Gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ: Gấp rút phân loại, rà soát đối tượng

Thùy Anh Thứ hai, ngày 13/04/2020 06:10 AM (GMT+7)
Triển khai gấp để tiền về tay đối tượng cần hỗ trợ ngay khi Chính phủ ban hành nghị quyết về gói hỗ trợ an sinh dành cho lao động và đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các địa phương đã gấp rút triển khai các bước thực hiện. Nhiều địa phương chạy đua, làm việc cả ngày nghỉ với hy vọng sẽ có thể hỗ trợ sớm nhất cho đối tượng.
Bình luận 0

Địa phương triển khai cả ngày nghỉ

Hoằng Hóa là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Thanh Hóa, do tác động của dịch Covid-19 mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ lưu trú, quán ăn, đã phải đóng cửa, lao động phải nghỉ việc. Trước tình hình này, để thực hiện nghị quyết của Chính phủ về gói hỗ trợ an sinh, huyện Hoằng Hóa đã gấp rút triển khai rà soát các đối tượng.

Ông Nguyễn Đình Dục - Phó phòng LĐTBXH huyện Hoằng Hóa cho biết: Ngay khi có văn bản của Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa, phòng đã triển khai hoạt động rà soát tới các xã, khu công nghiệp để các đơn vị nắm được. "Ngay khi nhận được văn bản chúng tôi đã triển khai gấp. Anh em trong phòng làm việc cả ngày nghỉ để có thể thống kê kịp thời nhất có thể" - ông Dục nói.

Theo ông Dục, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ kinh doanh cá thể, HTX. Gần như các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ đều chịu tác động nghiêm trọng. Hiện phòng LĐTBXH đang nắm bắt, thống kê lại nhóm đối tượng như người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, còn đối tượng là lao động khu công nghiệp và lao động tự do, phòng đang giao các đơn vị rà soát.

"Riêng đối với lao động tự do, phòng đã có văn bản gửi về các xã yêu cầu các xã rà soát, tổng hợp khẩn trương báo cáo. Đây là nhóm đối tượng đặc biệt khó rà soát vì không có danh sách cụ thể, lao động này lại di chuyển, biến động. Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương cách ly toàn xã hội khiến việc rà soát cũng gặp chút khó khăn"- ông Dục nói.

img

Những người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội. (ảnh Minh Nguyệt)

Còn tại Quảng Ngãi, tỉnh này cũng đang gấp rút rà soát đối tượng với mong muốn đưa gói hỗ trợ sớm nhất tới đối tượng chịu ảnh hưởng. Ông Đỗ Tiến Tân - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, Sở đã yêu cầu doanh nghiệp, khu công nghiệp rà soát đối tượng. Riêng đối tượng người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ... thì danh sách đã có sẵn. Hiện Sở Tài chính đang cân đối, bố trí ngân sách, dự kiến trong tuần này cũng sẽ có báo cáo cụ thể về việc tổ chức triển khai. Theo thống kê toàn tỉnh Quảng Ngãi có gần 28.000 hộ nghèo với hơn 80.000 khẩu và 26.000 hộ cận nghèo khoảng 80.000 khẩu. Riêng đối tượng bảo trợ là 73.000 đối tượng; người có công là 44.000 người. Số liệu lao động có hợp đồng và lao động tự do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được báo cáo trong tuần này.

Để hỗ trợ địa phương, đơn vị có liên quan triển khai, ngay cuối tuần qua, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) đã có văn bản gửi đơn vị liên quan rà soát báo cáo lại số liệu. Ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho rằng, dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế - xã hội, khiến giá cả leo thang. Thực phẩm thiết yếu đều tăng giá từ 30-60%, ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân, nhất là đối tượng bảo trợ khiến họ khó tiệm cận được mức sống tối thiểu. Chính bởi vậy, việc Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối tượng chịu tác động, đối tượng yếu thế là rất nhân văn.

"Do tác động của dịch Covid-19, đối tượng bảo trợ chịu tác động kép, cùng lúc vừa chịu hậu quả từ việc tăng giá, vừa chịu hậu quả từ việc mất việc làm, giảm sâu thu nhập. Lâu nay mức trợ cấp xã hội khá thấp (chỉ từ 270.000 đồng) vì thế đa phần đối tượng bảo trợ vẫn phải tìm kế mưu sinh. Do vậy, khoản hỗ trợ thêm 500.000 đồng cũng là khoản hỗ trợ lớn, có thể giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn này" - ông Hồi nói.

Lao động thấp thỏm chờ đợi

Anh Nguyễn Trọng Hùng (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm lái xe công nghệ được 2 năm nay. Đợt này, do tác động dịch Covid-19 nên lượng khách đi xe giảm rất nhiều, các hãng xe công nghệ đóng dịch vụ vận chuyển khách hàng. Dịch vụ giao hàng dù hoạt động nhưng cũng giảm 80% số đơn, vì vậy anh Hùng và nhiều lao động chạy xe công nghệ  đã phải nghỉ việc từ 2 tháng nay. 

Do tác động của dịch Covid-19, đối tượng bảo trợ chịu tác động kép. cùng lúc vừa chịu hậu quả từ việc tăng giá, vừa chịu hậu quả từ việc mất việc làm, giảm sâu thu nhập. Lâu nay mức trợ cấp xã hội khá thấp (chỉ từ 270.000 đồng) vì thế đa phần đối tượng bảo trợ vẫn phải tìm kế mưu sinh. Do vậy, khoản hỗ trợ thêm 500.000 đồng cũng là khoản hỗ trợ lớn, có thể giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn này".
Ông Nguyễn Văn Hồi
 

"Bên công ty không ký kết hợp đồng lao động, chúng tôi cũng không được đóng BHXH, nên giờ thất nghiệp thì không được hưởng BHTN. Không có việc, đồng nghĩa với việc không có thu nhập, tôi đang không biết phải làm gì để sinh sống. Nghe nói tôi thuộc nhóm được nhận hỗ trợ, tôi rất vui mừng, tuy nhiên vẫn đang chờ đợi xem có thuộc danh sách rà soát của địa phương không" - anh Hùng nói.

Cùng như anh Hùng, chị Nguyễn Thị Tâm (giáo viên Trường Mầm non tư thục tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cũng đã phải nghỉ làm từ 3 tháng nay. Chị Tâm chia sẻ: "Chỉ mong Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ để chúng tôi có đồng chi tiêu, duy trì mức sống tối thiểu qua mùa dịch".

Đó cũng là mong muốn của hàng triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lúc này. Dù biết số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng đó là cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp đối tượng chịu ảnh hưởng vượt qua khó khăn, đảm bảo cuộc sống tối thiểu. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem