Hải Dương: Vào tổ hợp tác trồng cà chua, nông dân thu lợi cao hơn

Đức Thịnh Thứ sáu, ngày 12/06/2020 05:00 AM (GMT+7)
Tổ hợp tác (THT) sản xuất và tiêu thụ cà chua an toàn xã Nhân Huệ, phường Chí Linh, TP. Hải Dương được thành lập tháng 4/2019.
Bình luận 0

Bà Nguyễn Thị Thuỷ - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương cho biết: Ngay sau khi thành lập THT, Hội ND tỉnh Hải Dương đã phối hợp Hội ND TP.Chí Linh tổ chức 2 lớp tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất cà chua theo hướng an toàn; kỹ thuật thu hoạch, bảo quản, đóng gói; kiến thức tham gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm cà chua cho trên 120 lượt hội viên nông dân xã Nhân Huệ, trong đó có toàn thể các thành viên THT sản xuất và tiêu thụ cà chua tham dự.

Trong quá trình sản xuất, cán bộ kỹ thuật của Hội ND tỉnh phối hợp với Hội ND xã, tổ trưởng, tổ phó thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để khuyến cáo nông dân bón phân tưới nước đúng kỹ thuật; phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc "4 đúng".

Hội ND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí sản xuất là 31,5 triệu đồng, tương ứng hơn 200.000 đồng/sào. Hội ND tỉnh cũng hỗ trợ biển tên mô hình; hỗ trợ túi lưới và tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm cà chua.

Vào tổ hợp tác trồng cà chua, thu lợi cao hơn  - Ảnh 1.

Đoàn công tác của T.Ư Hội NDVN thăm mô hình trồng cà chua an toàn tại xã Nhân Huệ. ảnh Đức Thịnh

Ông Nguyễn Văn Chua – Tổ trưởng THT sản xuất và tiêu thụ cà chua xã Nhân Huệ cho biết: Diện tích trồng cà chua của xã khoảng trên 20ha, song được trồng manh mún, phân tán, chưa thành vùng tập trung quy mô lớn. Tham gia mô hình THT sản xuất và tiêu thụ cà chua an toàn, các hộ trồng cà chua ở xã Nhân Huệ đã cùng liên kết mua giống, phân bón, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm… nên hiệu quả kinh tế cao hơn.

"Cụ thể về giống, phân bón: Toàn thể các thành viên mô hình đã thảo luận, thống nhất cùng mua giống cà chua Saviơr ghép trên gốc cà tím, mua phân bón theo phương thức chậm trả thông qua đầu mối cung ứng là tổ trưởng THT. Về tiêu thụ sản phẩm: Cán bộ Hội ND các cấp và tổ trưởng tổ hội đã liên hệ với các doanh nghiệp, công ty thu mua nông sản để tiêu thụ sản phẩm cho mô hình. Kết quả, khoảng 50% sản phẩm cà chua được đóng gói, tiêu thụ bởi Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu với giá cao hơn giá thị trường là 1.000 đồng/kg; 50% sản phẩm còn lại được tổ trưởng thu mua để cung cấp cho các bếp ăn khu công nghiệp"- ông Chua thông tin.

Ông Chua khẳng định: "Do liên kết chặt chẽ, tiết kiệm được chi phí sản xuất, không bị tư thương ép giá nên các hộ trồng cà chua tham gia mô hình có lợi nhuận cao hơn so với các hộ trồng ngoài mô hình khoảng hơn 2 triệu đồng/sào".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem