Hai đại án khiến đại gia Trầm Bê "ngã ngựa"

Chinh Hoàng Thứ năm, ngày 16/02/2023 14:53 PM (GMT+7)
Ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) vừa chấp hành xong hai bản án hình sự liên quan đến hai đại án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng gây thiệt hại 1.800 tỷ đồng và Ngân hàng Phương Nam (sáp nhập vào Ngân hàng Sacombank năm 2015) gây thiệt hại 505 tỷ đồng.
Bình luận 0

Vụ án liên quan Phạm Công Danh gây thiệt hại 1.800 tỷ đồng

TAND TP.HCM tuyên phạt ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) 4 năm tù vào ngày 6/8/2018. Theo hồ sơ, ông Trầm Bê đã đưa Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam - VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh) đến gặp Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank) để trao đổi về việc Danh muốn vay tiền.

Toàn cảnh hai đại án khiến “đại gia” Trầm Bê ngã ngựa - Ảnh 1.

Ông Trầm Bê vừa ra tù (10/2) sau khi chấp hành hai bản án tổng cộng 7 năm liên quan đến hai đại án sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) gây thiệt hại 1.800 tỷ đồng, Ngân hàng Phương Nam (sáp nhập vào Ngân hàng Sacombank năm 2015) gây thiệt hại 505 tỷ đồng. Ảnh: VNE

Sau đó, ông Trầm Bê thống nhất với Phan Huy Khang thực hiện cho Danh vay 1.800 tỷ đồng. 

Hồ sơ cho vay đều là các hồ sơ lập khống, các công ty vay vốn đều không có hoạt động kinh doanh, không thẩm định, không kiểm tra sau khi cho vay, bỏ mặc cho Danh sử dụng tiền vay trái quy định.

Hành vi của ông Trầm Bê bị VKS cáo buộc đã phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". VKS nhận thấy nhận thức của ông Trầm Bê về Luật Tổ chức tín dụng chưa chính xác nên dẫn đến sai phạm trong việc vay vốn tại Saccombank. Do đó, có đủ cơ sở để buộc tội bị cáo.

Theo cáo buộc của VKS, bị cáo Phan Huy Khang đã chỉ đạo cho các chi nhánh làm việc với Mai Hữu Khương (nguyên Thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc Ngân hàng VNCB chi nhánh Sài Gòn)  để vay vốn. Chính vì thế, gây ra hàng loạt sai phạm cho vay từ chi nhánh. Bị cáo Khang cho biết nhận chỉ đạo từ ông Trầm Bê. Hành vi của bị cáo gây thiệt hại cho VNCB 1.800 tỷ đồng.

Cũng theo VKS, hành vi của bị cáo Danh và đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng cho VNCB, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho hệ thống ngân hàng, cho nên cần áp dụng mức án nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe.

Tại vụ án này, ngày 6/8/2018 TAND TP.HCM quyết định tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh 20 năm tù, tổng hợp với hình phạt trong giai đoạn một của vụ án, bị cáo Danh nhận mức án tổng cộng 30 năm tù giam.

Bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) bị tuyên 10 năm tù, tổng hợp hình phạt cũ là 30 năm; Mai Hữu Khương (nguyên Thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc Ngân hàng VNCB chi nhánh Sài Gòn) lĩnh 10 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 30 năm tù. Ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) nhận 4 năm tù giam. Bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) 3 năm tù. Các bị cáo còn lại lĩnh từ 2 năm tù treo đến 4 năm tù giam.

Vụ án liên quan Dương Thanh Cường gây thiệt hại 505 tỷ đồng

Trong vụ án này, ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam) bị truy tố tội "Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP thương mại và xây dựng Bình Phát, gọi tắt Công ty Bình Phát, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH sản xuất xây dựng và thương mại Thanh Phát) bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Toàn cảnh hai đại án khiến “đại gia” Trầm Bê ngã ngựa - Ảnh 3.

HĐXX phúc thẩm ngày 14/12/2020 ở TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt ông Trầm Bê (61 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT NH Phương Nam) y án 3 năm tù, tổng hợp 4 năm tù trong "đại án" Ngân hàng thương mại CP Việt Nam (VNCB), lãnh mức án chung là 7 năm tù. Ảnh: Song Minh

Cáo trạng của vụ án này thể hiện, 2 doanh nghiệp, gồm: Công ty CP Xây dựng và Thương mại Bình Phát (Công ty Bình Phát) và Công ty TNHH Sản xuất - Xây dựng và Thương mại Thanh Phát (Công ty Thanh Phát) đều do Dương Thanh Cường thành lập và trực tiếp điều hành. 

Tháng 10/2007, Cường lấy danh nghĩa Công ty Thanh Phát mua 10,5ha đất nông nghiệp (thuộc 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - GCNQSDĐ) tại xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Sau đó, Cường mang 23 GCNQSDĐ đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh 6 (Agribank CN 6) thế chấp vay 628 tỷ đồng. Dù biết rõ khu đất trên đã có quyết định thu hồi nhưng Cường tiếp tục nại ra lý do hòng mượn lại 23 GCNQSDĐ và các hợp đồng chuyển nhượng từ Agribank CN 6.

Sau đó, Cường lại dùng 23 GCNQSDĐ làm tài sản bảo đảm tại Ngân hàng TMCP Phương Nam, vay trót lọt hơn 185 tỷ đồng. 

Ông Trầm Bê và 8 bị cáo là cán bộ, nhân viên Ngân hàng Phương Nam biết rõ Công ty Bình Phát không đủ điều kiện được cấp tín dụng nhưng vẫn thông qua hồ sơ, khiến Ngân hàng Phương Nam thiệt hại 505 tỷ đồng.

HĐXX phúc thẩm ngày 14/12/2020 ở TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt bị cáo Dương Thanh Cường 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tổng hợp với hình phạt chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mà Cường bị tuyên năm 2016, Cường bị tuyên mức án tù chung thân. HĐXX tuyên phạt ông Trầm Bê 3 năm tù. Tổng hợp 4 năm tù trong "đại án" Ngân hàng thương mại CP Việt Nam (VNCB), ông Trầm Bê lãnh mức án chung là 7 năm tù.

Ông Trầm Bê (SN 1959), quê quán Trà Vinh, lập nghiệp tại TP.HCM. Ông chấp hành 2 bản án hình sự tổng cộng 7 năm tù.

Cụ thể, vụ thứ nhất, ngày 6/8/2018, ông Trầm Bê bị TAND TP.HCM tuyên phạt 4 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" vì giúp sức cho Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng – VNCB, nay là CB) gây thiệt hại cho VNCB khoảng 1.800 tỷ đồng.

Vụ thứ hai, ngày 30/7/2020, TAND TP.HCM tuyên phạt ông Trầm Bê 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem