Hai thái cực lợi nhuận của các ngân hàng

23/06/2020 09:54 GMT+7
Trong khi ngân hàng nhỏ đặt mục tiêu tăng trưởng lên tới trên 100% lợi nhuận trong năm 2020, thì nhiều ông lớn ngân hàng lại thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2020, thậm chí là tăng trưởng âm so với năm 2019.

Ghi nhận tại các ngân hàng đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) cho thấy có sự phân hoá mục tiêu lợi nhuận giữa các ngân hàng.

Đơn cử như tại ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank). Mặc dù đã tổ chức ĐHĐCĐ nhưng Vietinbank không đưa ra mục tiêu lợi nhuận cụ thể. 

Tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lên kế hoạch kinh doanh năm nay từ đầu tháng 3, với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 12.500 tỷ đồng, bằng 116% thực hiện năm 2019.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng cũng nhấn mạnh thêm, kế hoạch kinh doanh năm 2020 mà ban lãnh đạo trình cổ đông thông qua lần này là kịch bản tích cực nhất. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, BIDV sẽ cố gắng hết sức hoàn thành kế hoạch được đại hội giao nhưng theo hướng linh hoạt, có thể sẽ điều chỉnh các chỉ tiêu trong trường hợp cần thiết và báo cáo với cổ đông.

Dù chưa tổ chức ĐHĐCĐ, nhưng trong tài liệu chuẩn bị cho kỳ đại hội tổ chức vào ngày 26/6 tới, Vietcombank cho biết, lợi nhuận của nhà băng này năm 2020 sẽ có thể lên tới 25.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu như Vietcombank tăng vốn thành công trong năm 2020 này. 

Năm ngoái, chủ tịch nhà băng này, ông Nghiêm Xuân Thành từng nhiều lần nhắc đến mục tiêu lợi nhuận 25.000 tỷ trong năm nay.

Ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nếu như mọi năm những cái tên như Techcombank, VPBank hay ACB đều đặt chỉ tiêu khá tham vọng, thì năm nay cũng dè chừng đáng kể.

Trong đó, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) tăng 1%, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) giảm 1%, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng 1%.

Ở các nhà băng khác, kế hoạch lợi nhuận năm nay cũng thận trọng chứ không thấy đột biến như mọi năm, phổ biến là sụt giảm 10-20% như ngân hàng Sài gòn thương tín (Sacombank) đặt mục tiêu 2.573 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi đó năm 2019 là 3.217 tỷ đồng.

Còn MB, ngày 24/6 tới đây sẽ ĐHĐCĐ, ngân hàng cũng đang ước tính lợi nhuận giảm khoảng 10% do tác động của dịch bệnh. Như vậy, lợi nhuận năm nay của MB sẽ rơi xuống khoảng 9.000 tỷ đồng.

Trong khi các ông lớn dè dặt và thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2020, thì một số ngân hàng cổ phần vừa và nhỏ lại lạc quan với chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020.

Ví dụ như tại ĐHĐCĐ MSB đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2020 đạt 1.439 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019; tổng tài sản 170 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng đạt 81,5 nghìn tỷ đồng; huy động vốn đạt 99 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%.

Tương tự, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận 4.400 tỷ đồng, tức tăng tới 36% so với năm ngoái; Nam A Bank với lợi nhuận trước thuế hợp nhất mục tiêu đạt 1.000 tỷ đồng, được tính toán trên cơ sở tăng trưởng tín dụng đạt được mức kế hoạch đề ra và phù hợp quy định, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định.

Hay như với VietABank, đại hội đồng cổ đông ngân hàng đã thông qua các báo cáo và tờ trình với tổng tài sản đạt 85.079 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 405 tỷ đồng. Năm 2019, tổng tài sản ngân hàng này đạt 76.525 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 276 tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2018...

Thậm chí một ngân hàng có vốn điều lệ chỉ 3.000 tỷ như PG Bank còn tham vọng lợi nhuận tăng trưởng tới 112%, đạt 190 tỷ đồng trong năm 2020.

Hai thái cực lợi nhuận của các ngân hàng - Ảnh 2.

Ghi nhận tại các ngân hàng đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) cho thấy có sự phân hoá mục tiêu lợi nhuận giữa các ngân hàng. (Ảnh minh họa)

Tuy lợi nhuận hiện đang ở 2 thái cực khác nhau nhưng nếu nhìn vào tổng thể, theo dự đoán của các công ty chứng khoán, lợi nhuận của các ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán (18 ngân hàng) năm nay sẽ giảm ít nhất 10%.

Còn báo cáo cập nhật nhanh tác động của dịch Covid-19 tới ngành ngân hàng do SSI Research cũng đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận trước thuế đối với 10 ngân hàng quy mô lớn được nghiên cứu, giảm 11,1% và giảm 16,4% so với dự báo trước đây để phản ánh tác động của dịch Covid-19 đối với kịch bản cơ sở và kịch bản xấu nhất.

Trong đó, kịch bản cơ sở cho rằng, dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào cuối quý 2/2020, trong khi đối với kịch bản xấu nhất, dịch bệnh sẽ không được kiểm soát đến cuối năm 2020. Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng dự báo sẽ có mức tăng 7,2% và 0,8% so với cùng kỳ cho hai kịch bản được đề cập.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục