Hải Dương: Nhiều phương tiện không được cấp "luồng xanh", nông dân gặp khó trong tiêu thụ nông sản

Thi Ngọc Chủ nhật, ngày 15/08/2021 20:21 PM (GMT+7)
Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ NNPTNT kiến nghị các ngành chức năng tạo điều kiện để nông sản lưu thông.
Bình luận 0

Báo cáo tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của Hải Dương với Bộ NNPTNT trong một hội nghị mới đây, ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, thu nhập của ngành nông nghiệp Hải Dương 6 tháng đầu năm tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái và tỉnh sẽ phấn đấu 6 tháng cuối năm tăng 3%.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Việt Anh, việc lưu thông vật tư, nông sản vẫn còn nhiều khó khăn. Thứ nhất là về nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ miền Nam không vận chuyến ra Bắc được, nhiều công ty phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng để tránh lây lan dịch bệnh. 

Phần lớn kho hàng trung chuyển của các công ty cung ứng lớn đặt ở Hà Nội nên việc xe ra vào để lấy hàng mang đi các tỉnh cũng rất khó khăn.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển sản phẩm đi các tỉnh lân cận, nhất là Hà Nội rất khó khăn, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo cấp phép "luồng xanh" xe vận chuyển lưu thông hàng hóa thiết yếu, nhưng nhiều xe vẫn phải tạm dừng vận chuyển do tăng chỉ phí, không đáp ứng đủ các điêu kiện để được cấp phép vào "luồng xanh". 

Ngoài ra, do vận chuyến bị ùn tắc trong thời gian dài nên việc duy trì các sản phẩm thủy sản tươi sống đề đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng cũng rất khó khăn.

Hải Dương: Đề xuất tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 1.

Ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương cho biết, nhiều xe vận chuyển nông sản của tỉnh Hải Dương vẫn gặp khó khăn. (Ảnh: Thi Ngọc)

Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đánh giá, tuy Hải Dương là tỉnh chịu nhiều thiệt hại nặng nề qua các đợt dịch Covid-19 so với các tỉnh khác, nhưng nông sản Hải Dương năm nay lại cho hiệu quả rất cao, chưa năm nào tốt như năm nay. 

Để có được kết quả như vậy, là do nông sản Hải Dương mang tính đặc thù và tỉnh đã sớm có nhận định chính xác về kế hoạch trồng cây vụ đông để thu hoạch vào đầu năm 2021. 

Dự kiến tình hình hàng nông sản Trung Quốc sẽ bị hạn chế vào Việt Nam do nước bạn bị ảnh hưởng lũ lụt, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng cây vụ đông tăng thêm từ 7- 8%.  

Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, cây trồng được mùa, việc tiêu thụ rất thuận lợi.

Hải Dương: Đề xuất tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ NNPTNT hỗ trợ các địa phương hệ thống kho lạnh. (Ảnh: Thi Ngọc)

Từ đó, ông Trần Văn Quân đề nghị Bộ NNPTNT cung cấp thông tin và dự báo kịp thời, chính xác nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu để địa phương kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất trong thời gian tới. Đề nghị Bộ có giải pháp cụ thể giúp Hải Dương tiêu thụ rau vụ đông tránh bị dư thừa, dồn ứ.

Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ NNPTNT hỗ trợ các địa phương hệ thống kho lạnh trong chuỗi logistic và công nghệ tồn trữ nông sản, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp.

Ông Quân đề nghị Bộ NNPTNT kiến nghị với ngành chức năng tạo điều kiện để các xe vận chuyển nông sản, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được qua các chốt kiểm soát Covid-19 đảm bảo theo nguyên tắc phòng dịch một cách thuận lợi nhất.

Đặc biệt, tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ NNPTNT nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm như Hải Dương để khuyến khích mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đã triển khai các biện phòng chống dịch hiệu quả. Đặc biệt, 2 tỉnh đã sớm khôi phục được sản xuất sau mỗi đợt dịch bùng phát; việc kết nối cung- cầu tiêu thụ nông sản có nhiều sáng tạo giúp phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu các tỉnh phải đi trước, đón đầu, xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ cụ thể cho các mặt hàng, không để hàng hóa, nông sản bị tồn đọng.

Để làm được điều này, các ngành, lực lượng phải cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cả người dân và doanh nghiệp, tạo chuỗi liên kết, tiêu thụ bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem