý (chủ yếu là do vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài) so với cùng kỳ giảm 54 vụ/91 tàu. Tính đến ngày 25/8/2020, số lượng tàu cá từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là: 24.927/30.605 tàu (đạt 81,4%).

EC cũng đánh giá cao tính minh bạch, trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trong 4 nhóm khuyến nghị mà EC đưa ra nhằm gỡ "thẻ vàng", việc Việt Nam tích cực hoàn thiện khung pháp lý trong một thời gian ngắn để tăng cường giám sát, xử lý vi phạm cũng được EC đánh giá cao; việc truy xuất nguồn gốc cũng có nhiều tiến bộ, mức độ sai sót trong các lô hàng xuất khẩu sang EC giảm đáng kể.

Tuy nhiên, phía EC cũng đề xuất phía Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 20% số tàu cá còn lại, kiểm soát tốt hơn nữa sản lượng hải sản lên bến, ghi chép nhật ký đầy đủ đảm bảo hồ sơ xuất khẩu minh bạch, chính xác. Xử phạt nghiêm đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài theo khung khổ pháp luật.

Phía EC tiếp tục khẳng định sẽ không gỡ cảnh báo "thẻ vàng" cho Việt Nam nếu chưa chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Đây là một vấn đề nan giải, đòi hỏi ngành chức năng, các địa phương phải có giải pháp mạnh hơn nữa.

Có thể thấy, thời gian qua dù chúng ta đã rất nỗ lực triển khai các nhóm giải pháp chống khai thác IUU nhưng vẫn chưa đủ sức thuyết phục EC gỡ "thẻ vàng". Theo ông, những hạn chế, tồn tại này nằm ở đâu?

- Thời gian qua, Bộ NNPTNT, các địa phương đã nỗ lực rất lớn, thể hiện quyết tâm chính trị triển khai các giải pháp gỡ "thẻ vàng" của EC nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Trong đó, tồn tại lớn nhất là vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài. 

Trong 6 tháng đầu năm 2020, dù số vụ vi phạm đã giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn còn 54 vụ với 86 tàu cá vi phạm, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Trong đó, Kiên Giang 34 vụ/58 tàu, Cà Mau 5 vụ/8 tàu, Bến Tre 6 vụ/7 tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu 4 vụ/6 tàu...

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mới được thực hiện trên 80% tàu cá (24.000 chiếc), còn 20% số tàu cá cố gắng hoàn thành trong thời gian tới. Tồn tại lớn nhất trong việc giám sát hành trình là ngư dân không duy trì thiết bị giám sát 24/24 giờ, vẫn còn tình trạng tàu cá ra biển là mất kết nối, khó giám sát nếu vi phạm.

Phía EC tiếp tục khẳng định sẽ không gỡ cảnh báo "thẻ vàng" cho Việt Nam nếu chưa chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Dù hầu hết ngư dân có ý thức trong việc ghi chép nhật ký khai thác để đảm bảo truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn còn sai sót. 

Bên cạnh đó, công tác xử phạt đối với các hành vi vi phạm vẫn còn khó khăn dù Nghị định 41 đã quy định rất rõ, nâng mức xử phạt lên 6 - 10 lần để đảm bảo tính răn đe.

Nếu không gỡ bỏ được "thẻ vàng" thì việc xuất khẩu thủy sản sang các nước thuộc liên minh châu Âu (EU) sẽ bị tác động như thế nào, thưa ông?

- Nếu không sớm gỡ được "thẻ vàng" thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu. Hiện, kim ngạch xuất khẩu hải sản sang EU khoảng 400 - 500 triệu USD/năm, trong thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 10 - 15 triệu USD mỗi năm.

Con số xuất khẩu tuy chưa phải là lớn nhưng theo tôi nếu không gỡ "thẻ vàng" thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành.

Ngoài ra, EU cũng là thị trường tín chỉ, các thị trường khác cũng có khả năng áp dụng các quy định khác trong khai thác IUU tương tự như EU. Đơn cử, trong thời gian vừa qua, Mỹ đang có dự kiến phiên điều trần đối với Việt Nam trong việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang Mỹ, xem liệu có thực thi các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp hay không.

Quyết tâm gỡ "thẻ vàng"

Để xóa được "thẻ vàng' thì chúng ta phải tái cơ cấu lại nghề cá tự phát thành nghề cá có trách nhiệm, bền vững. Thời gian tới, ngành thủy sản sẽ thực hiện mục tiêu này như thế nào?

- Có thể thấy, nghề cá của Việt Nam vẫn là nghề cá nhân dân, số lượng tàu cá nhiều lên đến 96.000 chiếc, trong đó có 31.500 tàu khai thác xa bờ nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Hiện, Bộ NNPTNT đã trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn thủy sản, trên cơ sở nguồn lợi được xác định sẽ cơ cấu lại số lượng tàu thuyền, làm sao tiến tới khai thác bền vững. 

Các địa phương đã rất nỗ lực, hạn chế tiến tới cấm những nghề khai thác có tính xâm hại, hủy diệt, cái khó là cần có lộ trình cho ngư dân chuyển đổi nghề.

Để tiến tới gỡ "thẻ vàng" của EU, Bộ NNPTNT sẽ ưu tiên các nhóm giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?

- Thực hiện các khuyến nghị của EC, trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục tăng cường các đoàn công tác kiểm tra tình hình chống khai thác IUU tại địa phương, đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn để rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế. Ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT, trong đó có Chứng thư khai thác để đảm bảo dòng chảy thương mại giữa hai bên.

 Tăng cường công tác theo dõi, giám sát địa phương trong tổ chức triển khai Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật về cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá… theo đúng quy định, lộ trình.

Bộ NNPTNT cũng đề nghị các địa phương tổ chức triển khai các giải pháp chống khai thác IUU theo đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ như kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, kiểm soát tàu cá ra vào cảng… 

Thực thi nghiêm công tác xử phạt hành vi vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là theo dõi, điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; ngăn chặn, chấm dứt tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

 Bổ sung nguồn lực, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU đảm bảo thực hiện đúng, đủ các quy định về chống khai thác IUU theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem