Góc nhìn pháp lý vụ Bộ Tư pháp lấy số liệu năm 2005 dùng cho 2019

Hoà Nguyễn Thứ năm, ngày 14/11/2019 06:15 AM (GMT+7)
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng ký được gửi đến Quốc hội sử dụng các số liệu về môi trường từ năm 2005. Các chuyên gia pháp lý đã có chia sẻ về vấn đề này với Dân Việt.
Bình luận 0

Liên quan đến thông tin số liệu môi trường năm 2019 được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tận năm 2005, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu thừa nhận việc sử dụng số liệu về môi trường Hà Nội từ năm 2005 để đánh giá về thi hành Luật Thủ đô là do bộ phận tham mưu sơ suất, lấy thông tin trên mạng mà thiếu kiểm chứng.

Tại cuộc họp mới nhất với báo chí, Phó Chánh văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, sau khi phát hiện thông tin trên, Bộ đã sửa và có Báo cáo chính thức gửi tới các đại biểu Quốc hội.

"Ngày 17/10, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo chính thức gửi cho các đại biểu Quốc hội, Báo cáo chính thức này để sử dụng trong kỳ họp Quốc hội" - ông Trần Quốc Hoàn, Phó Chánh văn phòng Bộ Tư pháp nói.

Theo ông Hoàn, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thận trọng trong việc sử dụng số liệu, nguồn thông tin phục vụ cho công tác chuyên môn của mình.

Tuy nhiên, dư luận tỏ ra băn khoăn trước việc xử lý thông tin để gửi cho các đại biểu Quốc hội sử dụng trong một kỳ họp rất quan trọng lại có sai sót như vậy, nếu không được phát hiện kịp thời sẽ ảnh hưởng tới các quyết định sau này của các đại biểu.

img

Bộ Tư pháp thừa nhận việc nhân viên tham mưu đã sơ suất khi lấy thông tin trên mạng mà không kiểm chứng.

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định, văn bản mà Bộ trưởng Lê Thành Long ký gửi đến Quốc hội chỉ là văn bản Báo cáo thi hành Luật thủ đô, không phải là văn bản quy phạm pháp luật và may mắn là những sai sót, số liệu chưa chính xác của văn bản này đã được phát hiện kịp thời, văn bản này cũng chưa gây ra các ảnh hưởng, cũng như tác động đến xã hội.

Tuy nhiên, theo luật sư Cường, đây cũng là bài học rút kinh nghiệm sâu sắc đối với bộ phận chuyên môn, tham mưu giúp việc khi soạn thảo những văn bản quan trọng như thế này.

Luật sư Cường dẫn chứng, theo quy định pháp luật, Báo cáo là một loại văn bản hành chính (gồm văn bản giấy và văn bản điện tử) của cơ quan, tổ chức, cá nhân để thể hiện tình hình, kết quả thực hiện công việc nhằm giúp cho cơ quan, người có thẩm quyền có thông tin phục vụ việc phân tích, đánh giá, điều hành và ban hành các quyết định quản lý phù hợp.

Cũng theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 09/2019/NĐ-CP, thời gian chốt số liệu báo cáo là khoảng thời gian tính từ thời điểm bắt đầu lấy số liệu của kỳ báo cáo đến thời điểm kết thúc việc lấy số liệu để thực hiện việc xây dựng báo cáo.

Nguyên tắc chung về việc ban hành chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước là bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ phục vụ hiệu quả cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền;

Các số liệu yêu cầu báo cáo phải đồng bộ, thống nhất về khái niệm, phương pháp tính và đơn vị tính để bảo đảm thuận lợi cho việc tổng hợp, chia sẻ thông tin báo cáo;…

img

Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, việc Báo cáo thi hành Luật thủ đô sử dụng số liệu môi trường từ cuối năm 2005 là không phù hợp quy định pháp luật.

Điều 23 Nghị định số 09/2019/NĐ-CP quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức và cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện chế độ báo cáo là phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy trình, thời hạn của các chế độ báo cáo;

Các thông tin, số liệu báo cáo phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực tế; Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chia sẻ, cung cấp thông tin, số liệu báo cáo khi được yêu cầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo do mình cung cấp;

Người ký báo cáo phải đúng thẩm quyền, phù hợp với từng loại báo cáo và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân báo cáo; Bố trí cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, chuyên môn phù hợp để thực hiện công tác báo cáo.

Theo đó cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức và cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

“Như vậy có thể thấy việc Báo cáo thi hành Luật thủ đô sử dụng số liệu môi trường từ cuối năm 2005 là không phù hợp quy định pháp luật, không đánh giá đúng thực trạng, có thể tác động tiêu cực đến việc xây dựng chính sách, pháp luật của nhà nước.

Việc thực hiện một bản báo cáo thường có sự phân cấp nhiệm vụ cụ thể, từ thống kê số liệu, tình hình thực tế đến tổng hợp, soạn thảo, tham mưu và ký ban hành văn bản” – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nêu quan điểm.

Cũng theo luật sư Cường, để có căn cứ xử lý trách nhiệm đối với một cá nhân, cần phải xác định xem có hành vi vi phạm quy định pháp luật hay không, nguyên nhân của hành vi vi phạm và yếu tố lỗi đối với việc vi phạm là như thế nào, từ đó mới có thể có những biện pháp xử lý cho phù hợp.

Trường hợp có cơ sở xác định được có sự vi phạm pháp luật về các trình tự, thủ tục trong việc xây dựng, soạn thảo, ban hành báo cáo, thì có thể xem xét xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật.

img

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm, phải xử lý các cán bộ đã để xảy ra sai sót trên.

Còn nếu do yếu tố nhầm lẫn, sai sót có tính chất nghiệp vụ, kinh nghiệm thì cũng cần rút kinh nghiệm sâu sắc và xem xét bồi dưỡng thêm chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tham mưu để họ thực hiện công việc, nhiệm vụ tốt hơn, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

Cũng trao đổi về vấn đề này với Dân Việt, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối cho biết, việc sử dụng thông tin số liệu cũ từ năm 2005, khi được tham mưu đối với các số liệu cũ từ năm 2005 thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm phải kiểm tra số liệu, tổ chức họp thẩm định, nghiên cứu nội dung có liên quan.

“Việc bộ phận tham mưu sử dụng số liệu cũ từ năm 2005 để làm căn cứ gửi cho đại biểu Quốc hội sử dụng để ban hành văn bản quy phạm pháp luật là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm.

Khi xem xét xử lý, cán bộ, công chức khi tham mưu cho Bộ tư pháp sử dụng số liệu cũ từ năm 2005 phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật” – Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem