Grab bị phản ánh không đóng thuế từ lâu, sao không phản hồi ngay?

Thanh Xuân Thứ sáu, ngày 31/08/2018 06:30 AM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt sau khi có phản ánh của Grab rằng báo chí đăng tải các thông tin về về việc họ trốn thuế là không có căn cứ, các chuyên gia cho rằng: Sao Grab không phản hồi ngay?
Bình luận 0

img

Grab sao không phản hồi ngay? (Ảnh: IT)

Cần có tổng kết đánh giá thí điểm

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, Grab hoạt động từ năm 2014 nhưng có thời gian không đóng thuế hoặc khi thấy cơ quan truyền thông, báo chí có đăng tải thông tin liên quan tới việc trốn thuế nhưng không thấy Grab phản hồi ngay thông tin.

Theo ông Thịnh, thuế là quy định của mọi quốc gia, cứ có doanh thu trong kinh doanh là phải nộp thuế, nếu chậm đóng thuế hoặc không đóng thuế thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt.

Về thu hộ thuế TNCN theo doanh thu, ông Thịnh cho rằng, tất cả các doanh nghiệp có doanh thu trên đất nước Việt Nam phải có trách nhiệm nộp thuế thu nhập và nộp thay thuế thu nhập cho cá nhân những lao động đang hoạt động trong doanh nghiệp đó. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ như Grab thì càng phải thực hiện thống kê thu nhập nhanh và nộp thuế theo đúng kỳ hạn cho cơ quan thuế.

Liên quan tới mâu thuẫn giữa taxi công nghệ với taxi truyền thống, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Hiện taxi công nghệ đang được phản ánh là có sự “ưu ái” hơn so với taxi truyền thống nên cần có đánh giá lại hoạt động của các loại hình vận tải này với mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho khách hàng, người dân”, ông Thịnh nói.

Ông Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, cần phải tăng cường kiểm soát taxi công nghệ theo đúng vận tải hành khách, có lưu trữ dữ liệu về quãng đường để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Hiện vẫn có nhiều phản ánh taxi công nghệ như Grab tăng giá vô tội vạ với lý do trời mưa gió, giờ cao điểm, phải đi qua khu vực trung tâm…

“Việc tăng giá phải nằm ở trong quy định hợp lý chứ không thể tăng gấp 2, gấp 3 lần. Tăng giá như thế có phải là bắt chẹt hành khách, có vi phạm vào quy định quản lý giá hay không cũng cần được làm rõ”, ông Thịnh phân tích.

Đang điều tra vụ việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam

Cùng chung nhận định trên, chuyên gia giao thông vận tải Phạm Sanh cho rằng: Hiện đã có Luật cạnh tranh rồi nên nếu Grab cần kiến nghị  thì cứ chờ cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật, Bộ Tài chính sẽ là đơn vị trả lời.

“Việc đăng tải của cơ quan báo chí về nghĩa vụ thuế trong các năm qua theo tôi là phải căn cứ vào các cơ sở dữ liệu của cơ quan chức năng, nếu không thì Grab là doanh nghiệp quốc tế và lại là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, ở thời đại 4.0 này nếu nói sai về họ thì chắc chắn họ sẽ có phản hồi ngay”, ông Sanh nói.

Có ý kiến cho rằng taxi Grab chỉ là công nghệ nhưng cần phải gắn với vận tải công nghệ để doanh nghiệp vận hành phải có trách nhiệm với vận tải. Không chỉ dừng lại ở việc giúp khách hàng và người có xe liên hệ với nhau, như thế họ thích chở đi đâu, làm gì không có dữ liệu quản lý hay sao?

Được biết, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đang tiến hành điều tra chính thức vụ việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam.  Theo đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ tiến hành điều tra vụ việc theo đúng quy định của pháp luật cạnh tranh. Thời hạn điều tra chính thức là 180 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra chính thức; trường hợp cần thiết, có thể gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày.

Trước đó, ngày 16.5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã công bố kết quả điều tra sơ bộ vụ việc Grab mua lại hoạt động của Uber tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%, có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II, Luật Cạnh tranh 2004.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem