Hà Nội nêu những kiến nghị gì với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ?

Bách Thuận Thứ bảy, ngày 06/05/2023 11:41 AM (GMT+7)
Sáng 6/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023.
Bình luận 0

Hà Nội thực hiện thành công mục tiêu kép

Sáng 6/5, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 và kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo, 4 tháng đầu năm 2023 kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và các cân đối lớn được đảm bảo. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm ước tăng 1,6%.

Các lĩnh vực dịch vụ đều tăng cao hơn cùng kỳ: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,2% (cùng kỳ tăng 8,4%); tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 20,4% (cùng kỳ tăng 16,3%). Lũy kế 4 tháng đầu năm, thu hút gần 1,47 triệu lượt khách du lịch (gấp 2,1 lần so với cùng kỳ), trong đó, khách quốc tế (có lưu trú) đạt 1,015 triệu lượt (gấp 10 lần so với cùng kỳ).

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TP.Hà Nội - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 vào sáng 6/5. Ảnh: TP.HN

Tổng thu NSNN trên địa bàn là 177.989 tỷ đồng (đạt 50,4% dự toán và tăng 21,6% so với cùng kỳ). Chi ngân sách địa phương là 22.582 tỷ đồng (đạt 21,5% dự toán và tăng 16,5% so với cùng kỳ)…

Về kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội đã thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

TP.Hà Nội đã thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; hoàn thành công tác chi trả hỗ trợ cho 12/12 nhóm đối tượng khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TP.Hà Nội - Ảnh 2.

Theo báo cáo, Hà Nội đã thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: TP.HN

4 nhóm kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Về phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn bộ 382 xã và 15 huyện, thị xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; 111 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng nêu 4 nhóm kiến nghị để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tiếp tục tạo động lực mới trong quá trình phát triển Thủ đô.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TP.Hà Nội - Ảnh 3.

Người đứng đầu UBND TP.Hà Nội có nhiều kiến nghị gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đề nghị cho phép Hà Nội được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: TP.HN

Cụ thể, về đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cho phép tỉnh Hưng Yên phê duyệt các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong trường hợp tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư tại Chủ trương đầu tư.

Về triển khai dự án thành phần 3 (Dự án PPP), kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao UBND TP.Hà Nội là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP và được giao Ban QLDA chuyên ngành Thành phố là chủ đầu tư thực hiện tiểu Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, tổ chức triển khai độc lập và song hành với dự án PPP do Nhà đầu tư thực hiện.

Về việc áp dụng cơ chế đặc thù của Dự án đường Vành đai 4, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc cho phép nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP và BOT (Dự án thành phần 3) được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Đáng chú ý, đối với các tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 7 kiến nghị, trong đó, sớm xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP.Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đề xuất trong tháng 5/2023).

Đối với Tuyến đường sắt đô thị tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng Hòa Lạc), để đảm bảo việc cân đối nguồn lực trong việc thực hiện dự án, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ưu tiên cho Thành phố sử dụng nguồn vốn từ nguồn ODA để đầu tư dự án…

Với lĩnh vực nhà ở, trong đó về phát triển nhà ở xã hội, đề nghị Chính phủ cho phép Hà Nội được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội đối với đối với quỹ đất ở 20% thuộc các dự án có quy mô ≥ 2ha được nộp bằng tiền, tạo nguồn lực đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung.

Cho phép Hà Nội được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội.

Về phát triển nhà ở tái định cư, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng thực hiện Cơ chế đầu tư thí điểm đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cho phép chuyển đổi một số khu nhà tái định cư không dùng đến chuyển sang làm nhà ở xã hội…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem