Gói biện pháp mới trừng phạt Nga sau khi tấn công Ukraine có thực sự “nghiêm trọng” như tuyên bố?
Khi Nga mở cuộc tấn công lớn vào Ukraine, điều được quan tâm nhất là việc Mỹ, EU và liên minh phương Tây sẽ gia tăng biện pháp trừng phạt như thế nào.
Trước đó thứ Tư, phương Tây đã công bố làn sóng trừng phạt đầu tiên dành cho Nga. Điều này diễn ra ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội chiếm đóng Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt trong làn sóng đầu tiên của phương Tây chủ yếu nhắm vào quân đội Nga và giới tài phiệt. Một số nhà phân tích cho rằng các biện pháp hôm thứ Tư là quá nhẹ nhàng với Nga.
Vào thứ Năm, khi cuộc chiến của ông Putin trở nên rõ ràng, các đồng minh phương Tây đã công bố thêm các biện pháp trừng phạt mới. Gói trừng phạt thứ hai này được Mỹ và châu Âu tự nhận là "quy mô lớn" và "có sức tàn phá".
Đánh vào các ngân hàng lớn
Trên chương trình phát sóng trực tiếp, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một loạt các biện pháp mà ông cho rằng sẽ "đáng nặng vào nền kinh tế Nga, cả ngắn hạn và dài hạn".
Trong đợt trừng phạt thứ 2 này, Mỹ quyết định cấm vận các ngân hàng lớn nhất của Nga: Sberbank và VTB Bank, cả hai đều thuộc sở hữu nhà nước.
Sberbank nắm giữ khoảng một phần ba tổng tài sản ngân hàng Nga, các lệnh trừng phạt mới sẽ chặn giao dịch bằng đô la Mỹ tại ngân hàng này. Ngân hàng VTB nắm giữ khoảng 16% tài sản ngân hàng của Nga. Ngân hàng này đã bị đóng băng hoàn toàn bởi lệnh trừng phạt của Mỹ thông qua "lệnh trừng phạt cấm vận hoàn toàn".
Sberbank, công ty cho vay lớn nhất của Nga, đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt nghiêm khắc
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng nhằm vào ba tổ chức tài chính lớn của Nga: Otkritie, Novikom và Sovcom. Đồng thời, hơn 90 công ty con của tổ chức tài chính Nga trên khắp thế giới có liên quan đến các ngân hàng cũng bị trừng phạt.
Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, 80% các giao dịch ngoại hối hàng ngày của các tổ chức tài chính Nga trị giá 46 tỷ đô la (41 tỷ euro) được thực hiện bằng đô la.
"Mỹ đã cắt đứt hai ngân hàng lớn nhất của Nga - cộng lại chiếm hơn một nửa tổng hệ thống ngân hàng ở Nga tính theo giá trị tài sản - khỏi việc xử lý các khoản thanh toán thông qua hệ thống tài chính của Hoa Kỳ. Các tổ chức tài chính Nga sẽ phải chấp nhận thiệt hại." - Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.
Các biện pháp cấm vận Sherbank đồng thời hạn chế khả năng nhập khẩu "công nghệ nhạy cảm của Moscow, chủ yếu nhắm vào các lĩnh vực quốc phòng, hàng không và hàng hải của Nga", Nhà Trắng cho biết.
Trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU vào tối thứ Năm, 27 quốc gia thành viên đã nhất trí về các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực tài chính. Toàn bộ các biện pháp vẫn chưa được tiết lộ. Trước mắt, EU sẽ chặn hai ngân hàng tư nhân lớn nhất Nga khỏi nguồn tài chính của EU, bao gồm Alfa-Bank.
Các hình phạt cũng được công bố đối với 24 cá nhân và tổ chức, bao gồm cả hai ngân hàng quốc doanh, ở Belarus, nơi đang tiếp nhận quân đội Nga tham gia cuộc xâm lược.
EU sẽ đóng băng tài sản của Nga trong khối và ngăn chặn khả năng tiếp cận thị trường tài chính châu Âu của các ngân hàng.
Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh EU, ông Josep Borrell mô tả đây là "gói trừng phạt khắc nghiệt nhất mà chúng tôi từng thực hiện".
Vương quốc Anh cũng thực hiện cấm vận tương tự. Trong đó bao gồm đóng băng tài sản và loại các ngân hàng Nga ra khỏi các sàn giao dịch đồng bảng Anh.
Thủ tướng Anh cho biết nhóm các nhà lãnh đạo thế giới G7 đã đồng ý liên kết để "tối đa hóa cái giá kinh tế mà Putin sẽ phải trả cho hành động gây hấn của mình". Ông cũng xác nhận rằng các lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng đối với Belarus vì vai trò của nước này trong cuộc tấn công Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt tài chính do thủ tướng công bố
Tất cả các ngân hàng lớn của Nga sẽ bị đóng băng tài sản và bị loại khỏi hệ thống tài chính của Vương quốc Anh. Điều này sẽ ngăn họ truy cập đồng bảng Anh và thanh toán bù trừ qua Vương quốc Anh. Điều này bao gồm việc đóng băng toàn bộ và ngay lập tức ngân hàng VTB.
Ngăn chặn các công ty lớn của Nga và nhà nước huy động tài chính hoặc vay tiền trên thị trường Vương quốc Anh
Mở rộng danh sách cá nhân và doanh nghiệp bị đóng băng tài sản ở Anh
Giới hạn tiền gửi mà người Nga có thể thực hiện trong tài khoản ngân hàng ở Vương quốc Anh
Kiểm soát xuất khẩu và các biện pháp khác
Các biện pháp trừng phạt cũng sẽ nhắm vào các lĩnh vực năng lượng và vận tải của Nga, đồng thời tìm cách kìm hãm hoạt động thương mại và sản xuất của nước này bằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu khác của Hoa Kỳ và EU sẽ nhắm vào các loại hàng hóa khác nhau được quân đội sử dụng, bao gồm cảm biến, tia laser và các ứng dụng viễn thông khác nhau.
Ông Biden đã công bố các lệnh cấm xuất khẩu đối với công nghệ quan trọng, nhắm vào lĩnh vữc viễn thông và quân sự.
EU sẽ chặn việc bán máy bay và các linh kiện liên quan đến Nga. Các lệnh cấm xuất khẩu bổ sung sẽ nhắm vào công nghệ cần thiết để nâng cấp các nhà máy lọc dầu của Nga.
Trước đó, Đức đã đình chỉ dự án đường ống dẫn khí đốt Baltic Nord Stream 2 của Nga nối đến nước này.
Trong vài ngày tới, Vương quốc Anh sẽ ngừng xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao và thiết bị lọc dầu. Anh cũng đình chỉ các giấy phép xuất khẩu thiết bị, linh kiện có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Đồng thời, nước này cũng cấm hãng hàng không quốc gia Nga - Aeroflot hạ cánh tại trên lãnh thổ.
Liệu Nga có bị loại khỏi SWIFT?
Đã có suy đoán đáng kể rằng Nga có thể bị loại khỏi SWIFT, hệ thống thanh toán quốc tế, được sử dụng trong các giao dịch quốc tế, đặc biệt là mua bán năng lượng. Đây được coi sẽ là một trong những biện pháp trừng phạt nhất nếu áp dụng.
Tuy nhiên, các đồng minh đã từ chối sử dụng phương án đó do sự phản đối của một số nước châu Âu, bao gồm cả Đức. Được hỏi về vấn đề này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: "Đây cũng là một biện pháp cứng rắn nhưng chúng ta nên giữ lại để áp dụng sau."
"Đó luôn là một lựa chọn khả thi nhưng hiện tại biện pháp này sẽ không có lợi cho châu Âu", Biden nói về lý do chưa loại Nga khỏi SWIFT.
Ukraine và các nước Baltic cũ của EU đã thúc đẩy loại bỏ Nga khỏi hệ thống nhưng chưa thành công.
Việc các nước châu Âu chưa cấm Nga khỏi SWIFT đã dẫn đến phản ứng dữ dội từ Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine – ông Dmytro Kuleba. "Tôi không còn nói được gì về điều này. Tất cả những ai đang nghi ngờ liệu Nga có nên bị cấm khỏi SWIFT hay không, họ phải hiểu rằng sinh mạng của những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội của Ukraine đang bị đe doạ" – ông nói.
Trừng phạt nhưng chưa có tính răn đe
Bà Alexandra Vacroux, giám đốc điều hành của Trung tâm Davis về Nghiên cứu Nga và Á-Âu tại Đại học Harvard, cho rằng các biện pháp mới vẫn chỉ mang tượng trưng chứ chưa có tác dụng răn đe.
Bà nói: "Những biện pháp trừng phạt chưa thực sự có tác dụng. Putin không quan tâm tác động kinh tế của cuộc xâm lược này là gì. Chỉ như vậy sẽ không ngăn cản được ông ấy thực hiện ý định tại Ukraine".
Theo đó, việc cấm vận Nga khỏi SWIFT sẽ có "tác động rất nghiêm trọng" đối với Nga nhưng cũng sẽ khiến phương Tây bị tổn thương.
Châu Âu sẽ không thể thanh toán cho khí đốt của Nga hãy sử dụng các ngân hàng đại lý để mua dầu và khí đốt của họ từ Nga. Điều này sẽ tàn phá thị trường khí đốt và có thể dẫn đến thiếu hụt trầm trọng vào mùa đông.
"Vì các nước không chiến đấu với Putin bằng quân đội, họ phải chiến đấu với Nga theo những cách khác. Đòn bẩy kinh tế là tất cả những gì chúng ta có. Tôi không nói rằng không nên sử dụng những biện pháp hiện tại, nhưng tôi cho rằng gói trừng phạt này sẽ không ngăn cản được Nga tiếp tục tấn công Ukraine." - bà Alexandra Vacroux nhận định.