GS Ngô Bảo Châu: “Có một thời gian tôi bị khủng hoảng chuyện học hành”

Thứ sáu, ngày 01/04/2022 20:21 PM (GMT+7)
GS Ngô Bảo Châu cho biết đã có những lúc ông bị khủng hoảng chuyện học hành hay muốn đi ngủ thay vì làm việc. Tuy nhiên, cần tìm cách vượt qua những khó khăn đó để có những cơ hội mới.
Bình luận 0
GS Ngô Bảo Châu: “Có một thời gian tôi bị khủng hoảng chuyện học hành” - Ảnh 1.

GS Ngô Bảo Châu nói chuyện với sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Huyên Nguyễn

Luôn phải đổi mới

Chiều 1/4, GS Ngô Bảo Châu có cuộc trò chuyện với học sinh, sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM về vai trò của toán học, các thách thức trong quá trình học toán, nghiên cứu toán học trong bối cảnh hiện nay.

Sau hơn 20 phút dạy giảng toán cho học sinh, sinh viên, GS Ngô Bảo Châu đã chia sẻ, trả lời câu hỏi xung quanh Toán học và cuộc sống.

Với câu hỏi của sinh viên: “Giáo sư có phải là người giỏi cân bằng mọi thứ trong cuộc sống không, hoặc thầy có khoảnh khắc lười trong ngày không? Nếu có thầy đã làm thế nào để vực dậy khỏi cơn lười đó”, GS Ngô Bảo Châu nói không rõ mình có giỏi về việc cân bằng mọi thứ không, nhưng thực tế có rất nhiều khoảnh khắc mình bị mất cân bằng.

"Tôi quan tâm tới nhiều khía cạnh của cuộc sống, không chỉ toán học mà còn khoa học, triết học, văn học, nghệ thuật… Cái gì mình cũng quan tâm, có lẽ điều này làm cho cuộc sống thú vị hơn. Mình không nên nghĩ rằng quan tâm nhiều thì mất thời gian. Thời gian thì có rất nhiều nhưng khi làm việc thì phải tập trung. Chúng ta không thiếu thời gian mà chỉ thiếu tập trung. Việc lười thì ai cũng lười cả. Càng lớn tuổi, tôi càng thích đi ngủ nhưng càng lớn tuổi thì càng thấy mình phải có trách nhiệm và cố gắng hoàn thành trách nhiệm của mình. Điều đó là động lực để tôi thoát khỏi cơn lười" – GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.

Trả lời câu hỏi khó khăn lớn nhất khi theo hướng nghiên cứu là gì, GS Ngô Bảo Châu cho rằng khi làm khoa học luôn có những điều khó khăn khác nhau. Nhưng khó khăn lớn nhất là luôn phải tự làm mới mình. Lúc bắt đầu, mình cần phải trang bị một số kiến thức – thứ vũ khí tư duy để có thể giải quyết một số bài toán.

Sau một thời gian, các bài toán tồn tại đã giải quyết được hết thì cần tiếp tục phải đi tìm ra những bài toán mới với mức độ càng ngày càng khó hơn. Trong làm khoa học muốn duy trì liên tục và đạt ở một mức độ nào đó thì phải biết lựa chọn đề tài và luôn thay đổi tư duy của mình. Do đó, bản thân người làm nghiên cứu luôn phải tự làm mới và thay đổi bản thân mình.

Gửi câu hỏi tới GS Ngô Bảo Châu, sinh viên Phạm Ngọc Trai cho biết rất yêu thích môn Toán và từng vùi đầu vào giải những bài toán khó nhưng Trai luôn trăn trở vì khi giải toán chỉ biết áp dụng công thức chứ không hiểu bản chất vấn đề, lý do tồn tại… Do đó, rất mất động lực, không hiểu mình đang học điều gì. Nam sinh hỏi rằng, liệu GS Ngô Bảo Châu khi còn trẻ có gặp tình huống trên hay không.

GS Ngô Bảo Châu: “Có một thời gian tôi bị khủng hoảng chuyện học hành” - Ảnh 2.

Sinh viên đặt câu hỏi cho GS Ngô Bảo Châu.

Chia sẻ tại buổi nói chuyện, GS Ngô Bảo Châu cho biết có một thời gian ông bị khủng hoảng chuyện học hành. Hồi còn học phổ thông ở Việt Nam, ông giải bài tập, ôn thi Olympic rất tốt, bài nào cũng giải được nhưng khi sang Pháp học tại trung tâm đào tạo toán học thì bị khủng hoảng nghiêm trọng.

“Tôi chẳng hiểu người ta đang dạy mình cái gì. Tại sao phải học rất nhiều thứ lằng rằng như thế để ra được một lý thuyết, công thức” – GS Ngô Bảo Châu kể lại và cho biết khi đó ông cảm thấy rất vô bổ. Sau đó, ông được người hướng dẫn chỉ ra rằng những vấn đề trừu tượng đó được hiểu cụ thể như thế nào, giúp ông ngày càng hiểu và diễn đạt khoa học tốt hơn.

“Việc đưa ra những khái niệm trừu tượng không phải để đánh đố nhau... Cái trừu tượng nhưng làm cho khả năng tư duy của bạn đi 1 bước, trang bị cho bạn khả năng phát biểu những điều bạn muốn, mô tả các hiện tượng một cách khoa học và chính xác”, ông Châu lý giải.

Bế tắc trong khoa học là bình thường

Bày tỏ quan điểm về bế tắc trong học tập, nghiên cứu, GS Châu cho hay: “Chuyện bế tắc trong khoa học, tôi nghĩ là điều bình thường. Khi làm nghiên cứu, trên 90% khoảng thời gian là bế tắc trước khi có những đột phá hiếm hoi. Nhưng đó sẽ là phần thưởng rất lớn trên con đường khoa học”.

Để giải quyết bế tắc, GS Châu nói những nhà nghiên cứu trẻ không nên quá lo lắng khi bị bế tắc trong khoa học. Khi bị bế tắc, rất có thể là do chúng ta chưa hiểu tường tận vấn đề, hiểu một cách rạch ròi và chính xác. Khi chưa làm được điều đó, chúng ta không có hy vọng giải quyết được những bài toán khó.

Ngoài ra, bế tắc cũng có thể là do chúng ta đang thử cách giải quyết bài toán bằng những công cụ, phương pháp của những người đi trước đã thử rồi, cho nên khả năng bế tắc cũng rất cao. Do đó, cần phải tìm kiếm thứ vũ khí tư duy mới, khác với những người đã từng thử sức với bài toán đó thì mới có thể đi tới đột phá.

Ở Việt Nam, vấn đề nghiên cứu chuyên sâu khá khó khăn. Nhiều sinh viên băn khoăn liệu mình có cơ hội và động lực nào để có thể phát triển theo con đường nghiên cứu định hướng chuyên sâu không. GS Ngô Bảo Châu cho rằng điều kiện nghiên cứu khoa học ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn dù đã tốt hơn nhiều so với trước đây. Đặc biệt, đối với những lĩnh vực chuyên sâu, để có được những nghiên cứu chất lượng tốt đòi hỏi sự nỗ lực, sự can đảm và sự đầu tư rất lớn.

Là sinh viên, bạn nên tham gia vào một nhóm nghiên cứu nào đó, có một người thầy dẫn dắt đủ tốt. Người này sẽ đưa cho bạn những vấn đề, bài toán để bạn nghiên cứu. Việc tham gia vào một nhóm nghiên cứu nào là điều quan trọng nếu bạn muốn theo đuổi một vấn đề chuyên sâu.

Theo Huyên Nguyễn (laodong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem