Hải Dương: Thả rông gà đặc sản trên đồi, bán gần 10.000 tấn/năm, nhiều nông dân thu hàng trăm triệu

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 24/12/2020 13:21 PM (GMT+7)
Với việc đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi gà đặc sản, trong những năm qua nhiều hộ gia đình ở tỉnh Hải Dương đã có cuộc sống khá giả. Hiện, Hải Dương có tổng đàn gà 12 triệu con, trong đó các giống gà như: Hồ lai, Ri lai, Mía lai... đang đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con.
Bình luận 0

Theo bà Phạm Thị Đào - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 14.800 triệu con, trong đó có 12 triệu con gà (chiếm 81% tổng đàn gia cầm). Sản lượng thịt hơi đàn gia cầm đạt khoảng 44 nghìn tấn, sản lượng trứng đạt khoảng 390 triệu quả.

Hiện, một số địa phương phát triển mạnh đàn gia cầm với số lượng lớn do có lợi thế về điều kiện tự nhiên, tập quán và truyền thống chăn nuôi như: Chí Linh, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Tứ Kỳ.

Cũng theo bà Đào, hiện nay, phương thức chăn nuôi gà tập trung, công nghiệp, bán công nghiệp tương đối phát triển, chăn nuôi nông hộ nhỏ giảm mạnh. Các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo VietGAHP được người chăn nuôi áp dụng ngày càng phổ biến.

Hải Dương: Nuôi gà đặc sản thả rông trên đồi, bán gần 10.000 tấn/năm, nhiều nông dân là triệu phú - Ảnh 1.

Nhờ nuôi gà đặc sản theo hình thức thả đồi, nhiều hộ chăn nuôi gà ở TP. Chí Linh (Hải Dương) đã thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Cùng với đó, sản xuất chăn nuôi theo chuỗi được hình thành, phát triển, xuất hiện nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định như: HTX chăn nuôi gà thương phẩm Tân Việt (huyện Thanh Hà), HTX chăn nuôi Toàn Thắng (huyện Tứ Kỳ), hội chăn nuôi gà thôn Phượng Hoàng (huyện Cẩm Giàng), mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học An Thắng Farm (huyện Tứ Kỳ)...

"Với việc chăn nuôi theo chuỗi, kết hợp với những con người có cùng tâm huyết, cũng có mục đích chăn nuôi bền vững, chủ động được thị trường tiêu thụ sản phẩm đã tránh được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa" - bà Đào nói.

Từ hiệu quả bước đầu đó, tỉnh Hải Dương đã có 406 trang trại chăn nuôi gà quy mô từ 3.000 con trở lên và 1.257 gia trại chăn nuôi gà quy mô từ 500 con trở lên. 

Trong đó, có 15 trang trại được chứng nhận đạt thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP và 25 cơ sở được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh, mỗi năm có gần 250.000 con gà thịt từ quy trình chăn nuôi VietGAHP cung cấp ra thị trường.

Gia đình ông Nguyễn Văn Đức, xã Lê Lợi (TP Chí Linh) chia sẻ, gia đình ông đã có thâm niên nuôi gà hơn chục năm. Ban đầu, gia đình ông cũng chỉ chăn nuôi theo phương thức nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Nhưng trải qua các lớp tập huấn về chăn nuôi gà cũng như học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các hộ chăn nuôi khác, đến nay đàn gà của gia đình ông đã có trên 1 vạn con.

"Đầu năm giá gà có giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng thời điểm hiện tại giá gà đang dần ổn định, luôn dao động ở mức từ 47.000 đồng đến 52.000 đồng/kg, tùy theo mẫu mã của con gà" - ông Đức cho biết.

Hiện nay, gia đình ông Đức chủ yếu nuôi giống gà Mía lai. Thường ngày ông cho gà uống mật ong ngâm tỏi để tăng cường sức đề kháng, chống chịu tốt hơn với dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt. 

Theo ông Đức, những chất dinh dưỡng cao từ mật ong không chỉ giúp đàn gà phát triển. Chúng còn giúp cho gà khỏe mạnh, phòng chống được một số bệnh cơ bản về hô hấp. 

Nhờ việc chăn nuôi gà bài bài, mỗi năm trừ chi phí, ông Đức có nguồn thu hàng trăm triệu đồng.

Hải Dương: Nuôi gà đặc sản thả rông trên đồi, bán gần 10.000 tấn/năm, nhiều nông dân là triệu phú - Ảnh 2.

Mô hình nuôi gà ri vàng rơm thương phẩm trên địa bàn TP Chí Linh (Hải Dương).

Theo ông Nguyễn Văn Huỳnh - Phó Chủ tịch UBND TP Chí Linh, hiện thành phố có 2.527 hộ chăn nuôi. Trong đó, 80% là chăn nuôi gà với các giống chủ yếu như: Chọi lai, Mía lai, Đông Tảo lai…

Năm 2014, nhãn hiệu tập thể "Gà đồi Chí Linh" đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận.

Ông Lục Văn Nhàn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ gà đồi Chí Linh cho biết, gà đồi Chí Linh có chất lượng thơm ngon, thịt săn chắc nhờ được nuôi bằng hình thức chăn thả trên đồi, rừng, không gian rộng nên gà có thời gian vận động nhiều.

Nguồn thức ăn của gà đồi Chí Linh đều do các cơ sở uy tín sản xuất trộn với ngô, thóc, ngoài ra còn được bổ sung các loại côn trùng ngoài rừng tự nhiên nên chất lượng thịt thơm ngon, săn chắc hơn các loại gà nuôi nhốt hoặc chăn thả nơi chật hẹp.

Theo ông Nhàn, mỗi năm, gà đồi Chí Linh cung cấp ra thị trường khoảng 8.000 - 9.000 tấn gà đồi chất lượng cao và được tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định... "Hiện trên thị trường, giá gà đồi Chí Linh thường cao hơn các loại gà nuôi ở nơi khác" - ông Nhàn tiết lộ.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh - Phó Chủ tịch UBND TP Chí Linh cho hay, mặc dù gà đồi Chí Linh đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà ở Chí Linh còn nhiều khó khăn, thiếu liên kết giữa hộ chăn nuôi với các doanh nghiệp tiêu thụ. Đặc biệt, hiện có rất ít cơ sở chế biến nên rất cần sự hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến để tiêu thụ, nâng cao giá trị cho sản phẩm gà đồi Chí Linh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem