Hà Nội đặt mục tiêu "nông dân giàu có, dân chủ, bình đẳng"

Hoàng Thành Thứ năm, ngày 22/04/2021 17:32 PM (GMT+7)
TP.Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa, nông dân giàu có…
Bình luận 0

Những tín hiệu đáng mừng cho "bộ mặt" nông thôn mới

Tại hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 22/4, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã truyền đạt đến các đại biểu nội dung của Chương trình số 04-CTr/TU (Chương trình số 04) của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".

Hà Nội đặt mục tiêu nông dân giàu có, dân chủ, bình đẳng - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến truyền đạt đến đại biểu các nội dung của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVI) về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020", tổng nguồn vốn TP.Hà Nội đã huy động để đầu tư trực tiếp cho chương trình xây dựng nông thôn mới là 62.459 tỷ đồng.

Đến nay, TP.Hà Nội đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 368/382 xã (chiếm 96,3% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…

Toàn TP.Hà Nội cũng đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, cơ bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa cho các hộ dân (đạt 99,21%);

Có 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, toàn thành phố đã có 1.054 sản phẩm OCOP, trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 731 sản phẩm 4 sao, 306 sản phẩm 3 sao…

"Đây là những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới tại Thủ đô, làm thay đổi toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân tại khu vực nông thôn", bà Tuyến cho hay.

Trong phát biểu của mình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại, như: Việc xây dựng nông thôn mới vẫn chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước; hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn đầu tư còn thiếu đồng bộ.

Hay như, công tác tổ chức sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ còn chuyển biến chậm; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế;

Thu nhập và đời sống của nông dân còn thấp, chênh lệch giữa thành thị và nông thôn ngày càng cao; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn còn tiềm ẩn phức tạp…

Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc

Trong giai đoạn 2021-2025, bà Nguyễn Thị Tuyến cho biết, mục tiêu được đặt ra tại Chương trình số 04-CTr/TU là: Quá trình xây dựng nông thôn mới cần thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững hơn, gắn liền với quá trình đô thị hóa, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, nông thôn mới phồn vinh, văn minh và hiện đại.

Hà Nội đặt mục tiêu nông dân giàu có, dân chủ, bình đẳng - Ảnh 2.

Nhờ nuôi giống bò BBB (bò 3B), gia đình anh Dư Quốc Khối, ở xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) có thu nhập bình quân 400 triệu đồng/năm, đời sống kinh tế gia đình ngày càng khá giả. Ảnh: Minh Ngọc

Cùng với đó, TP.Hà Nội sẽ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, phù hợp theo tiêu chí đô thị; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ và bền vững, trình độ sản xuất tiên tiến, hiện đại và chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

TP.Hà Nội cũng đặt mục tiêu xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa, nông dân giàu có; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng nêu rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn và các chỉ tiêu về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.

Trong đó, TP.Hà Nội sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với: 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 95% trở lên…

Bà Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, đến năm 2025, cũng như trong quá trình thực hiện, TP.Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra và tiến hành đánh giá tổng kết những kết quả thực hiện Chương trình số 04.

10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII

- Chương trình số 01-CTr/TU: “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”.

- Chương trình số 02-CTr/TU: “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025”.

- Chương trình số 03-CTr/TU: “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

- Chương trình số 04-CTr/TU: “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

- Chương trình số 05-CTr/TU: “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”.

- Chương trình số 06-CTr/TU: “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

- Chương trình số 07-CTr/TU: “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

- Chương trình số 08-CTr/TU: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.

- Chương trình số 09-CTr/TU: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025”.

- Chương trình số 10-CTr/TU: “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem