Gỡ “thẻ vàng” IUU, đừng để quá muộn (bài 2): Cà Mau đã phạt 19 vụ liên quan đến khai thác IUU

Chúc Ly Thứ ba, ngày 27/04/2021 08:51 AM (GMT+7)
Tỉnh Cà Mau đang nỗ lực và triển khai các giải pháp đồng bộ để thực hiện gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC), giải quyết bài toán thị trường tiêu thụ thủy sản bền vững.
Bình luận 0

Theo thống kê từ ngành chức năng tỉnh Cà Mau, tình trạng tàu cá vi phạm các quy định của Nhà nước trong hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển của tỉnh thời gian qua tuy có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn diễn ra, đặc biệt là vẫn còn các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Tăng cường truy xuất nguồn gốc

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản thuộc Sở NNPTNT Cà Mau đã phát hiện, xử lý 37 vụ vi phạm, thu phạt với số tiền 725 triệu đồng. 

Trong đó, số vụ vi phạm liên quan đến khai thác IUU là 19 vụ, phạt 486,5 triệu đồng; số vụ vi phạm nhật ký khai thác là 10 vụ/250 triệu đồng; số vụ vi phạm về vùng khai thác là 9 vụ/225 triệu đồng.

Liên quan đến việc gắn thiết bị giám sát hành trình, ông Lê Văn Luận (Công ty TNHH một thành viên Quốc Đạt), thông tin: "Trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hư hỏng thì theo quy định tàu phải quay vào bờ trong vòng 10 ngày. Như vậy, chi phí để tàu cá quay vào bờ là rất lớn. Chúng tôi kiến nghị ngành chức năng cần xem xét lại quy định đó; đồng thời phải sửa chữa nhanh thiết bị để hạn chế chi phí".

Gỡ “thẻ vàng” IUU: Đừng để quá muộn Cà Mau gỡ thẻ vàng để mở cửa thị trường  - Ảnh 1.

Tàu cá ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: C.L

Tính từ ngày 23/10/2017 (ngày EC cảnh cáo thẻ vàng) đến nay, Cà Mau đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, cửa biển.

Qua đó, phát hiện và xử lý xử phạt vi phạm hành chính 638 vụ, với số tiền trên 11,7 tỷ đồng.

Trong đó vi phạm khai thác IUU 355 vụ, xử phạt với số tiền hơn 9 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Huy (ngụ khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đề nghị: "Hiện nay, giữa chủ tàu và ngư phủ không có hợp đồng với nhau khi đi đánh bắt. Chúng tôi đề nghị các ngành chức năng, tạo điều kiện cho chủ tàu làm hợp đồng đánh bắt với ngư phủ".

Ông Nguyễn Việt Triều – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, nhận định: "Khi thủy sản được xuất khẩu, khách hàng bỏ tiền ra mua nên họ có quyền biết nguồn gốc hàng hóa. Những việc làm này, trước đó còn bỏ ngỏ, nhưng hiện nay phải tập trung thực hiện".

Cũng theo ông Triều, liên quan đến thẻ vàng của EC, Việt Nam đã vào "sân" chung toàn cầu nên phải tuân thủ luật chung của tổ chức quốc tế đưa ra. Nếu không đáp ứng được thì hàng hóa không thể xuất khẩu. 

"Nếu chúng ta không nhìn nhận, ý thức khai thác thủy sản bền vững để thực thi pháp luật cho tốt, đến tương lai gần khi thẻ vàng không gỡ được thì sẽ đến thẻ đỏ. Lúc ấy buộc chúng ta nghĩ đến bài toán thị trường tiêu thụ, cá bán không ai mua, dẫn tới nghề khai thác thủy sản bị phá sản" - ông Triều nhấn mạnh.

Tháo gỡ vướng mắc

Để tăng cường công tác chống khai thác IUU, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

 Đặc biệt, Cà Mau thực hiện không cấp giấy phép khai thác thủy sản cho những tàu tái phạm, không xem xét cho chủ tàu, thuyền trưởng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ có liên quan của Nhà nước về thủy sản.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, công tác triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên được chú trọng. Đến nay, trong tổng 1.533 tàu (đã trừ 109 tàu công bố mất tích), đã lắp đặt được 1.441 tàu.

Gỡ “thẻ vàng” IUU: Đừng để quá muộn Cà Mau gỡ thẻ vàng để mở cửa thị trường  - Ảnh 3.

Tàu cá ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: C.L

Về cơ bản các tàu cá thuộc diện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của tỉnh có tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển đã lắp đặt thiết bị này và đưa vào hệ thống quản lý chung trên toàn quốc.

Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động tuần tra, kiểm soát hơn nữa, mới đây UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Công văn số 6280/UBND-NNTN về tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền nâng cao hiệu quả chống khai thác IUU.

Ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau, cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung khắc phục các tồn tại trong công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng; truy xuất nguồn gốc thuỷ sản xuất sang thị trường châu Âu. 

Kiểm tra công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá theo quy định, từ đó kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng tàu cá cố tình đánh bắt ở các vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra các tàu cá hoạt động khai thác trên biển được tổ chức triển khai thường xuyên, liên tục. 

Lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản đóng tại 5 cửa biển trọng điểm luôn duy trì sự hiện diện trên biển từ 10 - 15 ngày/tháng để thực hiện nhiệm vụ, kịp thời phát hiện và xử lý đối với các trường hợp tàu cá vi phạm. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem