Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng: Nới lỏng điều kiện thụ hưởng là cần thiết

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 16/10/2020 06:01 AM (GMT+7)
Sau gần 5 tháng triển khai thực hiện gói 62 nghìn tỷ đồng, nhiều lao động khó khăn vẫn chưa thể tiếp cận hỗ trợ của Chính phủ. Nhiều nhất trong số đó là lao động di cư, lao động làm ở hệ thống giáo dục tư nhân.
Bình luận 0

Cần nới lỏng điều kiện hưởng

Mới đây, trong Hội thảo "Gói 62 nghìn tỷ - Góc nhìn từ những người hưởng lợi" do Mạng lưới hành động vì người di cư (M.net) tổ chức, nhiều lao động di cư cho rằng, cần phải nới lỏng điều kiện hưởng lợi từ gói 62 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tới việc làm của hơn 30 triệu lao động, theo đó tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Các lao động này đã và đang bị mất việc làm hoặc giảm sâu về thu nhập do mất việc làm, giảm việc làm và tạm dừng làm việc. Thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức có mức giảm nhiều hơn so với lao động chính thức, trong khi đó, họ ít được tiếp cận các chính sách an sinh - xã hội, không có bảo hiểm xã hội, ít có cơ hội việc làm thay thế.

Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng: Nới lỏng điều kiện thụ hưởng là cần thiết  - Ảnh 1.

Việc hỗ trợ cho nhóm lao động tự do còn ít hiệu quả. (Ảnh minh họa: Hỗ trợ cho nhóm lao động tự do tại Hà Đông. Ảnh: P.V

Việc triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng thực tế vẫn gặp nhiều thách thức, tỷ lệ giải ngân thấp. Bắt đầu triển khai từ tháng 5/2020 nhưng tính đến hết tháng 7/2020 mới giải ngân được 11,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 12%, hỗ trợ cho gần 12 triệu người và gần 13 nghìn hộ kinh doanh.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 42 và Quyết định 15 để thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng là một chính sách kịp thời và quan trọng. Tuy nhiên, việc triển khai gói hỗ trợ này thực tế vẫn gặp nhiều thách thức, tỷ lệ giải ngân thấp. Các hộ nghèo và thuộc diện chính sách đã được nhận hỗ trợ từ gói này bên cạnh những khoản trợ cấp theo chính sách hỗ trợ thường xuyên của Chính phủ.

Với những gia đình bị mất sinh kế do đại dịch, khoản hỗ trợ đã giúp họ vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên đối với người lao động, phần lớn chưa được nhận hỗ trợ, mới có khoảng hơn 402.000 người đã được nhận với kinh phí là hơn 403 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% tổng số tiền đã giải ngân.

Bà Nguyễn Thị Điểm (dân tộc Tày, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, trong thời gian hỗ trợ đợt 1, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng chỉ được chi cho những gia đình nghèo và cận nghèo. Còn nhiều gia đình không thuộc đối tượng hộ nghèo nhưng thực sự khó khăn, do ảnh hưởng Covid-19 họ bị mất việc làm, không có thu nhập nhưng cũng không được nhận. "Trong quá trình đi khảo sát, người dân hỏi tại sao trường hợp của họ không được nhận hỗ trợ. Đúng là theo quy định của gói hỗ trợ thì họ không được. Tôi cảm thấy họ rất thiệt thòi, họ rất cần và đáng được hưởng gói hỗ trợ này. Tôi mong là nếu gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng vẫn còn thì nên tạo điều kiện giúp đỡ cho những người thực sự khó khăn" - bà Điểm nói.

Triển khai quá chặt, máy móc

Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ, nguyên tắc của gói 62 nghìn tỷ đồng là "hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19". Nhưng khi thực hiện, nhiều địa phương đã áp dụng chưa đúng và quá chặt chẽ. Do đó, nhiều người, nhiều hộ gia đình gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu do đại dịch nhưng không thuộc diện hộ nghèo hoặc chính sách thì đã không được nhận hỗ trợ. Bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện Cộng đồng Ánh Sáng cho rằng, cần ra soát lại những đối tượng thực sự bị ảnh hưởng, đồng thời có các hướng dẫn về đối tượng được thụ hưởng cần rõ ràng và có sự chỉ đạo cụ thể từ trung ương xuống địa phương để tránh việc hiểu nhầm dẫn đến việc bỏ sót hoặc hỗ trợ sai đối tượng. Ngoài ra, cần có biện pháp để nghe ý kiến phản hồi trực tiếp từ người dân kịp thời, giúp điều chỉnh thực hiện một cách hiệu quả.

"Cần phải sửa đổi một số chính sách, như Nghị quyết 136 về phát triển bền vững. Có như vậy thì sau này không chỉ là câu chuyện Covid-19 mà bất kỳ khi nào xảy ra thiên tai, địch họa hoặc tình huống tương tự như thế này chúng ta cũng có khung pháp lý để đưa nhóm đối tượng này vào trong chính sách hiện hành. Chính sách cần đảm bảo việc thực hiện câu chuyện an sinh xã hộ toàn dân, đảm bảo quyền của tất cả mọi người mà không phải tính tới việc người ta ở đâu, hộ khẩu như thế nào, các điều kiện ra sao" - bà Giang nói.

Ông Nguyễn Hoài Đức - Trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng Bộ LĐTBXH cũng cho rằng, việc triển khai hỗ trợ gói 62 nghìn tỷ đồng mang tính nhân văn, nhưng quá trình triển khai đã gặp những vướng mắc, bất cập. Do đó, Bộ LĐTBXH đã có kiến nghị với Chính phủ sửa đổi Nghị định 42 và Nghị quyết 15 theo hướng nới lỏng điều kiện thụ hưởng và hy vọng những người đáng được hỗ trợ sẽ được hưởng lợi từ gói hỗ trợ này.

"Bộ LĐTBXH đã có kiến nghị gửi Chính phủ, hy vọng trong phiên họp thường kỳ tháng 9 Thủ tướng Chính phủ có thể ký nghị quyết sửa đổi cũng như ký sửa đổi Quyết định số 15 để chúng ta thực hiện hỗ trợ bổ sung thêm. Chính phủ cũng thảo luận và thống nhất rằng nếu tình hình dịch có vấn đề thì chúng ta đề xuất một gói hỗ trợ mới, báo cáo Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một gói hỗ trợ mới trên cơ sở cân đối tất cả nguồn lực ngân sách còn bảo đảm được". 


Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ: Đề xuất cho vay vốn đến hết năm 2020
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem