Hà Nội mưa lạnh dài ngày

Thứ hai, ngày 01/03/2021 06:40 AM (GMT+7)
Miền Bắc đón thêm đợt không khí lạnh khiến mưa dông, sương mù tiếp diễn trong những ngày đầu tuần. Trong khi đó, Đông Nam Bộ khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ.
Bình luận 0

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống nước ta và chuẩn bị tác động đến các tỉnh vùng núi Bắc Bộ. Gần sáng 2/3, hình thái này ảnh hưởng đến các tỉnh ở Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Tây Bắc Bộ.

Ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ tiếp diễn trạng thái sương mù, có mưa trong những ngày đầu tuần. Ngày 2-3/3, nhiệt độ thấp nhất tại khu vực này ở ngưỡng 16-19 độ C, vùng núi có nơi dưới 14 độ C. Ban ngày, mức nhiệt cao nhất 20-22 độ C.

Do đợt gió mùa lần này có xu hướng lệch đông và cường độ không quá mạnh, các tỉnh phía Tây Bắc Bộ, Nghệ An và Hà Tĩnh chỉ trở lạnh về đêm và sáng sớm.

Hà Nội mưa lạnh dài ngày - Ảnh 1.

Ngày 2-3/3, Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc Bộ tiếp diễn trạng thái sương mù, mưa nhỏ, trời lạnh. Ảnh: Khánh Huyền.

Tại Hà Nội, thời tiết những ngày tới không thay đổi nhiều so với những ngày cuối tuần. Mưa nhiều, độ ẩm cao, nhiệt độ không quá thấp nhưng vẫn gây cảm giác lạnh giá.

Trong đợt rét tới, thời tiết thủ đô ghi nhận mức nhiệt thấp nhất xuống ngưỡng 18 độ C vào sáng 2/2. Sau đó, Hà Nội tăng nhiệt qua từng ngày. Đến cuối tuần, khi không khí lạnh suy yếu, nắng ấm quay trở lại, nhiệt độ tăng nhanh lên mức 25-27 độ C.

Tại Trung Bộ, không khí lạnh chỉ tác động mạnh đến thời tiết Thanh Hóa gây rét về đêm. Từ Nghệ An trở vào đến Thừa Thiên - Huế trở lạnh, có sương mù nhẹ vào sáng sớm. Ban ngày, trời nắng.

Trái ngược với thời tiết ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ duy trì trạng thái ít mưa, ngày nắng. Tuần này, một số nơi khả năng xảy ra nắng nóng khi nhiệt độ cao nhất lên ngưỡng 35 độ C, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ.

Trong tháng 3, cơ quan khí tượng dự báo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khả năng xuất hiện một số đợt xâm nhập mặn tăng cao (cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong thời kỳ 12-16/3 và từ 27/3-1/4, còn các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 4, sau đó giảm dần).

Xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2020-2021 được dự báo ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020. Tình trạng này còn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.

Do đó, cơ quan khí tượng khuyến cáo các địa phương ở vùng Đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.


Mỹ Hà (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem