Hà Nội: Kiến nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập quy hoạch

Trần Kháng Thứ bảy, ngày 06/03/2021 10:02 AM (GMT+7)
UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng.
Bình luận 0

Trong văn bản trả lời mới đây, Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của UBND TP Hà Nội tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương cuối tháng 12/2020.  

Trong đó, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, nghiên cứu, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc lĩnh vực quy hoạch. Cụ thể: Hướng dẫn tháo gỡ mẫu thuẫn giữa các luật Quy hoạch, Xây dựng và Nhà ở khi giao chủ đầu tư dự án; Thực hiện Luật Xây dựng gồm: Xem xét bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng. Sớm có hướng dẫn cụ thế lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch". 

Về việc tháo gỡ mẫu thuẫn giữa các luật khi giao chủ đầu tư dự án, Bộ Xây dựng cho biết, công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực xây dựng luôn được Bộ Xây dựng tiến hành thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời các quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để tự mình hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới hoặc thay thế văn bản quy phạm pháp luật.

"Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, văn bản quy phạm pháp luật phải được thực hiện theo trình tự, nội dung, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015", Bộ Xây dựng nêu

Bổ sung trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập quy hoạch - Ảnh 2.

UBND TP Hà Nội kiến nghị xem xét bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện theo các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, nhà ở… làm cơ sở sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực xây dựng đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó bao gồm việc nghiên cứu tháo gỡ mẫu thuẫn giữa các luật khi giao chủ đầu tư dự án.

Về việc xem xét bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng.

Bộ Xây dựng cho biết, sớm có hướng dẫn cụ thể việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch: Pháp luật về quy hoạch xây dựng có quy định về trách nhiệm của Cơ quan tổ chức lập quy hoạch - Đơn vị tư vấn - Cơ quan thẩm định và phê duyệt quy hoạch thông qua quy định về trình tự lập quy hoạch xây dựng và yêu cầu về Tổ chức tư vấn lập quy hoạch xây dựng.

Trong đó, đơn vị tư vấn lập quy hoạch chịu trách nhiệm về nội dung quy hoạch xây dựng bao gồm sự chính xác của hệ thống các số liệu, tài liệu trong nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng; Cơ quan tổ chức lập quy hoạch và Đơn vị tư vấn cần có quy định cụ thể yêu cầu này trong hồ sơ (hợp đồng) giao, nhận công tác lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng.

Cũng theo Bộ Xây dựng, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch, pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã quy định đối với nội dung này (Điều 20, Điều 21 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; Điều 16, Điều 17 Luật Xây dựng năm 2014 và các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành).

UBND TP Hà Nội cần căn cứ Luật Thủ đô, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và pháp luật hiện hành có liên quan để xây dựng các biện pháp thực hiện lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị phù hợp điều kiện thực tế địa phương.

Thực tế, những năm gần đây, nhiều khu đô thị xảy ra tình trạng người dân liên tục căng băng rôn để phản đối việc chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch dự án mà không lấy ý kiến của cộng đồng dân cư hoặc lấy ý kiến theo kiểu hình thức, không đúng đối tượng.

Bộ Xây dựng thừa nhận một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong công tác tác tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.

Theo Bộ Xây dựng, công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị (theo các cấp độ và theo loại hình) tại hầu hết địa phương thực hiện chưa đồng bộ. Ngoài ra, kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm chưa gắn kết với quy hoạch, dẫn tới việc đầu tư dàn trải, không đảm bảo đầu tư đồng bộ giữa nhà ở, khu đô thị, trụ sở… với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

 "Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết chưa tuân thủ theo quy định; điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhiều lần theo xu hướng gia tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, thay đổi chức năng sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật song không xem xét trên tổng thể để điều chỉnh quy hoạch phân khu phù hợp, dẫn tới quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt trong các khu vực nội thành, nội thị", Bộ Xây dựng cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem