Hà Nội siết chặt kiểm soát giấy đi đường: UBND phường quá tải khi người dân đổ về xin xác nhận

Kim Nga Thứ hai, ngày 09/08/2021 15:00 PM (GMT+7)
Nhiều đơn vị, cơ quan xếp hàng tại trụ sở UBND phường chờ làm thủ tục xác nhận giấy đi đường người lao động trên địa bàn Hà Nội khiến không ít nơi rơi vào tình trạng quá tải.
Bình luận 0

Sáng 9/8, ngày đầu Hà Nội siết chặt lý do ra đường đối với toàn thể người dân. Theo Công văn 2562/UBND-KT của UBND TP, Hà Nội giao trách nhiệm xác nhận giấy đi đường của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cho UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã).

Trước yêu cầu này, người lao động bắt buộc phải có văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị kèm theo xác nhận, đóng dấu của UBND cấp phường quản lý.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, vào gần trưa nay, nhiều cá nhân đại diện đơn vị, cơ quan, tổ chức đến UBND các phường, xã tại quận, huyện xin xác nhận.

Hà Nội ngày đầu siết chặt việc ra đường: Nhiều người đổ về phường xin xác nhận gây quá tải - Ảnh 1.

Hôm nay, nhiều cá nhân đại diện đơn vị, cơ quan, tổ chức đến UBND Yên Hoà xin xác nhận. (Ảnh: Kim Ngân)

Tại UBND phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) có đông người dân xếp hàng chờ tới lượt. Ông Dương Văn Hiền (trú tại phường Yên Hoà) cho hay, ngay trong đêm hôm qua, ông đã lập danh sách nhân sự làm việc trực tiếp tại cơ quan và có kèm thêm lịch trực, nhiệm vụ của các nhân viên.

"Tuy nhiên, sáng nay nhiều nhân viên đến cơ sở làm việc cũng thông báo được nhắc nhở vì thiếu giấy tờ chứng minh đủ điều kiện đi làm", ông Hiền thông tin.

Hà Nội ngày đầu siết chặt việc ra đường: Nhiều người đổ về phường xin xác nhận gây quá tải - Ảnh 2.

Do người dân đến phường xin xác nhận rất đông nên phường Yên Hòa đã áp dụng công nghệ phục vụ công tác thẩm hồ sơ. Nếu đạt yêu cầu, các đơn vị mang hồ sơ trực tiếp đến UBND phường hoàn tất thủ tục. (Ảnh: Kim Ngân).

Cũng theo ông Hiền, đơn vị đã gấp rút hoàn thành một số thủ tục để đảm bảo, tuân thủ đúng quy định của thành phố trong thời gian giãn cách, nhưng nhanh nhất chiều nay mới có thể hoàn tất giấy tờ như công văn 2562/UBND-KT của UBND TP.Hà Nội yêu cầu.

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Anh - Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cho biết, trong ngày đầu tiên áp dụng quy định mới, người dân đến phường xin xác nhận rất đông.

Hà Nội ngày đầu siết chặt việc ra đường: Nhiều người đổ về phường xin xác nhận gây quá tải - Ảnh 3.

Nhiều đơn vị mang theo danh sách nhân sự của mình đến xin xác nhận. (Ảnh: Kim Ngân).

Trước nhiệm vụ được giao, phường Yên Hòa đã áp dụng công nghệ phục vụ công tác thẩm tra hồ sơ (gửi hồ sơ trực tuyến - PV). Sau khâu thẩm hồ sơ, nếu đạt yêu cầu, các đơn vị mang hồ sơ trực tiếp đến UBND phường hoàn tất thủ tục.

Theo ông Đỗ Ngọc Anh, ngoài đảm bảo công tác chốt trực tại những điểm kiểm soát dịch, UBND phường Yên Hòa bố trí, phân công công việc cho cán bộ phường thực hiện nhiệm vụ tại điểm công tác tiêm vaccine Covid-19.

"Đối với nhiệm vụ trên, trước mắt, chúng tôi hẹn một số đơn vị chiều đến để và sắp xếp lịch hẹn để hạn chế việc tụ tập đông người tại trụ sở UBND phường", ông Ngọc Anh thông tin.

Hà Nội ngày đầu siết chặt việc ra đường: Nhiều người đổ về phường xin xác nhận gây quá tải - Ảnh 4.

Lực lượng cán bộ, nhân viên phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) hướng dẫn người dân làm thủ tục xin giấy đi đường trong thời điểm TP thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: KIm Ngân).

Cũng theo lãnh đạo phường Yên Hòa, quy định mới của thành phố Hà Nội yêu cầu bắt buộc người đại diện của doanh nghiệp, tổ chức phải trực tiếp đến UBND phường để xin xác nhận cho văn bản phân công nhiệm vụ cho người lao động. Bởi lẽ, công tác thẩm tra hồ sơ có thể thực hiện trực tuyến, nhưng việc đóng dấu thì không thể.

Với yêu cầu này, chính quyền các cơ sở có thể sẽ quá tải và người dân lo lắng khi ra đường đến cơ quan, đơn vị làm việc mà chưa đủ giấy tờ chứng minh. Trong sáng nay, nhiều người ra về và theo lịch hẹn sẽ đến xin xác nhận sau.

Hà Nội ngày đầu siết chặt việc ra đường: Nhiều người đổ về phường xin xác nhận gây quá tải - Ảnh 5.

Một số đơn vị được hẹn lịch chiều đến để hạn chế việc tụ tập đông người tại UBND phường Yên Hòa. (Ảnh: Kim Ngân).

Từ ngày 9/8, ngoài Giấy đi đường, người lao động trên địa bàn Hà Nội ra khỏi nhà phải xuất trình kèm theo căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị ghi rõ lịch trực, lịch làm việc.

Cụ thể, UBND cấp xã kiểm tra, xác nhận giấy đi đường trên nguyên tắc giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn đối với các đơn vị sau:

Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn TP.Hà Nội: Phối hợp UBND xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo).

Đối với các Khu, Cụm công nghiệp: Chính quyền địa phương chủ động phối hợp các Chủ doanh nghiệp thống nhất phương án tổ chức thực hiện giám sát nơi đi hoặc nơi đến phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với các Chợ: Ban Quản lý chợ lập danh sách tiểu thương và những người liên quan duy trì hoạt động của chợ đảm bảo theo phương án giãn cách, giảm quầy hàng theo quy định. Trên cơ sở danh sách do các Ban Quản lý chợ cung cấp, UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra, xác nhận và gửi lại cho Ban Quản lý chợ để cấp cho tiểu thương và người có liên quan sử dụng.

Đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tạm dừng hoạt động: Phối hợp UBND xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo) cho nhân viên trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại đơn vị.

Công an TP và UBND quận, huyện, thị xã được giao siết chặt công tác kiểm tra, giám sát tại chốt kiểm soát. Khi phát hiện người sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, lực lượng tại chốt thông tin đến công an cấp xã nơi có đơn vị, tổ chức cấp giấy đi đường để chấn chỉnh và kiến nghị xử lý nghiêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem