Hải Dương: Đầu vụ làm tốt điều này, khi nông dân Nam Sách gặt lúa thấy nặng tay hẳn

Thi Ngọc Thứ sáu, ngày 08/10/2021 11:40 AM (GMT+7)
Với mô hình cấy máy bằng mạ khay được áp dụng với giống lúa TBR 225, bà con nông dân huyện Nam Sách (Hải Dương) đang phấn khởi chờ đón một vụ mùa bội thu.
Bình luận 0

Lúa được mùa, nông dân phấn khởi

Theo ghi nhận của PV báo Dân Việt tại thôn Đông Phan, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, Hải Dương,  những cánh đồng lúa ở đây đang độ chín, bà con nông dân rất háo hức vì chuẩn bị được đón một vụ mùa bội thu.

Hải Dương: Cơ giới hóa trong trồng lúa tưởng năng suất thấp, ai ngờ bội thu - Ảnh 1.

Những bông lúa giống TBR 225 trĩu nặng trên cánh đồng thôn Đông Phan, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, Hải Dương, Ảnh: Thi Ngọc

Đây là cánh đồng lúa được trồng theo phương pháp mạ khay, cấy máy áp dụng với giống lúa TBR 225.

Trao đổi với PV, ông Mạc Thành Luân, nông dân xã Đồng Lạc phấn khởi cho biết, TBR225 là giống lúa cảm ôn, ngắn ngày, đẻ nhánh khỏe, dễ chăm sóc, mà lại ít sâu bệnh, cho năng suất lúa cao. "Giống lúa TBR225 kết hợp với phương pháp cấy máy bằng mạ khay giúp nông dân đỡ vất vả mà hiệu quả cao hơn cấy thường rất nhiều"- ông Luân chia sẻ. 

Hải Dương: Cơ giới hóa trong trồng lúa tưởng năng suất thấp, ai ngờ bội thu - Ảnh 2.

Ông Mạc Thành Luân, nông dân xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, bên ruộng lúa trĩu bông chờ thu hoạch cùa gia đình. Ảnh: Thi Ngọc

Ông Hoàng Phong Cách, Giám đốc HTX Đồng Lạc cũng chia sẻ, bà con nông dân ở đây rất phấn khởi.  Qua 2 vụ thấy năng suất rõ rệt, đạt gần 4 tạ/1 sào. "Trong vụ tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa giống lúa TBR 225 kết hợp với cấy máy, mạ khay vào mở rộng diện tích trồng để tăng hiệu quả cho bà con nông dân"- ông Hoàng Phong Cách cho biết.

Hải Dương: Cơ giới hóa trong trồng lúa tưởng năng suất thấp, ai ngờ bội thu - Ảnh 3.

Ông Hoàng Phong Cách, Giám đốc HTX Đồng Lạc chia sẻ niềm vui của bà con khi có vụ mùa bội thu. Ảnh: Thi Ngọc

Được biết, để thực hiện đề án "Phát triển diện tích cấy lúa bằng máy giai đoạn 2020 – 2025" của UBND tỉnh Hải Dương, vụ mùa 2021, huyện Nam Sách triển khai cấy bằng máy trên diện rộng tại các xã Nam Tân, Nam Hưng, Hợp Tiến, Quốc Tuấn, Thị Trấn Nam Sách, Đồng Lạc, An Lâm, Phú Điền, Cộng Hòa. Trong đó, huyện đã quy hoạch được 27 mô hình với diện tích 194,2 ha cấy máy tập trung.

Kết quả cho thấy, mô hình cấy máy bằng mạ khay đem lại hiệu quả cao hơn hẳn so với gieo thẳng, cấy thủ công. Đó là, giảm lao động thủ công, giảm chi phí lao động, giảm cây giống, giảm số lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Bí quyết cấy máy hiệu quả hơn cấy thường

Theo báo cáo của Phòng NNPTNT huyện Nam Sách, mặc dù số khóm/m2 của giống lúa được cấy bằng máy thấp hơn gieo thẳng nhưng số dảnh hữu hiệu/khóm cao hơn nên số bông hữu hiệu/m2 trên bông của giống cấy bằng máy cao hơn gieo thẳng. Ví dụ, giống TBR 225 cấy thẳng cho số bông hữu hiệu là 240 bông/ m2, trong khi đó cấy máy là 255 bông/m2, cao hơn 6%.

Cấy lúa bằng máy khoảng cách hàng cách hàng rộng hơn, do đó cung cấp đủ ảnh sáng cho lúa quang hợp, tỉ lệ hạt lép khi cấy bằng máy thấp hơn cấy thủ công. Đó cũng là yếu tố quan trọng cấu thành năng suất. Theo đó, lúa cấy bằng máy cho năng suất cao hơn gieo thẳng 5 - 7% (cấy thẳng cho 68,7 tạ/ 1ha, cấy máy cho 72,3 tạ/ 1ha).

Bên cạnh đó, chi phí cho cấy lúa bằng máy thấp hơn gieo thẳng khoảng 70.000 đ/sào. Hiệu quả kinh tế rõ rệt khi áp dụng cấy máy bằng mạ khay: lãi thu được cao hơn lúa cấy ngoài mô hình khoảng 170.000 đ/sào (tương đương khoảng 4.722.000 đ/ha).

Clip: Ông Mạc Văn Tuấn, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Nam Sách đánh giá phương pháp mạ khay, cấy máy. 

Trao đổi với PV, ông Mạc Văn Tuấn, Trưởng phòng NNPTNT huyện Nam Sách đánh giá, đây là vụ thứ 3 huyện áp dụng cấy máy bằng mạ khay. Đây là mô hình rất hiệu quả, đặc biệt được áp dụng với các giống lúa chất lượng cao như TBR 225, BC15, Kim Ngưu 8… 

"Áp dụng cấy máy bằng mạ khay là giải pháp tốt nhất để sản xuất vùng lúa hàng hóa tập trung "một vùng, một giống, một thời gian", giảm sức lao động thủ công, hạn chế nông dân bỏ ruộng, thuận lợi cho việc chỉ đạo và thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh kịp thời.

Do đó, vụ xuân năm 2021- 2022, huyện chúng tôi sẽ mở rộng mô hình cấy máy bằng cách tăng diện tích trồng lên gấp đôi hiện nay, khoảng  400ha", ông Tuấn chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem