Gỡ “thẻ vàng” IUU: Đừng để quá muộn

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 26/04/2021 07:00 AM (GMT+7)
Thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) trong việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), các địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm gỡ "thẻ vàng". Tuy nhiên, nếu không nỗ lực hơn nữa, việc gỡ "thẻ vàng" sẽ khó khăn.
Bình luận 0

Bài 1: Bình Định: ráo riết khắc phục sự cố mất tín hiệu tàu

Ngành thủy sản tỉnh Bình Định đã và đang "ráo riết" thực hiện các giải pháp, nhắc nhở ngư dân thực hiện đúng Luật Thủy sản, các quy định IUU và cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Khắc phục sự cố… mất tín hiệu tàu

Nỗ lực chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), 100% số tàu cá có chiều dài 15m trở lên của Bình Định đã được lắp thiết bị giám sát hành trình (3.182 tàu).

Thế nhưng, từ tháng 7/2020 đến nay, có đến hàng ngàn lượt tàu cá đánh bắt xa bờ bị mất tín hiệu giám sát hành trình trong quá trình khai thác, trong đó một số tàu mất tín hiệu trên 10 ngày.

Gỡ “thẻ vàng” IUU: Đừng để quá muộn - Ảnh 1.

Tàu cá cập cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) bán hải sản cho thương lái. Ảnh: Dũ Tuấn

"Hiện tỉnh Bình Định vẫn còn gần 400 tàu chưa có chứng nhận an toàn thực phẩm. Trong tháng 6 tới, chúng tôi bắt buộc 100% tàu cá của tỉnh có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm".

Ông Trần Văn Phúc -

Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định

Ngư dân Nguyễn Văn Thảo - chủ tàu cá BĐ91134 TS (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết: "Gần đây, tín hiệu của máy giám sát trên tàu thường bị mất tín hiệu khoảng từ 3 - 6 giờ. Chuyến biển của ngư dân chúng tôi đi 15 ngày nên việc mất tín hiệu sẽ rất khó khăn, vì vậy đề nghị các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ khắc phục".

Theo quy định, trong vòng 6 giờ đồng hồ, nếu thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá bị hỏng thì thuyền trưởng phải tìm mọi cách liên lạc với các cơ quan chức năng để thông báo tọa độ, vị trí nơi tàu đang đánh bắt. Các tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình trong vòng 10 ngày nếu không cho tàu chạy vào bờ, cũng sẽ bị ngành chức năng xử phạt theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

Theo ông Nguyễn Công Bình - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định, việc mất kết nối của tàu cá không phải mất tín hiệu kéo dài, mà chỉ mất tạm thời, theo kiểu "chập chờn". 

Tuy nhiên, đến nay tình trạng này đã giảm rất nhiều, nếu như năm ngoái Bình Định có trên 1.000 tàu xảy ra tình trạng mất tín hiệu, thì 3 tháng đầu năm nay, chỉ mất tín hiệu dưới 70 tàu.

Tăng truy xuất nguồn gốc

Bình Định là nơi trung chuyển hàng thủy sản phân phối cho các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào thông qua Quốc lộ 19, tiếp nhận nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho những chuyến biển tiếp theo... nên lưu lượng phương tiện tàu thuyền, xe cộ, hàng hóa thủy sản thông qua các cảng cá của tỉnh rất lớn. 

Do đó, công tác kiểm soát và quản lý hàng hóa, phương tiện và tàu thuyền hoạt động tại các cảng được Ban quản lý Cảng cá Bình Định đặt làm nhiệm vụ trọng yếu, đây cũng là nỗ lực khắc phục "thẻ vàng" IUU.

Gỡ “thẻ vàng” IUU: Đừng để quá muộn - Ảnh 3.

Ngư dân Bình Định nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định đánh giá, đến nay, phần lớn các chủ tàu cá và ngư dân đã nhận thức và chấp hành tốt việc báo trước 1 giờ trước khi tàu cập cảng và ghi nộp nhật ký khai thác, khai báo sản lượng khi vào cảng. 

"Chúng tôi tổ chức tốt công tác giám sát sản lượng thủy sản qua cảng, tăng cường công tác xác nhận nguyên liệu khai thác thủy sản theo đúng quy định của Bộ NNPTNT. Thành lập tại mỗi cảng cá 1 tổ công tác gồm 3 người để thực hiện việc kiểm soát hàng hóa lên cảng; phân công ca trực hỗ trợ cho tổ xác nhận, kiểm tra thời gian hàng lên cảng, kiểm tra chủng loại để cấp giấy biên nhận hàng. Đây là cơ sở để doanh nghiệp thu mua thủy sản xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản" - ông Dũng chia sẻ.

3 tháng đầu năm 2021, Chi cục Thủy sản Bình Định đã cấp hơn 160 giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên có giấy phép hoạt động tại vùng khơi. 

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh này có hơn 2.800 trong tổng số gần 3.200 tàu đánh bắt xa bờ được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm.

Ngư dân Huỳnh Nguyên Dũng vừa được Chi cục Thủy sản Bình Định cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá BĐ97282 TS. 

Ông Dũng cho biết: "Muốn đi tàu đánh bắt, xuất bến là phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Mọi thủ tục được hỗ trợ thực hiện nhanh chóng, không ảnh hưởng đến thời gian ra khơi của ngư dân".

Để thực hiện cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá, Chi cục Thủy sản Bình Định đã tuyên truyền đến tất cả ngư dân về ý nghĩa, mục đích của nội dung này. Nếu quy trình phải mất 3 ngày thì ngành chức năng tỉnh Bình Định rút gọn lại trong 1 ngày, không gây phiền hà, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển. 

Hiện, tỉnh Bình Định vẫn còn gần 400 tàu chưa có chứng nhận an toàn thực phẩm. "Trong tháng 6 tới, chúng tôi bắt buộc 100% tàu cá tại Bình Định phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm" - ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem