Hà Nội: Giá bán nhà xã hội cao "kỷ lục", 20 triệu đồng/m2

Minh Khôi Chủ nhật, ngày 01/03/2020 06:10 AM (GMT+7)
Nhiều người dân giật mình khi thấy giá một căn hộ dự án nhà ở xã hội ở quận Nam Từ Liêm (TP.Hà Nội) đạt gần 20 triệu đồng/m2. Đây là mức giá nhà ở xã hội cao "kỷ lục".
Bình luận 0

Giá nhà ở xã hội gây "choáng"

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội thông báo dự án nhà ở xã hội tại Đại Mỗ với mức giá 19,5 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm phí bảo trì). Mức giá cao nhất các nhà ở xã hội và cao hơn cả nhà thương mại nhiều khu vực.

Theo đó, dự án nhà ở xã hội tại Đại Mỗ có 427 căn để bán, 11 căn cho thuê với quy mô 1.630 người. Giá theo phê duyệt tạm tính của chủ đầu tư: Trung bình khoảng 19,5 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT và chưa bao gồm kinh phí bảo trì).

img

Dự án nhà ở xã hội tại Đại Mỗ được bán với giá 19,5 triệu đồng/m2

Hiện tại, một số dự án nhà ở xã hội cũng đang mở bán ở Hà Nội. Cụ thể dự án nhà ở xã hội IEC (Thanh Trì, Hà Nội) cũng đưa ra mức giá 16 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT và phí bảo trì).

Dự án Ecohome 3 (Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) với giá 16,3 triệu đồng/m2 (đã bao gồm AT nhưng chưa có phí bảo trì).

Theo khảo sát, khi nhà ở xã hội được vay gói 30.000 tỷ đồng, nhà ở xã hội không vượt quá mức giá 15 triệu đồng/m2. Kết thúc gói tín dụng ưu đãi, giá nhà ở xã hội tăng dần. Nếu so sánh vị trí và giá cả của dự án này với một số dự án khác cùng khu vực thì có thể nhận thấy dự án nhà ở xã hội này có giá không hề rẻ, một số dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội có giá đắt ngang ngửa với một số dự án nhà ở thương mại.

Thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 1/2020 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, với tổng diện tích hơn 4.290.500 m2; đang tiếp tục triển khai 220 dự án với quy mô xây dựng khoảng 179.640 căn.

Riêng trong năm 2019, bộ này đã hoàn thành 9 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, quy mô khoảng 4.110 căn hộ. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá kết quả trên chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Luật không cho ngang giá

Theo quy định pháp luật, giá nhà ở xã hội không khống chế giá mà quy định lợi nhuận chủ đầu tư không được vượt quá 10%. Tuy nhiên, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhận được nhiều ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất so với nhà thương mại.

Theo Bộ Xây dựng, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ xác định giá bán, giá thuê, thuê mua nhà ở xã hội và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước quy định tại Điều 58 Luật Nhà ở. Theo đó, so với nhà ở thương mại, giá bán, giá thuê, thuê mua nhà ở xã hội ở vị trí tương đương đang thấp hơn khoảng 25-30%.

img

Đầu tư nhà ở xã hội quy định, lợi nhuận chủ đầu tư không được vượt quá 10%.

Ngoài ra, pháp luật đã có quy định chặt chẽ về việc quản lý giá bán, giá thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Cụ thể, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cơ quan chức năng trực thuộc (chủ yếu là Sở Tài chính và Sở Xây dựng) có trách nhiệm thẩm định giá bán, thuê mua, thuê nhà ở xã hội được đầu tư theo dự án bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn theo Khoản 4, Điều 21, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.

Theo Bộ Xây dựng, nếu 2 dự án cùng mức bồi thường, cùng quy mô đầu tư thì giá bán nhà ở xã hội sẽ luôn thấp hơn, trừ trường hợp nhà thương mại được bán thấp hơn giá thành hoặc giá bán công khai thấp hơn giá người mua thực nộp.

Theo quy định, nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư được Nhà nước cho rất nhiều ưu đãi: miễn tiền sử dụng đất; được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% và thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) là 5%; được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp được tính vào giá bán toàn bộ chi phí đầu tư và các chi phí hợp pháp khác cộng thêm tối đa 10% lợi nhuận định mức. Giá bán nhà ở xã hội phải được UBND cấp tỉnh thẩm định.

Vì vậy, theo Bộ Xây dựng, nếu 2 dự án có cùng mức bồi thường, có cùng quy mô đầu tư thì giá bán nhà ở xã hội sẽ luôn thấp hơn, trừ trường hợp nhà thương mại được bán thấp hơn giá thành hoặc giá bán công khai thấp hơn giá bán mà người mua thực nộp.

Hà Nội "vỡ trận" nhà ở xã hội

Trước đó, kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo về quá trình kiểm tra các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2015-2018.

Theo đó, Đoàn kiểm toán đã thực hiện việc kiểm toán hoạt động chương trình nhà ở xã hội (NƠXH) quận Thanh Trì, Long Biên, Đông Anh giai đoạn 2015-2018 tại Sở Xây dựng Hà Nội.

Kết quả ban đầu cho thấy, Sở Xây dựng đã chủ trì tham mưu, trình UBND TP.Hà Nội chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh 15 dự án, trong đó 09/15 dự án NOXH còn tồn tại vướng mắc.

Đáng chú ý, đến hết năm 2018 kết quả thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội của TP Hà Nội chỉ đạt 14% kế hoạch đặt ra theo các quyết định, còn thiếu hơn 4,7 triệu m2 nhà ở.

Kết quả kiểm toán chỉ rõ, hầu hết các dự án nhà ở xã hội theo danh mục dự kiến hoàn thành trong năm 2015 và giai đoạn 2016-2020 đều chậm tiến độ hoàn thành, một số dự án chưa có thông tin tiến độ dự án hoặc không thực hiện dự án được thu hồi bàn giao đất lại cho thành phố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem