Hà Nội: Bàn giải pháp giúp nông dân phát triển mỗi xã, phường 1 sản phẩm-OCOP

Đức Thịnh Thứ bảy, ngày 28/11/2020 05:45 AM (GMT+7)
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (ND) TP.Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản Thủ đô. Đặc biệt là những hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất sản phẩm OCOP, góp phần tăng giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bình luận 0

Ngày 26/11, Hội ND thành phố phối hợp với Sở NNPTNT Hà Nội tổ chức tọa đàm "Thúc đẩy sự tham gia của các cấp Hội và hội viên nông dân thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)".

Nhiều sản phẩm OCOP chất lượng

Bàn giải pháp giúp nông dân phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Đại biểu Hội ND TP.Hà Nội và các sở, ngành tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP bên lề tọa đàm. Ảnh: Đ.T

"Đặc biệt, Hội ND TP.Hà Nội sẽ đẩy mạnh hỗ trợ hội viên , nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tập huấn quy trình sản xuất an toàn, quản lý sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng... để có nhiều sản phẩm đạt tiêu chí OCOP hơn".

Bà Phạm Hải Hoa -

Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội

Phát biểu tại tọa đàm, bà Phạm Hải Hoa - Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội cho biết: Thực hiện Chương trình OCOP, Hội ND thành phố đã phối hợp với Sở NNPTNT Hà Nội tích cực vào cuộc, triển khai sâu rộng chương trình đến các cấp hội cơ sở và hội viên nông dân. Đến nay, toàn thành phố đã hoàn thành đánh giá, phân hạng được gần 650 sản phẩm OCOP, trong đó các chủ thể tham gia chương trình chiếm số lượng đông đảo là hội viên nông dân.

Theo đó, với vai trò và trách nhiệm của tổ chức Hội ND, trong những năm qua các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa, sản xuất theo quy hoạch vùng tập trung chuyên canh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hội luôn chú trọng tới công tác hỗ trợ nông dân chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tiếp cận với những công nghệ mới trong phát triển sản xuất.

Nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ nông sản cho nhân dân, các cấp Hội ND thành phố đã tích cực lựa chọn những nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của các địa phương tham gia vào các hội chợ, chương trình xúc tiến tiêu thụ nông sản.

Đặc biệt, để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm địa phương, các cấp Hội ND trên địa bàn thành phố đã chủ động, tích cực tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, tập trung phát triển sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, gắn với phát triển mô hình kinh tế tập thể. Tới nay, nhiều mô hình kinh tế tập thể đã được hình thành và đang phát triển hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân Thủ đô.

Điển hình như: Mô hình chuỗi chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học tại huyện Ứng Hòa, Thường Tín, Phúc Thọ, Ba Vì...; mô hình chuỗi trồng rau theo quy trình VietGAP tại huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ, Gia Lâm...; mô hình chuỗi quả an toàn tại huyện Đan Phượng, Mê Linh, Chương Mỹ, Thanh Oai; mô hình chuỗi chế biến nông sản tại huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức…

Bên cạnh đó, Hội ND thành phố đã vận động, hướng dẫn xây dựng 22 sản phẩm có nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận.

Hỗ trợ nông dân phát triển sản phẩm OCOP

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe 7 ý kiến tham luận, trao đổi những kinh nghiệm về công tác tuyên truyền vận động nông dân thực hiện Chương trình OCOP, các đại biểu là cán bộ, hội viên nông dân cũng đề nghị lãnh đạo Hội ND và Sở NNPTNT TP.Hà Nội giải đáp các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP như: Tiêu thụ sản phẩm, sử dụng tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quy trình công nhận sản phẩm OCOP; quảng bá sản phẩm OCOP…

Cũng tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội Phạm Hải Hoa và Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cùng các đồng chí chủ trì hội đã trả lời kiến nghị, đề xuất của cán bộ, hội viên nông dân liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong sản xuất nông nghiệp; phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế từng địa phương, tạo chuỗi giá trị và thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp Thủ đô… Các ý kiến của cán bộ, hội viên được tiếp thu, tổng hợp để trao đổi, thảo luận với các sở, ngành nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp.

Bà Phạm Hải Hoa cho biết, để góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình OCOP trong thời gian tới, tổ chức Hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện chương trình để các hội viên nông dân nhận thức đúng và ứng xử phù hợp với chương trình.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông cho người tiêu dùng cũng sẽ được Hội coi trọng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem