Hà Tĩnh: Vùng đất dân làm nghề "xỏ lá", con gái làng từng nổi tiếng xinh đẹp

Tập Thỏa Thứ ba, ngày 26/10/2021 11:47 AM (GMT+7)
Qua gần một thế kỷ thăng trầm làng nghề đan nón lá Đan Du, Kỳ Thư, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn tồn tại và phát triển, mang tới thị trường những sản phẩm truyền thống và đem lại thu nhập cho những phụ nữ của làng.
Bình luận 0

Clip: Làng nghề làm nón lá Đan Du, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Ký ức về làng nghề "xỏ lá"

Làng nghề "xỏ lá" chỉ là cách nói vui của bà con để chỉ nghề đan nón. Làng nghề nón lá Đan Du trước đây thuộc xã Trung Sơn (nay là xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm nón lá truyền thống.


Hà Tĩnh: Làng nghề nón lá Đan Du gần một thế kỷ, nơi giữ hồn quê đất Việt - Ảnh 2.

Để có một chiếc nón lá bền đẹp, bà Võ Thị Tín (SN 1948, trú tại thôn Hòa Bình, xã Kỳ Thư, Kỳ Anh) phải quét một lớp dầu bóng truyền thống chuyên dụng. Ảnh: PV

Không ai còn nhớ nghề nón lá du nhập vào làng Đan Du từ khi nào, họ chỉ nhớ đây là nghề truyền thống của địa phương cả trăm năm. 

Những bậc cao niên nói, khi sinh ra người dân nơi đây đã thấy các bà, các mẹ, chị...đã tay kim, tay lá thoan thắt ngồi "xỏ lá" đan nón.

Hà Tĩnh: Làng nghề nón lá Đan Du gần một thế kỷ, nơi giữ hồn quê đất Việt - Ảnh 3.

Lá làm nón được chọn không quá non cũng không quá già, lá phải còn nguyên búp chưa bung khoảng tầm tháng tuổi là đạt tối đa chiều dài và chiều ngang. Ảnh: PV

Khi nghề làm nón lá ở làng Đan Du còn thịnh vượng, trong nhà ngoài cổng đâu đâu cũng thấy các bà, các chị ngồi quay quần bên nhau, tay thoăn thoắt đan những chiếc nón. Tay làm miệng nói, không khí rôm rả, ấm áp cả một vùng quê.

Để có được một chiếc nón đẹp, bền phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau như: sơ chế nguyên liệu, lên khuôn, may và hoàn thiện. Nguyên liệu làm nón chủ yếu là tre, đùng đình, lá nón và chỉ khâu.

Hà Tĩnh: Làng nghề nón lá Đan Du gần một thế kỷ, nơi giữ hồn quê đất Việt - Ảnh 4.

Bà Lê Thị Tiên (SN 1976, trú tại xã xã Kỳ Thư, Kỳ Anh) vuốt lá trước khi khâu nón. Ảnh: PV

Thông thường mỗi chiếc nón lá Đan Du có 3 lớp lá, dùng khoảng 13-15 vành tre và đùng đình để làm khuôn theo thứ tự nhỏ dần. 

Nón được chia thành 2 loại là: nón có vành to, cứng được dùng trong lao động sản xuất; loại nón có vành nhỏ, nhẹ và chèn hoa văn có thể nhìn thấy được khi xuyên sáng thường dùng trong các ngày lễ hội, cưới hỏi.

Hà Tĩnh: Làng nghề nón lá Đan Du gần một thế kỷ, nơi giữ hồn quê đất Việt - Ảnh 5.

Theo bà Võ Thị Tín, tre làm nón lá lồ ô trưởng thành khoảng 2-3 năm tuổi, các mắt tre phải thưa để khi cắt khúc vừa vặn với từng loại vành nón (thường từ 15-16 vành). Ảnh: PV

Tay thoăn thoắt đan nón, cụ Võ Thị Thể (84 tuổi, trú tại thôn Hòa Bình, xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), chia sẻ: "Nghề làm nón lá này có từ bao giờ tôi không còn nhớ rõ. Tôi chỉ nhớ lúc sinh ra tôi đã thấy các bà, các mẹ làm rồi. Là nghề truyền thống của địa phương, nên tôi được mẹ dạy làm nón từ lúc 5-6 tuổi, lúc đầu làm chưa đẹp nhưng sau dần rồi cũng thành quen".

Hà Tĩnh: Làng nghề nón lá Đan Du gần một thế kỷ, nơi giữ hồn quê đất Việt - Ảnh 6.

Cụ Võ Thị Thể, trú tại thôn Hòa Bình, xã Kỳ Thư được mẹ dạy làm nón khi lên 6 tuổi. Nay bà Thể đã 84 tuổi. Ảnh: PV

"Nghề làm nón lá trước đây thịnh vượng, nguồn thu nhập chính của người dân trong làng. Giai đoạn thịnh vượng nhất là những năm cuối thế kỷ 20, cả làng khấm khá thịnh vượng, xây nhà to, cửa rộng nhờ làm nón lá

Hầu như gia đình nào cũng làm nón, các bé gái được gia đình dạy làm "xỏ lá", chằm nón từ lúc còn nhỏ. Sau thời gian trên đồng, lúc rảnh, các bà, các mẹ thường cùng nhau ngồi dưới lũy tre làng, vừa làm nón vừa kể chuyện làng rất vui"- bà Thể nhớ lại.

Hà Tĩnh: Làng nghề nón lá Đan Du gần một thế kỷ, nơi giữ hồn quê đất Việt - Ảnh 7.

Công đoạn xây lớp lá trông, chèn lớp lá giữa và phủ lớp lá ngoài cùng đòi hỏi sự khéo léo tỉ mỉ và kinh nghiệm. Ảnh: PV

Còn bà Lê Thị Tiên (SN 1976, trú tại xã xã Kỳ Thư), cho biết: "Trước đây kinh tế khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc, chúng tôi làm nón đem ra chợ Voi (xã Kỳ Phong), chợ Thượng (xã Kỳ Phú)... bán để đong gạo, mua sắn về ăn.

Bố mẹ làm ruộng không đủ ăn, chúng tôi được lớn lên, học tập cũng nhờ vào nguồn thu nhập từ nón lá. Nghề làm nón lá, là nghề phụ nhưng trở thành nguồn thu nhập chính của các gia đình".

Gian nan giữ nghề

Tuy nghề làm nón không còn thịnh vượng như trước, nhưng ngày ngày các bà, các mẹ... nơi đây vẫn tỉ mỉ, trau chuốt với quyết tâm "giữ lửa" bằng được nghề truyền thống của địa phương.

Nón lá Đan Du có nét đẹp nhẹ nhàng, thanh mảnh không cầu kỳ, phức tạp nên được nhiều khách hàng tin tưởng và lựa chọn. Sản phẩm sau khi làm ra được người dân trong vùng mua lại, đem ra chợ quê bán.

Hà Tĩnh: Làng nghề nón lá Đan Du gần một thế kỷ, nơi giữ hồn quê đất Việt - Ảnh 8.

Nghề làm nón Đan Du không chỉ đơn thuần là công việc kiếm thêm thu nhập mà đó vừa là tuổi thơ, vừa là lịch sử truyền thống gia đình. Ảnh: PV

Lo lắng nghề truyền thống bị mai một, bà Lê Thị Tiên (SN 1976, trú tại xã xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), tâm sự: "Hiện nay có nhiều loại mũ, nón... được làm từ nhiều loại vật liệu rất đẹp mắt nên nón lá không còn được ưa chuộng như trước.

Làm nón lá còn ít người theo nghề, chủ yếu các cụ cao tuổi. Thế hệ trẻ họ chọn các công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao ít mặn mà với nghề làm nón lá này".

Hà Tĩnh: Làng nghề nón lá Đan Du gần một thế kỷ, nơi giữ hồn quê đất Việt - Ảnh 9.

Độ sắc sảo của chiếc nón được quyết định ở công đoạn này với những đường kim đều tăm tắp và thẳng hàng sau may. Ảnh: PV

"Đối với tôi, nghề làm nón lá không chỉ đơn thuần công việc kiếm thêm thu nhập mà còn là kỷ niệm, truyền thống gia đình. Hy vọng sẽ có giải pháp để nghề truyền thống của địa phương được giới trẻ tiếp nhận, quay lại thịnh vượng như trước đây. Không biết sau này nghề làm nón sẽ như thế nào. Nhưng còn sức khỏe tôi vẫn tiếp tục làm nón"- bà Tiên mong muốn.

Hà Tĩnh: Làng nghề nón lá Đan Du gần một thế kỷ, nơi giữ hồn quê đất Việt - Ảnh 10.

Bà Võ Thị Tín, chuẩn bị lá đót trước khi tiến hành đan nón. Ảnh: PV

 "Để có một chiếc nón hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn và tỉ mỉ từng chút một mới có được. Nguyên liệu khi mua về chúng tôi phải phơi khô, sau đó sơ chế rồi vuốt thẳng từng lá nón, vo tròn lại các nan tre, cuối cùng bỏ lên khuôn rồi ngồi may. Mỗi ngày tôi làm được từ 1-2 chiếc.

Hà Tĩnh: Làng nghề nón lá Đan Du gần một thế kỷ, nơi giữ hồn quê đất Việt - Ảnh 11.

Đặc trưng nón làng Đan Du được người thợ sáng tạo họa tiết độc đáo, khác biệt. Ảnh: PV

"Nón thường tôi bán với giá 45.000 – 50.000đồng/chiếc, còn nón có hoa văn bán với giá 60.000 – 65.000đồng/chiếc. Mỗi chiếc nón lá chứa đựng sự vất vả, kỳ công, không chỉ là kỹ thuật mà còn đòi hỏi nghệ thuật từ đôi bàn tay của những người phụ nữ của làng" - bà Võ Thị Tín (SN 1948, trú tại thôn Hòa Bình, xã Kỳ Thư), bật mí.

Hà Tĩnh: Làng nghề nón lá Đan Du gần một thế kỷ, nơi giữ hồn quê đất Việt - Ảnh 12.

Để hoàn thiện chiếc nón đưa đến người tiêu dùng, đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ. Ảnh: PV

Bà Thể kể cho phóng viên biết, những cô gái làng Đan Du xưa không chỉ nổi tiếng xinh đẹp, hát hay mà còn đan nón giỏi khiến biết bao chàng trai các nơi khác thầm thương trộm nhớ. Nhiều chàng trai khi đến mảnh đất xứ Đan Du đã không nén nổi cảm xúc nên dân gian có thơ rằng:

"Bàn tay em mềm mại dây tơ

Khâu chìm nổi quanh bờ nón trắng

Cho tôi thấy hiện trên khuôn trời mỏng

Nét dịu dàng con gái Đan Du".

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), cho biết: "Nghề làm nón ở xã Kỳ Thư xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ XX, khi có một người dân trong làng đi học nghề ở Quảng Bình sau đó về truyền nghề lại cho dân làng. 

Trước đây, người dân địa phương chủ yếu phát triển kinh tế từ nghề làm nón, những con em xã Kỳ Thư trước đây được ăn học thành tài cũng nhờ nghề nón đem lại. Là nghề lâu đời của địa phương nhưng thực tế đang dần bị mai một, hiện nay chỉ còn khoảng 300 người theo nghề nên chúng tôi rất lo".

"Địa phương đã thành lập 1 tổ hợp tác nhằm nhân rộng, phát triển làng nón lá Đan Du. Chúng tôi đang lên kế hoạch để đi học hỏi mô hình ở các địa phương như: Huế, Quảng Bình... để thay đổi mẫu mã, chất lượng nón nhằm phù hợp hơn đối với thị trường hiện nay. Trước đây nón được người dân làm để bán cho bà con hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhưng định hướng sắp tới của chúng tôi là nón sẽ trở thành sản phẩm du lịch, làm quà lưu niệm" - ông Nguyễn Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thư, nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem