Hải Phòng: Hàng trăm tỷ đồng đầu tư du lịch sinh thái, 6 doanh nghiệp bất ngờ bị biến công thành tội

Vũ Thị Hải Thứ năm, ngày 01/10/2020 14:21 PM (GMT+7)
Du lịch Cát Bà đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhà hàng, khách sạn, bãi tắm… vắng teo. Nhưng với 6 doanh nghiệp làm du lịch liên kết với VQG Cát Bà, tai họa treo trên đầu họ không chỉ là dịch bệnh mà còn việc UBND TP.Hải Phòng buộc họ phải dỡ bỏ các công trình du lịch sinh thái trên đảo.
Bình luận 0

Đem tiền "ném" xuống biển

6 doanh nghiệp đó là: Công ty đầu tư thương mại và dịch vụ Đông Kinh, Hải Phòng;  Công ty cổ phần thương mại Tùng Long, Hải Phòng; Công ty cổ phần thương mại Thanh Bình, Hải Phòng; Công ty cổ phần du lịch Cát Dứa Hải Phòng; Công ty TNHH du lịch dịch vụ thủy sản TM Thùy Trang, Hải Phòng; Công ty TNHH Đảo Cát, Hải Phòng. 

Đây là những doanh nghiệp tiên phong mở đường cho du lịch Cát Bà tạo nên những điểm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái tại những hòn đảo hoang trên Vịnh Lan Hạ từ thuở sơ khai.

Hải Phòng: 600 tỷ đầu tư du lịch sinh thái, 6 doanh nghiệp bất ngờ bị biến công thành tội - Ảnh 1.

Các công trình du lịch sinh thái sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường tại khu du lịch Monkey Island (đảo Cát Dứa 2).

Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đổ cả núi tiền ra để đầu tư du lịch tại hòn đảo heo hút, đầu sóng ngọn gió trên Vịnh Lan Hạ, ông chủ của khu nghỉ dưỡng Monky Island trên đảo Cát Dứa 2 - người được dân đảo Cát Bà gọi với cái tên "Mãn khùng", "Giám đốc quần sooc",  không kìm được xúc động, nhiều lần khóc nấc lên như một đứa trẻ.

Hơn chục năm trước, vợ chồng ông Trịnh Phúc Mãn và bà Trần Thị Cúc đã là những doanh nhân thành đạt, sở hữu 3 khách sạn giữa trung tâm quận Hoàn Kiếm, đoàn xe du lịch lữ hành hơn 30 chiếc và 1 biệt thự ở quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội. 

Công ty du lịch của gia đình ông Mãn lúc đó thường xuyên có những đoàn khách Tây đặt lịch đi Cát Bà, được kết nối đưa ra khu nghỉ dưỡng Nam Cát - một địa điểm du lịch sinh thái trên Vịnh Lan Hạ do nhân viên của Vườn Quốc gia được giao đầu tư xây dựng. 

Cũng chính vì vậy, ông Mãn đã "lọt mắt xanh" của lãnh đạo Vườn Quốc gia Cát Bà khi họ thực hiện chủ trương thúc đẩy chương trình du lịch tại đây. 

Cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Vườn Quốc gia Cát Bà và chuyến đi "thần tốc" vào cái hôm định mệnh đó, cho đến nay, ông Mãn vẫn nhớ như in. Sau bữa cơm trưa tại Hà Nội, ông Mãn lên xe cùng cán bộ của Vườn Quốc gia trở về Cát Bà. 

Cả đoàn lên tàu thăm Vịnh Lan Hạ. Ông Mãn bất ngờ và choáng ngợp, Vịnh Lan Hạ là một địa điểm du lịch lý tưởng đối với du khách nước ngoài chưa được khai phá. 

Vị doanh nhân Hà Thành đã quyết định chấp nhận thử thách, chấp nhận là người mở đường dù ông biết rằng, để đầu tư được một địa điểm dừng chân cho du khách bắt đầu từ con số không nơi đảo hoang, nơi đầu sóng ngọn gió là vô cùng mạo hiểm, không khác gì ném tiền xuống biển.

Biết được việc làm mạo hiểm của ông, bà Cúc đã không tiếc lời can ngăn nhưng cũng đành chấp nhận bởi bà hiểu tính nết của chồng đã quyết làm cái gì là làm đến cùng. Cũng từ đó, bạn bè đặt thêm cho ông cái biệt danh mới "Mãn khùng".

"Trên đảo lúc đó ngập ngụa rác. Tôi phải mua riêng một chiếc thuyền và thuê người nhặt rác, chở rác kẽo kẹt 6 tháng mới hết. Ngoài đảo không điện, không nước. 5 giờ chiều phải chui vào màn ăn cơm để tránh muỗi. 

Kinh nhất là có đêm, đang ngủ thì bị rắn bò qua bụng. Một con rắn cạp nong, may không bị nó cắn. Nhiều lần phải ăn cơm với cát vì nồi cơm vừa nấu xong thì bị khỉ hất đổ. Giờ ngồi nghĩ lại, 5 năm đầu tại đây là nỗi kinh hoàng đối với tôi, nhất là mùa bão về. 

Nhìn những gì mình vừa gây dựng, qua một trận bão bị quét sạch thật là đau xót. Đó là những năm tháng tôi không bao giờ quên" - ông Mãn nghẹn ngào chia sẻ.

Sau việc dọn rác, là đến việc tôn tạo bãi tắm. Hàng trăm ngàn khối cát trắng đã được mua và vận chuyển từ đảo Quan Lạn (Quảng Ninh) chuyển về. Đảo Cát Dứa nằm phía ngoài Vịnh, đối diện thường xuyên với sóng to gió lớn. 

Trong khi đó, theo quy định của Vườn Quốc gia để bảo tồn thiên nhiên, cơ sở không được xây dựng bằng bê tông. Do đó, khu lưu trú ở đây chỉ được dựng bằng những vật liệu thân thiện với môi trường như gỗ, tre, nứa. 

Những công trình được dựng bằng vật liệu này thực sự mong manh trước biển. Những năm đầu chưa có kinh nghiệm, sau mỗi mùa mưa bão, bao tâm huyết, vốn liếng của ông lại bị trôi ra biển, rồi ông lại quyết tâm làm lại từ đầu. Tính ra, làm được một căn nhà nghỉ cho khách lưu trú ở đây, tốn kém gấp 4-5 lần nếu được xây dựng bằng gạch, xi măng.

Hải Phòng: 600 tỷ đầu tư du lịch sinh thái, 6 doanh nghiệp bất ngờ bị biến công thành tội - Ảnh 2.

Để có bãi cát phục vụ nhu cầu tắm biển của du khách, doanh nghiệp đã phải mua hàng vạn m3 cát từ đảo Quan Lạn (Quảng Ninh) chuyển về.

Còng lưng gánh nợ

Để dồn tiền đầu tư vào khu du lịch đảo Cát Dứa, gia đình ông Mãn đã lần lượt bán hết những gì ông đã gầy dựng từ nhiều năm trước đó. 3 khách sạn giữa trung tâm Thủ đô, 30 đầu xe chở khách và cuối cùng là căn nhà biệt thự cũng không giữ được.

"Càng đầu tư, tôi càng "ngấm" cái danh hiệu "khùng", 'điên" mà bạn bè, người thân đặt cho khi quyết định đầu tư ra đảo. Tôi đã bật khóc khi đọc được dòng nhật ký của đứa con gái nhỏ khi phải rời bỏ ngôi nhà bố mẹ bán lấy tiền trả nợ.

Nhưng tôi vẫn tin vào sự thành công trong tương lai bởi với công sức ngần ấy năm, với số tiền khủng đã bỏ ra, Monkey Island hôm nay đã thực sự là một điểm đến đáng nhớ trong lòng du khách. Nhiều lãnh đạo thành phố, lãnh đạo huyện Cát Hải qua các thời kỳ khi đến thăm đảo đều ghi nhận và động viên tôi, khiến tôi luôn vững tin vào con đường mình đã chọn" - ông Mãn cho hay.

Cho đến nay, ông Mãn không còn đơn thương độc mã với đảo, gia đình 3 thế hệ của ông Mãn đã cùng nhau về đây để đồng cam cộng khổ, sống chung với biển. 

Khu du lịch đảo khỉ - Monkey Island (hay đảo Cát Dứa 2) của gia đình ông Mãn đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ du khách, có tên trên bản đồ du lịch Cát Bà và hiển hiện trang đầu khi tra trên công cụ tìm kiếm Google.

Trong suốt cuộc trò chuyện với doanh nhân Trịnh Phúc Mãn, ông Nguyễn An Bình - một doanh nhân của Hải Phòng cũng không ít lần lén lau nước mắt. Ông xúc động, chia sẻ với câu chuyện của ông Mãn và đồng cảm bởi hoàn cảnh của ông cũng giống như vị doanh nhân này.

Cũng được lãnh đạo Vườn Quốc gia Cát Bà mời gọi đầu tư, gia đình ông Bình đã bán hàng loạt cửa hàng, nhà cửa giữa trung tâm thành phố Hải Phòng để lấy tiền đầu tư khu du lịch sinh thái tại khu vườn vải trung tâm Vườn Quốc gia. 

Bà Lan vợ ông cũng đã hết lời khuyên can nhưng ông vẫn quyết chí ra đảo. Cũng chính vì thế, không ít lần vợ chồng ông bất hòa, nhiều lần đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Cuối cùng vợ ông cũng đồng lòng, chia sẻ cùng chồng trong những ngày gian khó.

Hải Phòng: 600 tỷ đầu tư du lịch sinh thái, 6 doanh nghiệp bất ngờ bị biến công thành tội - Ảnh 3.

Căn nhà gỗ được đầu tư để đón khách nghỉ chân khi thăm quan Vườn quốc gia Cát Bà của Công ty CP Thương mại Thanh Bình bị dừng hoạt động mấy năm nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Không chỉ ông Mãn, ông Bình, hàng loạt những doanh nhân khác như bà Bùi Thị Díu, ông Nguyễn Hoàng Việt, ông Trần Tuấn Anh, ông Nguyễn Trung Dũng là những người đã tiên phong nghe theo lời kêu gọi đầu tư của lãnh đạo Vườn Quốc gia Cát Bà, đổ tiền của, công sức để xây dựng nên những Monkey Island, Castaway Island Resort, khu nghỉ dưỡng Nam Cát, Catba Ecology Resort… đang là những điểm nhấn ấn tượng cho du lịch Cát Bà, những sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo có thể níu chân du khách quốc tế, góp phần đưa du lịch Cát Bà vươn tầm thế giới. 

Một số điểm nghỉ dưỡng tại đây như Khách sạn nghỉ dưỡng đảo Tháp Nghiêng (Cty CP Thương mại Tùng Long), Khu du lịch sinh thái Nam Cát (Cty TNHH Du lịch dịch vụ thủy sản, thương mại Thùy Trang)… đã được Sở Du lịch Hải Phòng cấp tiêu chuẩn cơ sở lưu trú hạng sao và được các cơ quan chức năng chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và đạt tiêu chuẩn gắn nhãn hiệu Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà.

Nhiều năm đầu tư du lịch sinh thái, doanh nghiệp không nhận được bất cứ ý kiến phản hồi tiêu cực nào từ các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực xây dựng, môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy về các hoạt động đầu tư, tổ chức du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia.

Mọi việc vẫn diễn ra thuận chiều cho đến khi một doanh nghiệp lớn có đề xuất đầu tư du lịch trên  đảo Cát Bà vào cuối năm 2017. 

Bắt đầu từ đó, thời thế thay đổi, những cố gắng của lãnh đạo Vườn Quốc gia Cát Bà khi mời gọi đầu tư vào du lịch sinh thái, những công trình được tạo nên từ mồ hôi và nước mắt của doanh nghiệp bỗng chốc bị đổi chiều ngược lại từ có công thành có tội. 

Đầu tiên là quyết định hủy bỏ Quyết định số 2360/QĐ-UB ngày 11/09/2017 của UBND thành phố về việc phê duyệt đề án cho thuê môi trường rừng. 

Đây là đề án được Vườn Quốc gia Cát Bà xây dựng theo chỉ đạo của UBND thành phố Hải Phòng trước đó 3 năm để hoàn thiện công tác quản lý đối với mô hình du lịch sinh thái kết hợp với bảo vệ rừng sau quá trình hoạt động thí điểm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục đầu tư theo lộ trình, yên tâm phát triển du lịch địa phương.

Sau khi hủy bỏ đề án cho thuê môi trường rừng, UBND thành phố yêu cầu Vườn Quốc gia Cát Bà phải thanh lý các hợp đồng đã liên doanh liên kết.

Tiếp đến là dồn dập những cuộc thanh tra, kiểm tra, những cuộc "bới lông tìm vết" để thực hiện mục tiêu "dỡ bỏ các công trình vi phạm". Sóng gió sầm sập "đổ" xuống đầu các doanh nghiệp.

Để làm rõ hơn về mục đích, quyết tâm dỡ bỏ các công trình du lịch tại Vườn Quốc gia Cát Bà, PV Dân Việt đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Tùng- Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đề nghị gặp và trao đổi, tuy nhiên, ông Tùng không nghe máy và cũng không trả lời tin nhắn.

Ngày 30/9, chúng tôi cũng đã liên hệ với ông Phạm Hưng Hùng- Chánh văn phòng UBND Thành phố Hải Phòng để đặt lịch làm việc với lãnh đạo thành phố nhưng ông Hùng từ chối với lý do thời gian này các lãnh đạo đều rất bận chuẩn bị Đại hội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem