Hà Nội mỗi ngày tiêu hủy hơn 10.000 con lợn

29/05/2019 17:22 GMT+7
Diễn biến dịch tả lợn Châu Phi mỗi lúc một phức tạp trên địa bàn Hà Nội, gây thiệt hại rất lớn kể cả đối với những trang trại nuôi quy mô hay cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực thành ủy thành phố Hà Nội, đi kiểm tra chốt dịch ở xã Tự Nhiên ngày 29/5.

Theo ông Chu Phú Mỹ-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cho đến nay dịch đã phủ kín toàn thành phố với 24 quận huyện, 425 xã phường, 1.820 thôn, tổ dân phố, 15.528 hộ chiếm 19,2% số hộ chăn nuôi lợn có dịch.

Nếu như đầu tháng 5 có khoảng 4000-5.000 con lợn bị tiêu hủy mỗi ngày thì từ khoảng 20 tháng 5 trở lại đây dịch bùng lên dữ dội, mỗi ngày có trung bình 10.000 con phải tiêu hủy, cao điểm nhất có ngày lên tới hơn 13.000 con phải tiêu hủy.

Hà Nội là địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn, đứng đầu cả nước, trong đó đàn lợn có gần 2 triệu con, từ đầu dịch đến nay, đã có khoảng 250.000 con mắc dịch, tổng lượng tiêu hủy 17.378 tấn, huyện bị nhiều nhất là Sóc Sơn với khoảng 40.000 con mắc, Đông Anh với khoảng 20.000 con mắc…

Khiêng lợn lên cân trước khi đem đi tiêu hủy.

Ông Nguyễn Xuân Phiến-Phó Chủ tịch xã Tự Nhiên-huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết địa phương mình có khoảng 4.500 con lợn, hiện đã tiêu hủy 1.831 con với trọng lượng 145 tấn: “Khó khăn nhất với chúng tôi là phải xử lý những con lợn nái bởi trọng lượng của mỗi con nặng 3-3,5 tạ lại nuôi trong lồng sắt chật chội như những cái nơm. 

Nếu xử lý trong lồng thì phải cắt lồng sắt hoặc chặt chân mới lôi được lợn ra nên sau đó buộc phải xua lợn ra ngoài để đập. 7-8 người đuổi theo 1 con lợn nhưng có khi cả buổi mới đập được 1-2 con nên sau cùng chúng tôi lại phải chuyển sang kích điện. Lợn chết rồi lại phải xúm vào khiêng lên cân nổi, từ cân lại khiêng lên xe để chở đi chôn, rất vất vả.

Trong khi đó chi phí ngày công theo quy định của nhà nước chỉ 100.000đ. Mới đầu xã trả 200-300.000đ nhưng không ai muốn làm vì mệt quá nên phải trả tới 700.000đ-1 triệu/công thành ra chi phí xử lý dịch tả lợn châu Phi đã lên tới 330 triệu đồng trong đó vôi 70 triệu, vật tư 20 triệu, còn lại là ngày công, máy móc vận chuyển, chôn lấp. Xã phải dùng ngân sách dự phòng ra để trả nhưng sau này đề nghị các cấp ngành hỗ trợ chúng tôi về việc đó”.

Cũng theo ông Phiến: “Việc ngăn cản dịch là điều rất khó dù đã có đầy đủ quy trình xử lý của thú y nhưng bởi các hoạt động giao lưu đi lại, vẫn không thể tránh khỏi nhiễm mới. Theo tôi có khi hết lợn mới hết dịch được”. 

Dùng máy xúc vận chuyển lợn đi chôn.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục