Hạ lãi suất dự trữ bắt buộc: Nới lỏng tiền tệ hay tiết kiệm ngân sách?

Huyền Anh Thứ ba, ngày 03/12/2019 06:00 AM (GMT+7)
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố loạt quyết định mới về việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng. Theo đó, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VNĐ áp dụng theo quy định mới đã giảm tới 0,4 điểm phần trăm so với mức 1,2%/năm theo Quyết định 1716/QĐ-NHNN năm 2005.
Bình luận 0

Thông báo từ Ngân hàng Nhà nước chiều nay (2/12) cho biết, để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mặt bằng lãi suất trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quyết định lãi suất có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2019 đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, từ 1/12, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND của các tổ chức tín dụng giảm 0,4 điểm phần trăm về mức 0,8% một năm và tiếp tục không trả lãi đối với khoản tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND.

Với tiền gửi ngoại tệ, nhà điều hành tiếp tục không tính lãi đối với khoản dự trữ bắt buộc, còn lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ giảm từ 0,5% xuống 0,05% một năm. Theo đó, việc giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ sẽ làm giảm động lực gửi tiền của các ngân hàng thương mại tại Ngân hàng Nhà nước, có thể thúc đẩy vay mượn ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng.

img

Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 1/12

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô là 0,8% một năm.

Mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước, với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước là 1%. Lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 0,8% một năm. Bên cạnh đó, lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước giảm từ 0,5% xuống 0,05% một năm.

Có ý kiến cho rằng, động thái giảm một loạt lãi suất điều hành trên vừa được đưa ra trong bối cảnh trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã giảm trần huy động lãi suất huy động và cho vay. Như vậy, không rõ rệt nhưng cùng với các biện pháp nhằm giảm lãi suất vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho thấy đang theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng có mức độ.

Còn theo nhìn nhận của chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực, thông thường các ngân hàng thương mại chỉ duy trì lượng tiền gửi bằng với dự trữ bắt buộc theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại cơ quan này. Bởi nếu gửi vượt lượng tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước vượt qua mức dữ trự bắt buộc sẽ lãng phí nguồn lực của chính các ngân hàng. Lượng tiền này các NHTM đem cho vay hoặc đi đầu tư để mang lại hiệu quả cao hơn cho đồng vốn.

Chính vì vậy, việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc về 0,8%/năm có ảnh hưởng, nhưng không đáng kể tới lợi nhuận của các nhà băng vì tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng hiện nay ở mức thấp, chỉ 3%.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Lực cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm lãi suất đối với khoản tiền gửi dự trữ bắt buộc của các ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Bởi hiện tại, chi phí trả lãi cho khoản tiền gửi này được trích từ Ngân sách Nhà nước. “Tuy nhiên, cũng giống như lợi nhuận của các ngân hàng thương mại, khoản ngân sách tiết kiệm được từ đồng thái giảm lãi suất này sẽ không nhiều”, ông Lực nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem