Hà Tĩnh: Cô nông dân đảm đang kiếm tiền tỷ từ nghề ướp cá chảy ra thứ nước mắm thơm khắp làng

Mỹ Hà- Hồng Duyên Thứ sáu, ngày 11/09/2020 07:14 AM (GMT+7)
Từ nghề làm nước mắm truyền thống sản xuất bán nhỏ lẻ , đến nay bà Đặng Thị Luận (Sn 1971) thôn Tân Thắng, xã Kỳ Ninh, Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã phát triển thương hiệu nước mắm Luận Nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng chục người lao động, thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Bình luận 0

Nâng tầm giá trị nước mắm quê hương

Vốn sinh ra tại vùng biển Kỳ Ninh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nên lớn lên bà Luận mua hải sản đi bán ở các chợ. Từ nhỏ bà đã chứng kiến cảnh nhà nào cũng tự ủ cho mình những chum nước mắm để dùng nên bà cũng làm nước mắm theo kiểu thủ công.

Đặc biệt, bố bà Luận từng công tác tại xí nghiệp chế biến thủy sản, sau khi nghỉ hưu, ông đã truyền nghề lại cho con gái. Từ đó, bà Luận phát triển và xây dựng thành thương hiệu nước mắm Luận Nghiệp được nhiều người tiêu dùng biết đến như hiện nay.

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, công nhân HTX Chiến Thắng (thôn Tân Thắng, xã Kỳ Ninh, Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) tiến hành các công đoạn quan trọng trong việc chế biến nước mắm truyền thống.

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, bà Đặng Thị Luận cho biết: "Trước đây, bố mẹ tôi cũng làm nước mắm nên tôi học kỹ thuật từ ông. Sau khi lấy chồng, tôi tiếp tục làm nước mắm, trước tôi chỉ làm quy mô nhỏ để phục vụ nhu cầu trong gia đình, người thân sau đó tôi mở rộng quy mô làm để bán. Sau đó, tôi cùng một số hộ cùng thành lập HTX thu mua và chế biến thủy sản Chiến Thắng."

Hà Tĩnh: Từ một tiểu thương nhỏ đến bà chủ thương hiệu nước mắm có tiếng - Ảnh 2.

Thế mạnh của HTX là làm nước mắm. Mỗi ngày HTX Chiến Thắng (thôn Tân Thắng, xã Kỳ Ninh, Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) thu mua và chế biến gần 10 tấn cá, chủ yếu là của bà con ngư dân tại địa phương

 "Bên cạnh ý chí nghị lực của mình, chúng tôi còn được chính quyền quan tâm và một số chính sách khuyến khích nên rất yên tâm để sản xuất. Cùng với nâng cao được lợi nhuận cho đơn vị, HTX luôn ý thức góp phần thu mua hải sản cho bà con ngư dân trên địa bàn" - bà Đặng Thị Luận cho biết.

Sau khi được sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh chuyển giao và lắp đặt hệ thống lọc nước mắm bằng năng lượng mặt trời thì công và sức của những người lao động đỡ mệt nhọc hơn một chút . Công nhân không phải mất nhiều thời gian để đảo sấy nước mắm thủ công nữa, mà chất lượng sản phẩm vẫn luôn đảm bảo không hề bị thay đổi đặc biệt sản lượng có tăng hơn.

Hà Tĩnh: Từ một tiểu thương nhỏ đến bà chủ thương hiệu nước mắm có tiếng - Ảnh 3.

Từ việc chọn những con cá tươi ngon, đến việc chọn muối lâu năm được bà Luận chọn lựa rất kỹ

Như cách làm của bà Luận, cứ 10 kg cá cơm sẽ cho ra 5 lít nước mắm cốt. Mỗi mẻ cá làm nước mắm phải ủ từ 15 đến 20 tháng. Mỗi lít nước mắm thời điểm hiện tại được bán với giá 150 ngàn đồng/lít.

Bà Luận cho biết thêm: "Trong cơ chế thị trường hiện nay, nhận thấy nếu chỉ tập trung mỗi việc tiêu thụ nước mắm là không ổn. Đặc biệt là nguồn hải sản tại địa phương khá đa dạng. Do đó, chúng tôi phát triển làm thêm các ngành hàng như sứa đóng hộp, cá mờm rim lạc... hiện sản lượng tiêu thụ cũng ổn định".

Hà Tĩnh: Từ một tiểu thương nhỏ đến bà chủ thương hiệu nước mắm có tiếng - Ảnh 4.

Các công đoạn chế biến nước mắm truyền thống được làm rất cẩn thận

Để mở rộng quy mô sản xuất, thị trường và nâng tầm sản phẩm, tháng 7/2016 HTX sản xuất thu mua và chế biến thủy sản Chiến Thắng được thành lập và đi vào hoạt động. HTX do bà Đặng Thị Luận làm Giám đốc. Đến nay, HTX có 2 cơ sở sản xuất với diện tích hàng ngàn m 2  sân phơi cá và đặt hệ thống sản xuất nước mắm.

Hà Tĩnh: Từ một tiểu thương nhỏ đến bà chủ thương hiệu nước mắm có tiếng - Ảnh 5.

Theo đó, mỗi năm, HTX thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (thôn Tân Thắng, xã Kỳ Ninh, Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã thu mua hơn 2.000 tấn hải sản các loại và cung cấp cho thị trường hơn 60-70 nghìn lít nước mắm, đạt lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng.

Với 8 thành viên tham gia góp vốn sản xuất, kinh doanh, hiện nay HTX đang giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động với thu nhập bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra HTX còn tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động địa phương.

Hướng đến sản phẩm sạch, an toàn

Chia sẻ về quy trình làm nước mắm của mình, bà Luận cho hay: Muốn làm nước mắm ngon thì phải làm bằng cá cơm. Ở đây người dân đi biển nhiều, nên nguồn nguyên liệu tại địa phương dồi dào, giá cũng vừa phải, tàu đi biển về cá được đưa vào chế biến ngay nên đảm độ tươi ngon.

Về kỹ thuật làm nước mắm, bà Luận chia sẻ: Cá sau khi rửa sạch, để cho ráo nước, sau đó tiến hành trộn đều cá với muối. Cứ 100kg cá trộn đều với 20kg muối, xúc cá đổ vào những chiếc chum đã được rửa sạch sẽ, đổ đầy chum, sau đó bỏ vỉ tre vào gàn nén, dùng đá dằn lên vỉ gài để cố định không làm cá bị nổi lên trên.

Hà Tĩnh: Từ một tiểu thương nhỏ đến bà chủ thương hiệu nước mắm có tiếng - Ảnh 6.

Những con cá cơm tươi ngon, được náo đảo với muối lâu năm để ủ nước mắm

Cá được ủ khoảng 10 - 15 ngày, bắt đầu tiến hành phơi nắng và xáo đảo, đảo 2 – 3 lần/ngày, 15 ngày/tháng. Suốt 3 tháng đầu hằng ngày phơi nắng và xáo đảo 2 lần/ngày, đến tháng thứ tư, thứ năm thì hai tuần xáo đảo 1 lần.

Trong quá trình muối cá, nước mắm ngon hay không ngon, hương vị, màu sắc, độ sánh, chín nhanh hay chín chậm, ngoài ảnh hưởng của nguyên liệu đầu vào là cá, muối ra còn tùy thuộc vào sự chăm sóc, xáo đảo, vào thời tiết, mùa vụ và cách muối cá ... Cá cho muối đúng liều lượng, chăm sóc xáo đảo hàng ngày, phơi nắng được nhiều nước mắm sẽ thơm ngon và chóng chín.

Hà Tĩnh: Từ một tiểu thương nhỏ đến bà chủ thương hiệu nước mắm có tiếng - Ảnh 7.

Trước đây, nước mắm của HTX chủ yếu chỉ tiêu thụ trong tỉnh, nhưng từ khi sản phẩm nước mắm Luận Nghiệp được chứng nhận sản phẩm OCOP thị thì trường đã được mở rộng rất nhiều. Sản phẩm của chúng tôi đã được người tiêu dùng trong cả nước biết đến. Sức tiêu thụ mạnh hơn. Tới đây, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô để tăng sản lượng.

Nói về dự định của mình bà giám đốc HTX chia sẻ: Tới đây, HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất lên hơn 1,1 ha, tăng sản lượng nước mắm trên 100.000 lít/năm và đầu tư máy móc, trang thiết bị để nâng tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm lên 4-5 sao. Cùng với việc mở rộng quy mô, HTX sẽ đưa cơ sở sản xuất sứa tươi, cá khô, ruốc tập trung về một chỗ và tăng số lượng lao động thường xuyên lên hơn 30 người để đáp ứng việc mở rộng".

Hà Tĩnh: Từ một tiểu thương nhỏ đến bà chủ thương hiệu nước mắm có tiếng - Ảnh 8.

"Tới đây, HTX sẽ củng cố để hai sản phẩm này đạt tiêu chuẩn 4 sao. Năm 2020, sản lượng nước mắm tiêu thụ của HTX tăng gấp 4 - 5 lần so với năm 2018. Địa phương cũng đang hoàn thiện hồ sơ cho thuê đất 50 năm tại khu công nghiệp làng nghề để HTX mở rộng sản xuất kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên Dân việt, ông Lê Công Đường - Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh cho biết: "HTX thu mua và chế biến thủy sản Chiến Thắng do bà Đặng Thị Luận làm Giám đốc ra đời sau nhiều HTX cùng ngành trên địa bàn. Tuy nhiên, HTX đã chú trọng phát triển về quy mô và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, 2 sản phẩm của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP với chất lượng 3 sao.".

Với những nỗ lực trong sản xuất, vừa qua, bà Đặng Thị Luận được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020 dự kiến được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem