Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Vẫn nhiều băn khoăn xoay quanh việc thu hồi đất

Quốc Hải Thứ tư, ngày 15/03/2023 14:59 PM (GMT+7)
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đặt ra quy định khi thu hồi đất phải đảm bảo chỗ ở, thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; đồng thời, việc tái định cư phải thực hiện trước khi thu hồi đất. Theo các chuyên gia, đây là chủ trương rất nhân văn nhưng thực hiện rất khó.
Bình luận 0

Cần quy định thêm điều kiện cụ thể về "hậu" thu hồi bất

Ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở TNMT TP.HCM nhận định, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư rất khó thực hiện trong thực tế.

Cụ thể, ông này dẫn chứng, ở những dự án lớn phải có dự án tái định cư, mà tái định cư thì cũng phải thu hồi đất của dân, chứ đất ở đâu để tái định cư. Nhưng khi thu hồi đất của dân để làm tái định cư thì người dân hỏi tái định cư ở đâu? Vậy khâu này xử lý như thế nào?

"Ngay cả các dự án triển khai bằng đầu tư công thì địa phương có kế hoạch khá chu đáo về bố trí tái định cư gồm nền đất, căn hộ… nhưng bảo rằng phải bố trí trước tái định cư thì về pháp lý nếu điều này thông qua thì phải sửa hàng loạt đạo luật có liên quan", Phó Giám đốc Sở TNMT TP.HCM đặt vấn đề.

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Vẫn nhiều băn khoăn xoay quanh việc thu hồi đất - Ảnh 1.

Việc bố trí tái định cư sau khi thu hồi đất, phá bỏ chung cư cũ đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: IT

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, lại tỏ ra băn khoăn về quy định: "Việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ".

Theo bà Tâm, điều này là quan điểm, chính sách của Đảng và nhà nước chăm lo cho người nghèo nên đưa vào luật là không ổn. Bởi, nếu đưa vào luật thì lấy gì bảo đảm? Cấp xã, huyện, thành phố hay trung ương bảo đảm điều này?

"Cơ sở nào để tính thu nhập cho người dân cao hơn? Ví dụ như người dân có căn hộ nhỏ trong hẻm, có quán nhỏ nuôi con cái, nhưng bất ngờ bị thu hồi và đưa vào chung cư, chẳng có gì thu nhập", bà Tâm nói.

Ngoài ra, bà Tâm cũng băn khoăn về tính khả thi của quy hoạch. Hiện có không ít quy hoạch không thực hiện, tạo lãng phí rất lớn về nguồn lực đất đai và gây khó khăn cho người dân, xảy ra khiếu kiện, khiếu nại.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng nhấn mạnh cần quan tâm đến tính công khai, minh bạch về quy hoạch sử dụng đất.

"Dù trong luật đã quy định về việc công khai, minh bạch thông tin quy hoạch nhưng cần phải làm rõ hơn tại các thông tư, văn bản dưới luật để bảo đảm quyền lợi người dân", ông Huy nói thêm.

Xác định rõ vai trò của đơn vị định giá đất

Một vấn đề rất quan trọng khác cũng được quan tâm là việc giá bồi thường cần tiếp tục có cơ chế để xử lý; cần phải xác định rõ hơn vai trò của đơn vị có chức năng nghiệp vụ về xác định giá đất.

Cụ thể, tại điều 156 quy định về: Hội đồng thẩm định giá đất, theo các chuyên gia thì Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cấp tỉnh nên là Giám đốc Sở Tài chính hay lãnh đạo UBND cấp tỉnh? Có nên quy định trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng thẩm định hay không, nếu có thì nên quy định thế nào cho phù hợp?

Ngoài ra, quy định "Hội đồng thực hiện thẩm định tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, tính trung thực, khách quan trong quá trình định giá" tại dự thảo có khả thi và phù hợp không, trong khi việc xác định giá đất là do tổ chức thẩm định giá xác định.

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Vẫn nhiều băn khoăn xoay quanh việc thu hồi đất - Ảnh 3.

Các chuyên gia cho rằng, cần quy định trách nhiệm rõ ràng cho các thành viên của hội đồng thẩm định giá. Ảnh: H.T

Về vấn đề này, PGS.TS. Diệp Gia Luật, Trưởng Khoa Tài chính công, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đề xuất, nên quy định trách nhiệm từng thành viên tham gia hội đồng thẩm định bảng giá và hội đồng thẩm định giá. Cần quy định trách nhiệm rõ ràng cho các thành viên.

Ở một góc độ khác, ThS. Tô Thị Đông Hà, Trưởng Bộ môn Luật, Khoa Kinh tế - Luật (Trường ĐH Tài chính - Marketing) thì đề xuất, nên kiểm soát quyền lực và nêu cao tinh thần của chính quyền địa phương cấp cơ sở, đồng thời phải có sự liên thông giữa UBND các cấp.

"Thời gian qua các vụ vi phạm pháp luật về đất đai rất nhiều, nhưng hầu như chính quyền địa phương là không nghe, không biết, không thấy. Tôi ví dụ như vụ án Alibaba xảy ra ở nhiều địa phương nhưng chính quyền hầu như không thấy, và cũng không thấy truy trách nhiệm của UBND cấp xã", bà Hà nói.

Vì vậy, bà Hà kiến nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên có quy định về việc kiểm soát quyền lực này của UBND các cấp.

"Nếu UBND cấp huyện thường xuyên cập nhật cho cấp xã biết trên địa bàn có dự án nào được cấp phép, không được cấp phép thì sẽ ngăn chặn được tình trạng lọc lừa của các chủ đầu tư dự án 'ma' với người dân", bà Hà nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem