HÀ NỘI XÂY "CỘT MỐC SỐ 0": CẦN NGHIÊN CỨU KỸ, CÓ Ý KIẾN THỐNG NHẤT

Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo nghiên cứu kỹ, xin ý kiến các Hội chuyên gia theo các lĩnh vực để các Hội có ý kiến thống nhất, đề xuất một số vị trí đặt "cột mốc số 0" phù hợp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu vừa chủ trì cuộc họp xem xét việc cải tạo, chỉnh trang vườn hoa Lý Thái Tổ, lựa chọn phương án "cột mốc Km0" (cột mốc số 0) chào mừng kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10/10/2020.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Sửu chỉ đạo cải tạo, chỉnh trang vườn hoa Lý Thái Tổ. Giao UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan sửa chữa, cải tạo, trùng tu những vị trí xuống cấp xung quanh vườn hoa Lý Thái Tổ bằng nguồn ngân sách quận, đảm bảo không ảnh hưởng đến kết cấu, mỹ quan xung quanh, phát huy giá trị không gian, thực hiện đúng quy định pháp luật và Thành phố, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí.

img
img
img

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, “Cột mốc số 0” được dự kiến đặt ở 3 vị trí: Vị trí đầu tiên là khu vực đồng hồ Thụy Sĩ hiện nay; Vị trí thứ 2 là đối diện tượng đài vua Lý Thái Tổ (phía bên hồ Gươm); Vị trí thứ 3 là trước tượng đài Lý Thái Tổ.

Đáng chú ý, về việc lựa chọn phương án "cột mốc số 0" chào mừng ngày 10/10/2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội "thống nhất về chủ trương thực hiện công trình cột mốc số 0 - là công trình văn hóa nhằm phát huy giá trị không gian, kích cầu du lịch và thu hút khách du lịch tới thăm Thủ Đô".

Về cách thức thực hiện và vị trí đặt "cột mốc số 0", ông Nguyễn Văn Sửu chỉ đạo UBND quận Hoàn Kiếm "cần tiếp tục nghiên cứu kỹ, xin ý kiến các Hội chuyên gia theo các lĩnh vực để các Hội có ý kiến thống nhất, đề xuất một số vị trí đặt "cột mốc số 0" phù hợp nền văn hóa, du lịch, truyền thống, lịch sử nhiều năm của người dân Thủ đô để tham mưu UBND TP tiếp tục xem xét, chỉ đạo".

TP.Hà Nội cũng giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm, các đơn vị liên quan nghiên cứu việc phân cấp quản lý khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ tập trung về 1 đầu mối là UBND quận Hoàn Kiếm; tham mưu, báo cáo UBND Thành phố đảm bảo đúng quy định pháp luật và Thành phố.


Hà Nội xây “cột mốc Km số 0”: Cần nghiên cứu kỹ, có ý kiến thống nhất - Ảnh 2.

Giải nhất cuộc thi Thiết kế cột mốc số 0 do UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức, dưới sự bảo trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam của nhóm tác giả thuộc Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. (Ảnh: BTC)


NGƯỜI ĐI TÌM "CỘT MỐC SỐ 0" NÓI GÌ?

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, "cột mốc số 0" được dự kiến đặt ở 3 vị trí: Vị trí đầu tiên là khu vực đồng hồ Thụy Sĩ hiện nay; Vị trí thứ 2 là đối diện tượng đài vua Lý Thái Tổ (phía bên hồ Gươm); Vị trí thứ 3 là trước tượng đài Lý Thái Tổ.

Về việc này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS Hà Đình Đức - người đề xuất xây dựng "cột mốc số 0" từ 11 năm trước cho hay, ngày 1/1/2009, ông viết tờ trình lên Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề xuất về việc dựng "cột mốc số 0" ở Hồ Gươm.

Trong tờ trình, PGS Hà Đình Đức viết: "Không gian văn hoá Hồ Gươm tiêu biểu cho văn hoá nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Chính nơi đây, triều Lý Thái Tông (1057) đã dựng Tháp Báo Thiên là 1 trong 4 công trình kỳ vĩ thế kỷ 11. Suốt chiều dài 1.000 năm Thăng Long, khu vực Hồ Gươm vẫn là vùng địa linh của kinh đô Thăng Long xưa cũng như Thủ đô Hà Nội nay. Từ Hồ Gươm, các con đường toả đi mọi miền Tổ quốc. Các con đường từ các miền đất nước lại tụ họp về Hồ Gươm.

Để tiến tới kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, tôi xin trân trọng đề nghị UBND TP.Hà Nội dựng một tháp "Hà Nội - Km 0" bằng loại đá quý của Việt Nam tại khu vực Hồ Gươm với diện tích khoảng 4-6 m2, cao 3m trên Bờ Hồ góc đường Đinh Tiên Hoàng và Hàng Khay. Trên tháp đó có logo kỷ niệm và hai dòng chữ "Thăng Long - Hà Nội 1010-2010"; "Hà Nội - Km 0". Tổ chức một cuộc thi để chọn mẫu đẹp nhất".

Theo PGS Hà Đình Đức, ban đầu, ông có ý định sẽ làm cột mốc bằng đá, có hình dáng giống cột mốc biên giới. Nhưng sau nhiều lần tham gia các cuộc gặp gỡ và trao đổi ý kiến với lãnh đạo TP.Hà Nội và các nhà nghiên cứu, PGS Hà Đình Đức cho rằng, cột mốc nên được làm nhỏ gọn, có chiều cao khoảng 1m, trên cột mốc có thể khắc chữ "Hà Nội thành phố vì hòa bình - Km số 0".

"Vừa rồi Hà Nội có tổ chức cuộc thi liên quan đến "cột mốc số 0" họ có chọn ở vườn hoa Lý Thái Tổ. Nhưng tôi phản đối đặt vườn hoa Lý Thái Tổ bởi đây là di tích quốc gia đặc biệt không thể xen cái gì vào. "Cột mốc số 0" cũng không liên quan đến cụ Lý Thái Tổ, khi đưa vào đây sẽ nảy sinh những bất cập… khi đó rút kinh nghiệm sẽ muộn", PGS Hà Đình Đức nói.


img
img

Một góc Hồ Gươm, Hà Nội. (ảnh: Phạm Hưng, Thành An).

NHIỀU Ý KIẾN ĐỒNG Ý CHỌN VỊ TRÍ TRƯỚC TƯỢNG ĐÀI LÝ THÁI TỔ

Tuy nhiên, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, các nước trên thế giới thường lấy bưu điện trung tâm hoặc tòa thị chính để đặt "cột mốc số 0". Khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ nằm giữa bưu điện và trụ sở UBND TP là vị trí phù hợp để đặt cột mốc.

Hà Nội xây “cột mốc Km số 0”: Cần nghiên cứu kỹ, có ý kiến thống nhất - Ảnh 4.

Khung cảnh Hồ Gươm về đêm. (ảnh: Thành An).

"Vị trí đặt công trình sao cho du khách đến cảm nhận được không gian xung quanh, đủ chỗ để các hướng máy ảnh chụp góc nào cũng đẹp, qua đó tạo cho người dân, du khách hứng thú định vị mình từng đặt chân đến thành phố này", ông Quốc chia sẻ với báo chí.

Đồng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đề xuất lựa chọn khuôn viên quảng trường trước tượng đài vua Lý Thái Tổ để đặt "Cột mốc số 0". Theo ông, du khách đứng ở đây vừa nhìn thấy tượng đài, tháp Rùa, thuận lợi để vui chơi, chụp ảnh.

"Đây là vị trí đẹp, ý nghĩa khi nằm sát UBND TP.Hà Nội và tòa Bưu điện Hà Nội. Lại vừa có cảnh quan là khung cảnh Hồ Gươm, và tượng đài Vua Lý Thái Tổ, vừa có không gian thuận lợi cho khách du lịch vui chơi, chụp ảnh", KTS Phạm Thanh Tùng bày tỏ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nêu quan điểm, trung tâm của Hà Nội là Hồ Gươm, vì vậy, lâu nay, Bờ Hồ được tính là cây số 0 của Hà Nội. Trong đó, nơi mặc định được coi là điểm trung tâm chính xác nhất của mỗi thành phố là tòa nhà bưu điện, do vậy, có thể coi tòa nhà Bưu điện Hà Nội tại Bờ Hồ (nay có tên là VNPT Hà Nội) là điểm mốc Km số 0.

Theo phân tích trên, vị trí xây dựng "cột mốc số 0" sẽ ở phía trước tòa nhà Bưu điện Bờ Hồ. Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Chính lựa chọn vị trí xây dựng sát cạnh tòa nhà bưu điện, đó là quảng trường Lý Thái Tổ, phía trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ hướng về hồ Gươm, ngay sát đường Đinh Tiên Hoàng.


Hà Nội xây “cột mốc Km số 0”: Cần nghiên cứu kỹ, có ý kiến thống nhất - Ảnh 5.

Một góc Hồ Gươm. (ảnh: Thành An).

PHẢI XIN Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN


TS KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, khu vực Hồ Gươm trong lịch sử phát triển của Hà Nội luôn được xác định là khu vực trung tâm.

Đối với các nước trên thế giới, khu vực trung tâm hay tổ chức các công trình kiến trúc nhỏ, nơi tổ chức các sự kiện. Nhiều nước đã tổ chức tại khu vực trung tâm "Cột mốc Km số 0". Trong lịch sử phát triển của thủ đô Hà Nội, để xác định tọa độ của Hà Nội trước đây người ta đã dùng mốc Km0 tại khu vực Hồ Gươm.

Tuy nhiên, hiện nay, qua nhiều tài liệu, chứng cứ thì không xác định được cụ thể vị trí mốc số 0 là ở đâu. Có người thì nói trước cửa Bưu điện Hà Nội, có người lại nói ở ngã tư Tràng Tiền – Hàng Khay nhưng có người lại nói ở quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục, có người lại nói "cột mốc số 0" ở khu vực khác gần quảng trường Ba Đình. Nghĩa là cột mốc số 0 đứng về yếu tố khoa học để khẳng định thì rất khó xác định và không có tư liệu nào về cột mốc này.

"Có thể khẳng định rằng khi tạo lập một công trình mới tại Hồ Gươm, vai trò ý kiến của cộng đồng là yếu tố quan trọng hơn là ý kiến của Hội đồng thẩm định. Ví như kè Hồ Gươm vừa rồi phải lấy ý kiến của người dân, tổ chức các hội thảo, khi được đồng thuận mới được làm thí điểm.

Trong khi "cột mốc số 0" còn ý nghĩa hơn nhiều. Cho nên dù khẳng định đây là việc cần làm, nên làm nhưng rất khó vì xung quanh Hồ Gươm đã nhiều các công trình đề xuất ra nhưng không thực hiện được. Do đó, dự án xây dựng "cột mốc số 0" dù cần làm nhưng phải thận trọng và vai trò của nhân dân là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, truyền thông phải vào cuộc để phản ánh ý kiến người dân để người có thẩm quyền quyết định chính thức", TS KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Từ năm 2018, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam nghiên cứu phương án xây dựng cột mốc Km0.

Đến tháng 5/2020, thực hiện chủ trương của Thành ủy và UBND TP.Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm quyết định tổ chức cuộc thi mở rộng nhằm tìm giải pháp thiết kế tốt nhất để xây dựng Cột mốc Km 0.

Tháng 7/2020, Hội đồng giám khảo đã chấm chọn và công bố 5 giải của cuộc thi, gồm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 2 giải Khuyến khích.

Thiết kế đoạt giải Nhất là của nhóm tác giả Phạm Thái Bình, Phạm Trung Hiếu (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) có tên "Cổng ánh sáng", nằm ở vị trí sân trước Tượng đài Lý Thái Tổ. Theo nhận xét của Hội đồng giám khảo, thiết kế này có ý tưởng sáng tạo, độc đáo, thể hiện tính bền vững, gần gũi và khả thi.

Thiết kế đoạt giải Nhất có biểu tượng Km 0 đặt trên mặt sân với ngôn ngữ tạo hình hiện đại, tối giản nhưng tinh tế, phù hợp với không gian cảnh quan quảng trường trước khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ. Thiết kế sử dụng công nghệ cao, hiện đại trong các kịch bản tạo hình chiếu sáng tăng ý nghĩa và hiệu quả thị giác cho cột mốc Km 0.

=

THÀNH AN
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem