Hai áp lực lên tỷ giá USD/VND sau quyết định tăng lãi suất của FED

Trần Giang Thứ bảy, ngày 17/12/2016 10:36 AM (GMT+7)
Quyết định tăng lãi suất thêm 0.25 điểm của FED đã tác động lên tỷ giá USD/VND. Theo đó, áp lực trực tiếp lên tỷ giá và áp lực dòng vốn sẽ là thách thức lớn của chính sách tỷ giá trong năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước.
Bình luận 0

img

Hai áp lực lên tỷ giá USD/VND sau quyết định tăng lãi suất của FED

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa chính thức nâng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 25 điểm. Đây là lần đầu tiên FED nâng lãi suất trong vòng 1 năm qua và là lần duy nhất trong năm 2016. FED cũng phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất ba lần trong năm 2017, thay vì hai lần như dự báo trước đó. Đến năm 2018, lãi suất liên bang được dự báo ở mức 2,125%.

Nhận định về quyết định nâng lãi suất của FED, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu, quản lý chính sách  kinh tế trung ương (CIEM) nhận định sẽ tác động mạnh lên tỷ giá USD/VND.

“Đối với  tỷ giá, Việt Nam sẽ phải chịu áp lực trực tiếp và gián tiếp. Theo đó, ngoài áp lực trực tiếp lên tỷ giá USD/VND, Việt Nam còn chịu áp lực từ các nước khác như Trung Quốc và những đồng tiền trong rổ tiền tệ của mình bị mất giá”, ông Thành phân tích.

Còn áp lực nữa, theo ông Thành, đó là áp lực dòng vốn và chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donal Trump. “Qua theo dõi thì thấy dòng vốn đang chảy về nước Mỹ. Áp lực này lớn đến đâu phụ thuộc vào điều kiện kinh tế vĩ mô và cách điều hành linh hoạt hơn của Việt Nam”, ông Thành bình luận.

Theo ông Thành hiện nay tỷ giá của Việt Nam đã điều hành linh hoạt theo biến động của thị trường. “Còn mình đẩy nhanh hay chậm phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô, điều kiện kinh tế bên ngoài, vì năm tới Mỹ còn có thể điều chỉnh lãi suất 2 -3 lần nữa. Nhưng quan trọng là cách điều hành làm sao phải chủ động, linh hoạt hơn, công tác truyền thông và giải trình sao cho rõ ràng”.

img

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu, quản lý chính sách kinh tế Trung ương (CIEM)

Ông Thành phân tích thêm, đây là thời điểm năm trước FED cũng điều chỉnh tăng lãi suất và một vài thời điểm NHNN cũng có ý thay đổi tỷ giá theo hướng đảm bảo cạnh tranh hơn nhưng thị trường tiền tệ lại kéo xuống. Nguyên do là nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn, thương mại hàng hóa thặng dư, cán cân thương mại thặng dư, nên NHNN tăng được dự trữ ngoại tệ.

“Điều ấy nói lên 2 điểm: tỷ giá với một nền kinh tế mở với sự dịch chuyển vốn linh hoạt thì chịu tác động của dòng vốn lớn và khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của hàng hoá vẫn cần đảm bảo sự hỗ trợ của tỷ giá, theo hướng đồng VND mất giá rất nhiều”, ông Thành nhận định.

Hiện nay đồng tiền của nhiều nước bạn hàng của Việt Nam mất giá khá mạnh, nhưng nếu VND chỉ mất giá danh nghĩa thì chưa chắc đã đảm bảo được năng lực cạnh tranh mà phải tính theo tỷ giá thực. Ví dụ VND mất giá mà lạm phát tăng quá cao thì vẫn không có ý nghĩa hỗ trợ trong khi đó nó lại liên quan tới lãi suất.

“Lạm phát cao do tác động của tỷ giá thì thị trường lại đòi hỏi lãi suất tăng, điều này có hại cho sản xuất kinh doanh. Tỷ giá tăng, đảm bảo hơn ít nhiều thì ở một nước như Việt Nam lại chuyển sang USD. Đây là thách thức lớn cho câu chuyện điều hành tỷ giá sắp tới. Những yếu tố mới, áp lực mới tạo áp lực cho chính sách điều hành tỷ giá”, ông Thành phân tích.

Ngay sau quyết định tăng lãi suất của FED, ngân hàng HSBC Việt Nam cũng đã phát đi thông điệp khuyến nghị rằng: “Theo tôi, NHNN nên xem xét tiếp tục hỗ trợ thanh khoản ngoại tệ, thông tin với thị trường khi có những tin tức quan trọng trên thị trường quốc tế và những ảnh hưởng của những tin tức này tới Việt Nam. Truyền thông những biện pháp NHNN sẽ áp dụng để giảm thiểu biến động mạnh, giữ lãi suất đồng VND và thanh khoản ở mức hợp lý”.

Tuy nhiên, sau quyết định tăng lãi suất cơ bản ngày 14.12, FED phát đi thông điệp cho thấy có khả năng sẽ điều chỉnh lãi suất 3 lần nữa trong năm 2017 và những cảnh báo dòng tiền đang đổ về Mỹ cho thấy có thêm áp lực trong chính sách lãi suất USD hiện nay của Việt Nam.

Hiện NHNN đang áp dụng chính sách trần lãi suất USD áp 0%/năm, điều này có thể gây bất lợi trong việc thu hút dòng tiền đổ vào Việt Nam và sẽ tạo áp lực đối với tỷ giá USD/VND. Đây cũng là một áp lực nữa đối với việc điều hành của NHNN xoay quanh tỷ giá USD/VND trong năm tới.

Tình huống đặt ra, nếu những yếu tố phân tích trên tác động mạnh tới tỷ giá USD/VND, NHNN có thay đổi chính sách lãi suất đối với đồng USD?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem