Hà Nội: Cuộc sống lạc quan của những người lao động nghèo ở sát chợ Long Biên giữa đại dịch Covid-19

Thứ sáu, ngày 20/08/2021 06:33 AM (GMT+7)
Nằm ngay sát góc chợ Long Biên (Hà Nội) có hàng trăm người lao động nghèo sinh sống. Nhiều ngày qua, họ không có công ăn việc làm nhưng vẫn lạc quan chờ tới ngày dịch bệnh kết thúc để được quay trở lại cuộc sống kiếm kế sinh nhai.

Cuộc sống của những người ở khu "ổ chuột" cầu Long Biên giữa đại dịch

Gần 1 tháng qua kể từ khi toàn thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17, bà Đào Thị Na (56 tuổi, quê huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) cùng hai con trai tạm gác công việc thu nhặt phế liệu ở chợ Long Biên. Cả ba mẹ con bà những ngày này cùng những lao động nghèo cũng chỉ biết ở yên tại xóm trọ ở tổ dân phố số 3, phường Phúc Xá, quận Ba Đình.

Cuộc sống lạc quan của những người lao động nghèo ở khu "ổ chuột" cầu Long Biên giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Chợ Long Biên là nơi kiếm kế sinh nhai của hàng nghìn người lao động nhưng đã đóng cửa từ nhiều ngày nay. Đây là khung cảnh vắng lặng chiều 19/8. Ảnh: Gia Khiêm

Chiều đến bà Na tranh thủ chuẩn bị bữa cơm tối gồm có rau luộc và ít thịt rang. Bữa cơm như vậy với bà Na và hai con cũng đã đầy đủ chất dinh dưỡng trong những ngày "không kiếm ra một đồng" do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cuộc sống lạc quan của những người lao động nghèo ở khu "ổ chuột" cầu Long Biên giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Ngay sát chợ Long Biên là cuộc sống của hàng trăm lao động nghèo bám trụ tại đây. Ảnh: Gia Khiêm

Khu trọ của bà Na sinh sống có hàng chục người lao động từ tứ xứ đổ về đây, người gánh hàng thuê, người buôn bán trong chợ Long Biên, người đẩy hàng, nhặt phế liệu… mỗi người một cảnh. 

Cuộc sống lạc quan của những người lao động nghèo ở khu "ổ chuột" cầu Long Biên giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Bà Na đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Hiện 3 mẹ con bà sinh sống trong căn nhà trọ nhỏ chừng 20m2. Ảnh: Gia Khiêm

Bà Na cùng hai con "bám" chợ Long Biên khoảng 10 năm nay. Hằng ngày công việc nhặt ve chai của bà tại chợ Long Biên thường bắt đầu từ chiều tối cho tới rạng sáng ngày hôm sau mới trở về nhà.

"Nếu không có dịch bệnh thì ngày mẹ con nhặt phế liệu cũng đủ trang trải cuộc sống, tiền đóng nhà trọ. Tuy nhiên, gần tháng nay dịch bệnh nên chúng tôi ở nhà tuân thủ phòng chống dịch. Mẹ con có gì ăn nấy, đồng thời chính quyền địa phương, tổ dân phố quan tâm hỗ trợ gạo, thực phẩm thiết yếu cho những người có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi", bà Na kể.

Cuộc sống lạc quan của những người lao động nghèo ở khu "ổ chuột" cầu Long Biên giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Nhiều người lao động nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đành ở yên tại khu nhà trọ. Ảnh: Gia Khiêm

Nằm ngay sát vách nhà bà Na là phòng trọ của mẹ con bà Nguyễn Thị Động (59 tuổi, quê Ân Thi, Hưng Yên). Bà Động làm công việc gánh hàng thuê tại chợ Long Biên đến nay cũng đã vài năm. 

Cuộc sống lạc quan của những người lao động nghèo ở khu "ổ chuột" cầu Long Biên giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Bà Động bên con gái bị bệnh tim bẩm sinh. Bà gánh hàng thuê ở chợ Long Biên nhiều năm qua. Ảnh: Gia Khiêm

Con gái bà Động là Nguyễn Thị Thảo (20 tuổi) mắc căn bệnh tim bẩm sinh. Do cuộc sống ở quê khó khăn nên bà Động đã đưa con lên thuê trọ ở gần chợ Long Biên. Hằng ngày bà đi gánh hàng từ đêm đến sáng trở về nhà. Lúc mẹ đi chợ thì Thảo nằm ngủ ở phòng trọ một mình.

Cuộc sống lạc quan của những người lao động nghèo ở khu "ổ chuột" cầu Long Biên giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 6.

Người dân cả ngày chỉ quanh quẩn tại khu nhà trọ, không ra ngoài. Ảnh: Gia Khiêm

"Ở đây ít nhiều mẹ con cũng kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống, thuê nhà trọ chứ về quê chỉ quanh quẩn với mấy sào ruộng, vất vả lắm. Suốt tháng qua dịch bệnh, công việc tạm dừng, cả ngày chúng tôi chỉ ở trong phòng. Mọi người ở khu trọ cũng động viên nhau lạc quan, ở yên tại chỗ để cùng phòng chống dịch. Tôi hy vọng Hà Nội sớm hết dịch để mọi người có thể tiếp tục công việc thường ngày", bà Động cho hay.

Do nghỉ dịch dài ngày, nhiều xe kéo hàng của người dân ở khu "ổ chuột" cầu Long Biên xếp kín dọc hai bên đường và các bãi đất trống. Lâu ngày không được sử dụng có chỗ cây mọc phủ đầy lên xe. 

Nụ cười lạc quan của bà lão mong ước dịch bệnh sớm qua đi

Bữa tối chỉ đơn giản với gói mì tôm nấu qua nồi cơm điện, bà Nguyễn Thị Khái (80 tuổi, quê Bắc Giang) vui vẻ ăn ngon lành. Tuổi đã cao nhưng bà Khái còn minh mẫn, khoẻ mạnh. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng bà lão luôn nở nụ cười đầy lạc quan. 

Cuộc sống lạc quan của những người lao động nghèo ở khu "ổ chuột" cầu Long Biên giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 7.

Bữa chiều đơn giản của bà Nguyễn Thị Khái với bát mì tôm cho qua bữa, cụ bà vẫn rất lạc quan. Ảnh: Gia Khiêm

"Nhiều ngày qua dịch bệnh, chợ Long Biên cũng dừng hoạt động nên tôi chỉ ở nhà. Trong nhà chất đầy phế liệu nhưng chưa bán được nên tiền tiêu không có. Tất cả cũng chỉ vì dịch bệnh Covid-19. Tôi ở nhà có hôm nấu cơm 1 bữa ăn cả ngày, hôm ăn mì là xong bữa. Một mình tôi nên cũng đơn giản lắm", bà Khái cười nói. 

Trong đợt dịch này, bà Khái cũng nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, giúp đỡ thực phẩm trong những ngày thực hiện giãn cách.

"Mọi người cũng quan tâm hỗ trợ gạo. Tôi mong có sức khoẻ, hết dịch bệnh để đi làm, kiếm tiền lo cho cuộc sống", bà Khái chia sẻ thêm.

Cuộc sống lạc quan của những người lao động nghèo ở khu "ổ chuột" cầu Long Biên giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 8.

Những chiếc xe kéo của người lao động cây mọc phủ um tùm sau nhiều ngày để không. Ảnh: Gia Khiêm

Còn với bà Trần Thị Thắm (101 tuổi) những ngày giãn cách ở nhà "bầu bạn" với chú chó. Thi thoảng ngó ra ngoài chào hàng xóm xung quanh. Bà Thắm cho biết, từ đầu đợt dịch tới nay được chính quyền địa phương hỗ trợ 18kg gạo chia thành 3 lần. Số gạo đó cũng tạm ổn để những người lao động như bà vượt qua thời điểm khó khăn của đại dịch Covid-19.

Cuộc sống lạc quan của những người lao động nghèo ở khu "ổ chuột" cầu Long Biên giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 9.

Bà Trần Thị Thắm ngày ngày bầu bạn với chú chó trong thời gian giãn cách. Ảnh: Gia Khiêm

Bà Thắm quê gốc ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Bà sinh sống, làm thuê với đủ thứ nghề từ nhặt phế liệu, bán tăm, lau dọn bàn ghế mưu sinh ở góc chợ Long Biên, Hà Nội đến nay đã hơn 40 năm.

Bà kể có 2 người con thì người con trai đã bệnh tật qua đời, người con gái sang Trung Quốc nhiều năm đến nay mất liên lạc. Bà Thắm sống một mình ở khu nhà trọ ngay sát cầu Long Biên. 

"Tháng này khó khăn chủ trọ giảm cho chúng tôi mỗi người 500.000 đồng. Còn 600.000 đồng nữa chưa kiếm đâu ra để đóng nên hơi chật vật chút nhưng không sao. Quan trọng nhất dịch bệnh kết thúc mọi chuyện sẽ ổn thôi", bà Thắm nói.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Bình, Tổ trưởng tổ dân phố số 3, UBND phường Phúc Xá cho biết, tại tổ có khoảng hơn 500 hộ dân trong đó có nhiều lao động nghèo làm ở chợ Long Biên gặp khó khăn. Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng của quận, phường… đã hỗ trợ thực phẩm cho những hoàn cảnh này để cùng chung tay vượt qua đại dịch Covid-19.

Gia Khiêm
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem