Hai năm "thuận tự nhiên", diện mạo Đồng bằng Sông Cửu Long thay đổi ra sao?

18/06/2019 20:55 GMT+7
Hội nghị “Đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)”. Hội nghị hứa hẹn sẽ tổng kết lại những hoạt động, cùng với những thành tựu, vấn đề còn tồn đọng cần phải giải quyết sau 2 năm.

Những chuyển biến của ĐBSCL sau 2 năm thực hiện “thuận tự nhiên”

“Thuận tự nhiên” là chính sách phát triển bền vững ĐBSCL và giúp người dân ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Sau 2 năm thực hiện, nhờ sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng sự giúp sức của quốc tế, vùng ĐBSCL đã có những chuyển biến tích cực và cụ thể, điển hình như:

Tăng trưởng GDP 7,8% ấn tượng, cao nhất trong 4 năm trở lại đây; kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD; diện mạo nông thôn được khởi sắc, có nhiều đổi mới.

Có sự chuyển dịch cơ cấu tích cực: Sản xuất nông nghiệp: tăng các ngành có lợi nhuận cao như thủy sản, trái cây, giảm tỉ trọng cây lúa. Hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực như tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây và gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản. Công nghiệp đi vào tập trung phát triển công nghiệp xanh, ít chất thải độc hại. Khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái xanh, thân thiện môi trường như năng lượng gió và năng lượng mặt trời…

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các cánh đồng mẫu, trồng các giống lúa mới của một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tại An Giang, ngày 14/3/2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong lĩnh vực giao thông, Chính phủ đã quan tâm đầu tư để hoàn thành kết nối các công trình, dự án thủy lợi để ngăn chặn xâm nhập mặn, triều cường ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Nhiều địa phương đã chủ động làm mới mình bằng cách thay đổi mô hình kinh tế thuận tự nhiên, thân thiện môi trường khi áp dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao để đối phó với biến đổi khí hậu. Không những chú trọng vào các mô hình có tính chất bền vững, vùng còn phát triển, cải tạo các giống cây trồng để vừa thích hợp với môi trường tự nhiên, vừa phát huy được những lợi thế sẵn có của vùng. Các công trình cấp nước sạch, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường cũng đặc biệt được chú trọng để đáp ứng nhu cầu nước  sạch cho người dân trong sản xuất và sinh hoạt.

Những thuận lợi để “thuận tự nhiên” thành công

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Ông Trần Hồng Hà chia sẻ: Trước hết, không thể không nhắc tới những chỉ đạo chiến lược chính xác và kịp thời của Đảng, Nhà nước và Chính Phủ. Thực tế đã chứng minh sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, việc kế thừa thành quả của các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích hợp, lồng ghép kết quả của các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, các dự án phát triển đã và đang được các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện trong những năm qua vào quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết đã tạo đà mạnh mẽ cho ĐBSCL.

 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Ông Trần Hồng Hà chia sẻ với phóng viên

Đi kèm với những chỉ đạo sát sao ấy là sự vào cuộc quyết liệt của từng Bộ, ngành, địa phương và người dân với sự quyết tâm thực hiện cao độ. Sự vươn lên mạnh mẽ của người dân kết hợp với tri thức đã hoàn toàn mang đến một diện mạo mới cho vùng. Tuy nhiên không thể không kể đến sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Chính họ đã tham gia mạnh mẽ vào quá trình thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chuỗi giá trị và tạo nguồn vốn mạnh mẽ cho phát triển ĐBSCL.

Một sự giúp đỡ về cả vật chất lẫn tri thức không thể thiếu là các tổ chức quốc tế, đối tác nước ngoài. Thông qua các chương trình, dự án phát triển ĐBSCL, họ đã tích cực tham gia và ủng hộ nguồn lực vô cùng mạnh mẽ, tích cực.

Những hạn chế còn tồn tại trong triển khai chiến lược “thuận tự nhiên”

Chia sẻ với báo chí, ông Hà đã nêu ra một số tồn tại cũng như nguyên nhân trong việc thực hiện "thuận tự nhiên" như:

Việc hoàn thiện thể chế, chính sách triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 120/NQ-CP vẫn còn chậm, đặc biệt, các chính sách đẩy mạnh phát triển của các ngành, lĩnh vực then chốt tại ĐBSCL. Điều này khiến cho các địa phương cùng lúng túng trong việc thực hiện và trông chờ vào sự hướng dẫn, nguồn ngân sách Nhà nước. Cách để khai thác nguồn nội lực chưa hiệu quả nên chưa được sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp, người dân.

Chưa thiết lập được một hệ thống điều phối chung để có thực hiện kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ, dẫn tới nhiều nơi còn phân tán, chưa tập trung.

Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL đang trong quá trình xây dựng, chưa thể định hướng để các Bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực cũng như tạo cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư, tăng cường kết nối liên vùng.

Nguồn nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ còn thiếu, chưa thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thực tiễn.

Tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai tại vùng có  những diễn biến thất thường, nhanh hơn so với dự kiến như việc sụt lún, sạt lở vẫn còn chưa thể khống chế,…

 

Những con kênh phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng ở huyện An Biên bị nhiễm mặn trầm trọng. (Nguồn: TTXVN)

Cuối cùng là viêc vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với thách thức từ các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.

Những chiến lược lâu dài cho "thuận thiên" trong thời gian tới

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách để các địa phương, người dân và doanh nghiệp có thể hiểu và áp dụng thực tiễn nhanh chóng. Đi kèm với đó là sự đô thị hóa đi kèm thân thiện và bảo vệ môi trường.

Cần nhanh chóng nghiên cứu và áp dụng hệ thống khoa học kĩ thuật, áp dụng thành quả khoa học, công nghệ cao vào sự phát triển bền vững của ĐBSCL.

Thực hiện công tác quy hoạch vùng, đồng thời liên kết vùng với TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên để vừa có thể kết hợp  được sức mạnh của vùng, vừa có thể áp dụng đồng bộ các giải pháp để thích ứng biến đổi khí hậu.

Tiếp tục quan tâm, đầu tư cho các dự án đê điều, khắc phục sự sạt lở, xâm nhập mặn, hướng dẫn thực hiện các giải pháp kỹ thuật, xử lý khẩn cấp những đoạn sụt lún, sạt lở trọng điểm.

Thi hành các chính sách để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước. Kết hợp các yếu tố quốc tế với các nguồn nội lực trong nước để phát huy tổng thể sức mạnh nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Mai Trang
Cùng chuyên mục