Hải Dương: Trồng cà chua sạch, doanh nghiệp tới tận ruộng thu mua

Đức Thịnh Thứ bảy, ngày 22/05/2021 10:19 AM (GMT+7)
Hiện các cấp Hội ND tỉnh Hải Dương đã xây dựng được hơn 400 mô hình kinh tế tập thể. Hơn 80% số cơ sở Hội trong tỉnh có ít nhất 1 mô hình sản xuất nông sản sạch.
Bình luận 0

Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cà chua an toàn xã Nhân Huệ, TP.Chí Linh được Hội ND xã thành lập tháng 4/2019 với 35 thành viên, quy mô sản xuất 5ha cà chua. Ngay sau khi thành lập, Hội ND tỉnh đã hỗ trợ mỗi hội viên 200.000 đồng/sào, biển tên mô hình, túi lưới và tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Chua- Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cà chua xã Nhân Huệ cho biết: Liên tiếp 2 năm nay, các hộ trồng cà chua trong tổ hợp tác đều có thu nhập khá. Đặc biệt năm 2020, do thời tiết thuận lợi nên năng suất cà chua của mô hình đạt cao hơn khoảng 1 tạ/sào so với các hộ ngoài mô hình. Giá cà chua cũng cao hơn so với mọi năm, mỗi kg từ 13.000-15.000 đồng, mỗi sào cho năng suất khoảng 2 tấn, bà con thu lãi từ 15-20 triệu đồng/sào. Sản phẩm thu hoạch đến đâu được Công ty CP Greenfarm tiêu thụ hết đến đó.

Trồng cà chua sạch, doanh nghiệp tới tận ruộng thu mua - Ảnh 1.

Lãnh đạo Hội ND tỉnh Hải Dương thăm mô hình cà chua ở xã Nhân Huệ, TP.Chí Linh. Ảnh: Đức Thịnh

Sau thành công của mô hình trên, năm 2021, Hội ND xã Nhân Huệ tiếp tục ra mắt Tổ hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ cà rốt an toàn. Hải Dương có 21.302ha rau màu, 21.520ha cây ăn quả. Nhiều vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cao đã bước đầu hình thành theo hướng hàng hóa.

Nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất an toàn, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng nên Hội ND tỉnh Hải Dương đã chủ động phối hợp với các ban, ngành để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn. Đến nay, các cấp Hội ND trong tỉnh đã xây dựng được 413 mô hình kinh tế tập thể. Hơn 80% số cơ sở hội trong tỉnh có ít nhất 1 mô hình sản xuất nông sản sạch.

Nhiều sản phẩm có bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, có hiệu quả kinh tế cao như na an toàn ở Hoàng Tiến, thanh long an toàn ở Hoàng Hoa Thám (TP.Chí Linh); cam VietGAP ở Thất Hùng (Kinh Môn); ổi, rau VietGAP ở Liên Mạc (Thanh Hà); rau an toàn ở Đoàn Thượng, Toàn Thắng, Phạm Trấn, Lê Lợi (Gia Lộc)…

Ông Phạm Đức Hội- Trưởng Ban Kinh tế - xã hội (Hội ND tỉnh) cho biết: "Các cấp Hội đang quản lý 15 nhãn hiệu tập thể cho nông sản đặc trưng vùng. Hội ND cũng tích cực kết nối với các Công ty: CP GreenFarm Mộc Châu, TNHH Rau củ quả an toàn Thanh Hà; HTX Sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt, các chuỗi cửa hàng Vinmart, Co.op... liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hội viên nông dân".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem