Hà Nội: Dân nườm nượp tập thể dục, xử phạt chống Covid-19 gặp khó?

Hoàng Thành Chủ nhật, ngày 05/04/2020 20:13 PM (GMT+7)
Nhiều nơi công cộng ở Hà Nội, dù được cảnh báo nên ở nhà để phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhưng người dân vẫn tập trung đông đúc, tập thể dục. Cơ quan chức năng “gặp khó” trong việc xác định người dân ra đường không vì mục đích thiết yếu. 
Bình luận 0

Chiều 5/4, ghi nhận của PV Dân Việt trên một số quận nội thành Hà Nội cho thấy mặc dù chính quyền Thủ đô yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài đường, không tụ tập ở nơi công cộng, ở ngoài đường quá 2 người nhưng một số nơi vẫn xảy ra các trường hợp này. 

img

Người dân tập thể dục vào mỗi buổi chiều rất đông bên ngoài khu vực Công viên Cầu Giấy, phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội). (ảnh: T.An)

Điển hình như quận Cầu Giấy, ngay trong chiều 5/4, tại khu vực Công viên Cầu Giấy (KĐT Cầu Giấy, phường Dịch Vọng) bên trong công viên không còn cảnh tấp nập người dân vui chơi, tập thể dục bằng cách chạy bộ, đánh bóng chuyền hơi... Các cổng vào đều được đơn vị chủ quản "cảnh báo" vì dịch Covid-19 nên Công viên tạm dừng hoạt động.

Mặc dù vậy, phía bên ngoài, dọc vỉa hè bao quanh công viên rất đông người dân đi lại tập thể dục. Từng tốp nhỏ, hai đến ba... thậm chí bốn đến năm người đi cùng nhau, tất cả đều đeo khẩu trang. Tại khu vực cổng chính, thường xuyên có 2-3 tốp chơi đá cầu và cầu lông. Nhiều người dân "cẩn thận" hơn khi tập thể dục, cho con cái vui chơi ngay trước cửa nhà, trước mặt các tòa nhà chung cư.

img

Nhiều người thản nhiên tập thể dục, vui đùa cùng "thú cưng" bất chấp các khuyến cáo của chính quyền Hà Nội trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra ở Thủ đô. (ảnh: T.An)

Cầm trên tay hai lốc sữa, anh N.V.H (chung cư Hà Đô, KĐT Cầu Giấy) nói: “Ở nhà bí bách quá, chiều chiều thấy nhiều người vẫn chạy thể dục ở quanh công viên, tôi “khó chịu” quá nên xỏ giày xuống chạy vài vòng… Lốc sữa này mang theo đề phòng khi có lực lượng chức năng hỏi thì bảo… đi mua sữa cho con”.

Tại Công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy) tình trạng trên cũng tương tự, nhiều người người thản nhiên dắt “thú cưng” đi dạo. Trong khoảng thời gian từ 16h-19h đều không có lực lượng chức năng nhắc nhở.

Tại khu vực hồ đền Lừ (quận Hoàng Mai), cả trăm người dân vẫn đi bộ, quanh hồ người dân còn tập trung câu cá. Một tổ công tác kèm loa phát thanh tuyên truyền đứng ở khu vực góc công viên ngăn người dân vào khu vực có các thiết bị tập thể dục nhưng người dân đi vòng lên phía trên vào khu vực hồ. Thậm chí, nhiều người không đeo khẩu trang.

img

Rất đông người dân tập thể dục tại khu vực hồ Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội). (ảnh: T.An).

Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố vắng bóng người tập thể dục. Khu vực trung tâm như quanh Hồ Hoàn Kiếm, nhiều công an, dân phòng, bảo vệ bờ hồ chốt ở các khu vực ngã ba, ngã tư. Mỗi khi thấy người dân có ý định vào đi bộ ở bờ hồ, lực lượng chức năng “tuýt còi”, nhắc nhở di chuyển về nhà, không được tập thể dục đông người, nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm Covid-19. 

Sáng 5/4, UBND phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) tổ chức kiểm tra xử lý các trường hợp người dân ra đường không vì mục đích thiết yếu, qua đó ra quyết định xử phạt đối với 3 trường hợp theo mức phạt 200.000 đồng/người. 

Ông Nguyễn Dân Huy - Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch cho biết, phường là một trong số đơn vị đầu tiên của Hà Nội ra quân xử phạt các hành vi vi phạm quy định cấm ra đường trong thời gian giãn cách xã hội nếu không thực sự cần thiết. 

img

Khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở người dân không nên đi ra ngoài đường và tập thể dục ở khu vực xung quanh hồ để phòng tránh Covid-19. (ảnh: T.An).

Theo lãnh đạo phường Trúc Bạch, 3 trường hợp bị xử phạt gồm 2 người đi câu cá và 1 người đi bán hoa. Trong đó, có 1 người trú tại phường Trúc Bạch còn lại 2 người ở nơi khác đến phường. 

“Sau khi lực lượng chức năng của phường giải thích, cả 3 người đều chấp hành việc nộp phạt chứ không cự cãi gì” - ông Huy nói. 

Nói về căn cứ xử phạt, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch nêu rõ, Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 05 của Chủ tịch UBND TP đã nêu rõ về cách ly xã hội để phòng dịch. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Công văn 260 hướng dẫn Chỉ thị 16, quy định rõ “các trường hợp cần thiết” được ra ngoài đường. 

“Nghị định 176 cũng đã có căn cứ xử phạt, nên chúng tôi thực hiện. Tuy nhiên, 2/3 trường hợp bị phạt sáng nay là người ở nơi khác đến phường, còn người dân trên địa bàn chấp hành tương đối tốt. Những trường hợp khó khăn do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội, không ra ngoài buôn bán được, chúng tôi có hỗ trợ bằng tiền từ quỹ Vì người nghèo và hỗ trợ thực phẩm để họ bớt khó khăn phần nào” – ông Huy cho hay.

Có thể nói, quận Ba Đình là đơn vị “tiên phong” xử phạt người vi phạm. Trong khi đó, nhiều địa bàn khác vẫn duy trì nhắc nhở, khuyến cáo. 

Một lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân cho biết, đến thời điểm này, quận chủ yếu tập trung vào việc xử phạt các trường hợp, hành vi không đeo khẩu trang khi ra ngoài đường.

“Quận có 11 phường, mỗi phường có một tổ công tác đi tuần tra cả ngày, phát hiện trường hợp nào sẽ lập biên bản để xử phạt” - vị này nói và cho biết, đến nay quận Thanh Xuân đã xử phạt tổng cộng gần 50 trường hợp với tổng số tiền gần 10 triệu đồng. 

Riêng việc xử phạt các trường hợp ra ngoài đường không đúng mục đích, vị này cho rằng, rất khó để xác định người ta đi ra ngoài với lý do có chính đáng hay không.

“Ví dụ người ta nói đi thăm người ốm, thăm bố mẹ, đi đón con ở nhà ngoại”- vị lãnh đạo quận chia sẻ đồng thời cho rằng, mỗi người đi ra đường đều chuẩn bị lý do cho riêng mình, khi bị hỏi, người dân nói lý do thiết yếu, nhưng cũng không thể xác minh được có nói thật hay không. 

“Quận vẫn tập trung vào xử lý hành vi không đeo khẩu trang. Tụ tập đông người thì cũng có thể xử lý được vì hiện tượng rõ hơn”- vị này nhấn mạnh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem