Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Vì sao chưa sử dụng hết nguồn lực về đất đai?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 15/03/2023 06:15 AM (GMT+7)
Theo các chuyên gia về thuế và tài chính, các khoản thu tài chính về đất đai quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thực sự đầy đủ nên có thể chưa sử dụng hết nguồn lực đất đai.
Bình luận 0

Chưa tính đủ các loại thuế?

PGS.TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM), đánh giá, các khoản thu tài chính từ đất đai tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thực sự đầy đủ, chẳng hạn như thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Chưa kể, theo ông Phong, các khoản thu tài chính từ đất đai (Điều 147) đang được ghi chép rất lộn xộn, không khoa học, logic.

"Cần làm rõ khi sử dụng đất kết hợp, đất hỗn hợp  thì thực hiện theo chế độ giao đất hay cho thuê đất, từ đó xác định khoản thu tài chính từ đất đai của loại đất này là thu tiền sử dụng đất hay thu tiền thuê đất, hay là cả 2", ông Phong đặt vấn đề.

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Các khoản thu tài chính về đất đai đã đầy đủ chưa? - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, các khoản thu tài chính từ đất đai tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thực sự đầy đủ. Ảnh: Nova

TS Trần Trung Kiên, Giám đốc chương trình Thuế, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng nhận định, ở nhiều quốc gia tiên tiến đã sử dụng nhiều loại thuế liên quan đến đất đai hơn, từ đó giúp cho Nhà nước quản lý và sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả hơn.

Ví dụ, một số nước có thuế hạ tầng (phát triển hạ tầng), thuế cảnh quan (tu tạo cảnh quan)…Theo TS Kiên, có thể Việt Nam chưa đưa vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần nay nhưng nên nghiên cứu.

"Điều 147 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên bổ sung các khoản mở cho các khoản thu (thay đổi) từ luật bất động sản đang dự kiến ban hành năm 2025", TS Trần Trung Kiên, đề xuất.

ThS. Tô Thị Đông Hà, Trưởng Bộ môn Luật, Khoa Kinh tế - Luật (Trường Đại học Tài chính - Marketing), cũng kiến nghị, cần bổ sung đầy đủ các khoản thu này, không dừng lại ở 2 loại thuế như trong dự thảo.

"Cần có cụm từ mở để bao quát nhiều loại thuế hiện hành và những loại thuế Nhà nước có thể sẽ ban hành, chẳng hạn cụm từ "những nguồn thu khác theo quy định pháp luật" hoặc "những luật thuế khác" để "tuổi thọ" của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được lâu dài. Nếu không khi có quy định mới, sắc lệnh thuế mới mà áp dụng để thu tài chính từ đất đai thì lại phải sử đổi Luật Đất đai", bà Hà kiến nghị.

Điều tiết nguồn thu từ đất vào đâu cho hợp lý?

Một vấn đề khác được người dân quan tâm là việc điều tiết nguồn thu từ đất vào đâu cho hợp lý? Theo Điều 148 về điều tiết nguồn thu từ đất là quy định hoàn toàn mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy định: Trung ương sẽ điều tiết nguồn thu tài chính từ đất đai để phân bổ cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ chi của các địa phương.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc phân bổ ưu tiên cho nhiệm vụ "đảm bảo an ninh lương thực, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học…", là chưa hợp lý.

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Các khoản thu tài chính về đất đai đã đầy đủ chưa? - Ảnh 3.

Các chuyên gia cho rằng, nên bổ sung mục đích điều tiết nguồn thu từ đất bao gồm cả việc dùng nguồn thu để phục vụ công tác thu hồi đất, tái định cư... Ảnh: Quốc Hải

PGS.TS Nguyễn Anh Phong cho rằng, nguồn thu này cần đảm bảo chi cho việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và kinh tế - xã hội của đất nước.

Phần còn lại của khoản thu ngân sách nhà nước từ đất đai mới sử dụng cho các mục tiêu khác đề cập tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 148 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), gồm Nhà nước điều tiết nguồn thu từ đất của các tỉnh, thành về ngân sách Trung ương để phân bổ cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ, phục hồi đất bị thoái hóa, ô nhiễm.

UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương quy định việc sử dụng một phần nguồn thu từ đất để hỗ trợ các cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi và cho người có đất bị thu hồi.

PGS.TS. Nguyễn Minh Ngọc, Phó Trưởng Khoa Thẩm định giá - Kinh doanh bất động sản (Trường ĐH Tài chính - Marketing), cũng đề xuất, việc điều tiết nguồn thu từ đất, nên bổ sung mục đích điều tiết nguồn thu từ đất bao gồm cả việc dùng nguồn thu để phục vụ công tác thu hồi đất, tái định cư…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem