Hà Giang: Làm ra thứ “vàng mềm” bán tự nhiên giàu dinh dưỡng, nông dân vùng cao làm giàu

P.V Thứ sáu, ngày 01/01/2021 08:32 AM (GMT+7)
Đông trùng hạ thảo được mệnh danh là “vàng mềm” của Tây Tạng bởi những giá trị hiếm có của nó. Nhờ sản xuất đông trùng hạ thảo trên giá thể gạo lứt, đạt hàm lượng chất lượng cao đã mở hướng làm giàu cho bà con vùng biên giới tỉnh Hà Giang.
Bình luận 0

Lấy giá thể gạo lứt nuôi đông trùng hạ thảo

Triển khai thực hiện gần 1 năm, đến nay Dự án "Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) trên giá thể gạo lứt và các ký chủ khác nhau tại tỉnh Hà Giang" đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao đời sống bà con vùng biên giới nơi đây.

Đó là nhấn mạnh của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang Phan Đăng Đông khi đánh giá về những hiệu quả bước đầu của dự án. 

Hà Giang: Làm ra thứ “vàng mềm” bán tự nhiên giàu dinh dưỡng, nông dân vùng cao làm giàu - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp tham quan mô hình sản xuất đông trùng hạ thảo tại Hà Giang.

Đây là Dự án được Bộ Khoa học và Công nghệ uỷ quyền cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang quản lý, chi nhánh Công ty Cổ phần Nông Lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam tại Hà Giang thực hiện với sự chuyển giao công nghệ của Viện Di truyền Việt Nam. 

Theo PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp, công nghệ nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo theo quy mô công nghiệp là công nghệ mới đang được áp dụng và nhân rộng trong nhiều tỉnh thành của Việt Nam. 

Tuy nhiên, hiện tại quá trình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo tại Việt Nam là nhân tạo trên giá thể gạo lứt trong môi trường được kiểm soát và điều khiển hoàn toàn bằng máy móc do vậy sản phẩm chưa mang tính thiên nhiên và chưa có tính đặc thù. Hiện nay chưa có một đơn vị nào kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất đông trùng hạ thảo

Do vậy, Dự án chuyển giao khoa học cộng nghệ sản xuất "vàng mềm" tại Hà Giang chính là bước đệm, tiên phong tạo sản phẩm chất lượng với dược tính cao.

Chủ nhiệm đề tài dự án, Thạc sỹ công nghệ sinh học Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp Nguyễn Thị Hoa Ánh cho biết, Dự án giúp cơ quan chủ trì làm chủ công nghệ nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris trên các giá thể khác nhau trong môi trường nhân tạo cũng như bán tự nhiên.

Giúp người tiếp cận được với kỹ thuật nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo cả ở trong phòng và bán tự nhiên và chủ động về kỹ thuật trong tạo ra nấm đông trùng hạ thảo trên các kí chủ khác nhau với chất lượng tốt và giá thành phù hợp.

Thay đổi tư duy sản xuất

Dự án đi vào thực hiện đến nay đã gần 1 năm và đã khẳng định những hiệu quả kinh tế - xã hội trực tiếp cho doanh nghiệp và cho người dân vùng cao tại huyện Vị Xuyên (Hà Giang).

Hà Giang: Làm ra thứ “vàng mềm” bán tự nhiên giàu dinh dưỡng, nông dân vùng cao làm giàu - Ảnh 2.

Ông Phan Đăng Đông, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang hy vọng, dự án sản xuất đông trùng hạ thảo sẽ mở hướng thoảt nghèo cho người dân Hà Giang.

Ông Phan Đăng Đông cho biết,  thông qua việc triển khai dự án đã đào tạo cho bà con về vấn đề thay đổi tư duy, tập quán canh tác từ những cây giá trị thấp sang những cây có giá trị cao. Giá trị cao ở đây liên quan đến sản phẩm đông trùng hạ thảo dựa trên ứng dụng nông nghiệp cao.

Theo đó, đối với các hộ nông dân trồng chít lấy sâu, trồng dâu, trồng sắn nuôi tằm, họ có nguồn thu nhập ổn định mỗi năm thông qua việc bán các sản phẩm như nhộng tằm, tằm tươi, sâu chít cho công ty để nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Khi tham gia liên kết với doanh nghiệp, người dân sẽ có cơ hội nâng cao thu nhập từ bán con nấm đông trùng hạ thảo.

Sản phẩm chế biến, sản phẩm tinh có hàm lượng Cordycepine cao được chi nhánh và Công ty đầu tư nghiên cứu sản xuất và thương mại hóa. Mỗi năm Chi nhánh công ty dự kiến thu về từ 1,5-2 tỷ đồng từ việc nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo trên môi trường gạo lứt và trên các ký chủ sâu chít, tằm dâu, tằm sắn tương ứng với 20.000 con nấm đông trùng hạ thảo.

"Đối với dự án này, Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam chuyển giao cho đơn vị chủ trì tiếp nhận và làm chủ quy trình: nhân giống, nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo trên giá thể gạo lứt và trên một số loại ký chủ trong điều kiện bán tự nhiên; sơ chế và bảo quản nấm đông trùng hạ thảo tại Hà Giang với điều kiện khí hậu thời tiết thuận lợi sẽ giảm được chi phí sản xuất song nâng cao chất lượng sản phẩm", Th.S Nguyễn Thị Ánh Hoa phân tích.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang Phan Đăng Đông cũng mong muốn, với sản phẩm đông trùng hạ thảo chất lượng cao tại địa phương sẽ hỗ trợ phục vụ trực tiếp các đối lượng tiêu dùng với giá cả hợp lý. Từ đó, tạo cơ hội phát triển, mở rộng quy mô cả thị trường trong nước và nước ngoài. Hiện nay sản phẩm đã được liên kết và phân phối độc quyền bởi Công ty cổ phần Dược Quý Đường. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem