Hà Nội: Hàng loạt cây xăng đóng cửa vì hết xăng

An Linh - Khải Phạm Thứ hai, ngày 31/10/2022 09:37 AM (GMT+7)
Tình trạng hết xăng dầu tại Hà Nội đã nở rộ gần đây, đại lý treo biển hết xăng còn dầu, thậm chí dù không treo biển nhưng khi khách vào đổ xăng, nhân viên hướng dẫn rời đi vì hết xăng. Nhiều người phải đi qua mấy quận mới đổ được xăng dầu chuẩn bị cho ngày làm việc mới.
Bình luận 0

Nhiều cây xăng tư nhân ở Hà Nội hết xăng dầu

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, hai ngày 30-31/10, nhiều cây xăng tại Hà Nội xuất hiện tình trạng hết xăng dầu, gây khó khăn cho người dân trong ngày làm việc mới đầu tuần.

Nhiều cây xăng tại Hà Nội hết xăng dầu trong các ngày 30-31/10, người dân phải vượt nhiều km để đổ xăng dầu (Video: Khải Phạm)

Cảnh 'hết xăng, còn dầu' tại một số cửa hàng thuộc nhóm doanh nghiệp tư nhân tái diễn vào dịp cuối tuần khiến nhiều người muốn đổ xăng dầu chuẩn bị cho ngày làm việc mới rất khó khăn, phải đi xa hơn so với dự định.

Hà Nội tái diễn tình trạng hết xăng còn dầu - Ảnh 2.

Tại cây xăng dầu trên phường Phú Đô, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội trong tình trạng căng dây, hết xăng (Ảnh Khải Phạm)

Tại cây xăng thuộc hệ thống của Công ty CP Đầu tư phát triển thương mại và dịch vụ Trường Thịnh, cửa hàng xăng dầu Mỹ Đình, phường Phú Đô, Q Nam Từ Liêm, tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa cả ngày 31/10, nhân viên cửa hàng chăng dây, báo hết xăng. Người dân tại khu vực Phú Đô không thể đổ xăng được phải di chuyển ra các cây xăng khác.

Tại cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty TNHH Hải Linh, phường Mỹ Đình 1, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng trong tình trạng hết xăng dầu cục bộ. Nhân viên tại đây cho biết, xăng dầu cấp phát cục bộ đang hết, cửa hàng đang chờ xăng dầu.

Cũng tại Hà Nội, cây xăng thuộc hệ thống Công ty Nam Triệu trên đường Trần Phú (quận Hà Đông), nhân viên cho biết hàng hết từ sáng, và phải khoảng 23 giờ đêm.

Hà Nội tái diễn tình trạng hết xăng còn dầu - Ảnh 3.

Người dân đi qua đều được hướng dẫn di chuyển, không đổ xăng dầu (Ảnh: Khải Phạm)

Một cây xăng khác trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) cũng không còn hàng để bán.

Điểm chung của các đại lý xăng dầu hết xăng, còn dầu trên địa bàn Hà Nội đều thông báo hết xăng, chờ đổ. Các đại lý đều thuộc hệ thống xăng dầu tư nhân, không phải là các công ty, hệ thống xăng dầu lớn, tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung xăng dầu trên thị trường.

Chị Hoàng Thái Hà (Mỹ Đình 1, Q. Nam Từ Liêm) cho biết: "Tôi chạy xa hơn 5km để đổ xăng tuy nhiên, trên địa bàn quận cũng có khá nhiều địa điểm xăng dầu cây xăng dù không treo biển hết xăng, khi vào thì nhân viên mới bảo hết xăng. Vì nhiều cây xăng đóng cửa, nên nhiều cây xăng xuất hiện tình trạng xếp hàng dài chờ đổ xăng, nhất là cuối tuần".

Về tình trạng này, trả lời Dân Việt, ông Nguyễn Văn So, đại diện doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Bắc, cho hay tình trạng doanh nghiệp đầu mối khan hiếm xăng dầu đã tái diễn, nhưng chủ yếu là cục bộ. Trong các ngày cuối tuần, doanh nghiệp bố trí tái cơ cấu để chuẩn bị cho tuần mới nhằm chủ động nguồn hàng.

Hà Nội tái diễn tình trạng hết xăng còn dầu - Ảnh 4.

Tại cửa hàng xăng dầu thuộc phường Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm quây barie, treo biển hết xăng (Ảnh Khải Phạm)

"Chúng tôi đều phải nhập hàng, tái nhập từ các nơi để chuẩn bị đơn hàng cho tuần mới, hết xăng chỉ tái diễn trong thời điểm cục bộ", ông So cho hay.

Mới đây, tại họp báo Chính phủ chiều qua (29/10), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, thị trường xăng dầu năm nay diễn biến dị biệt, khi từ đầu năm tới tháng 6 giá tăng gần 58% so với cùng kỳ. Nhưng từ cuối tháng 6 đến tháng 9 lại giảm liên tục với biên độ lớn, song vẫn ở mức cao so với năm ngoái.

"Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó khăn, thua lỗ liên tục và phải cắt giảm chi phí kinh doanh, giảm mạnh chiết khấu bán hàng, nên đơn vị bán lẻ bị ảnh hưởng chi phí, giảm sản lượng", ông Hải nói.

Ông Hải cho biết, Bộ Công Thương đã hai lần họp với các doanh nghiệp đầu mối, chủ thể đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Bộ đề xuất cơ quan quản lý điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu để tính đúng, đủ cho doanh nghiệp. "Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao nhưng lại chưa kịp thời tính đúng, tính đủ, nên doanh nghiệp cũng ảnh hưởng tới hạn chế lượng nhập khẩu, thua lỗ", Thứ trưởng Công Thương nhận xét.

Cùng đó, tín dụng thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá VND/USD tăng, doanh nghiệp tiếp cận ngoại tệ khó khăn nên nhập khẩu hàng càng khó. Doanh nghiệp đầu mối chủ yếu tập trung lượng cung ứng cho hệ thống và duy trì lượng tồn kho.

Hà Nội tái diễn tình trạng hết xăng còn dầu, đi hàng km mới đổ được xăng dầu - Ảnh 5.

Đại lý hết xăng dầu cả ngày 30/10 (Ảnh Khải Phạm)

Bộ Công Thương cho rằng, rất cần sự giúp đỡ của ngành ngân hàng trong việc cho vay và bảo lãnh tín dụng để doanh nghiệp xăng dầu tồn tại. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiết lộ, hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu vẫn còn 44.000 tỷ đồng "chưa dùng đến".

Liên quan đến đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp xăng dầu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đề nghị Bộ Công Thương có đánh giá rất chi tiết, cụ thể, phân tích những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bất cập trong cung ứng xăng dầu để có giải pháp phù hợp.

"Đối với hoạt động tín dụng của ngân hàng, trong điều hành thì Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh doanh xăng, dầu.

Tại chỉ thị đầu năm, Thống đốc đều yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tháng 3/2020 trước sự biến động phức tạp của giá xăng, dầu chúng tôi đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng phải đáp ứng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin.

Nhắc đến vấn đề nguồn cung xăng dầu tại phiên thảo luận tại hội trường chiều nay (28/10), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã cung cấp thêm một số thông tin tới các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói: Nhu cầu xăng dầu của nước ta khoảng 19,2 triệu tấn/năm. Hiện có 2 nhà máy sản xuất là Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn (kế hoạch sản xuất 6,2 triệu tấn năm 2022, 9 tháng đạt 4,4 triệu tấn tương đương 70% kế hoạch), còn lại Nghi Sơn 6,8 triệu tấn, 9 tháng mới đạt 4,3 triệu tấn - tức là thiếu hụt nguồn cung.

Trong khi đó, theo kế hoạch sản lượng xăng dầu nhập khẩu khoảng 6,2 triệu tấn, chiếm 32% và phân bổ cho 34 đầu mối. Tuy nhiên, 9 tháng chỉ nhập 3,97 triệu tấn – không đạt kế hoạch.

Trong quý III/2022, nhập khẩu xăng dầu đã giảm 40% về xăng và 35% về dầu, trong đó chỉ có 19/34 đầu mối thực hiện nhập khẩu. Những con số này cho thấy sự thiếu hụt về nguồn cung xăng dầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem