Hàng loạt công trình sai phạm vẫn tồn tại ở Hà Nội: Chuyên gia nói thẳng sự thật

Thái Nguyễn Thứ năm, ngày 01/09/2022 08:01 AM (GMT+7)
Những năm qua, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng loạt dự án vi phạm quy hoạch, sai phạm xây dựng tại Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay nhiều công trình sai phạm vẫn tồn tại sau hàng chục năm, trong đó có những công trình phạt cho tồn tại, không xử lý dứt điểm.
Bình luận 0

Hàng loạt công trình vi phạm xây dựng chưa xử lý triệt để

Hàng loạt công trình vi phạm xây dựng chưa được xử lý dứt điểm, vẫn ngang nhiên tồn tại (Video: Thái Nguyễn)

Đơn cử, dự án Hinode City, tại số 201 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội do Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên quá trình triển khai dự án chủ đầu tư đã không tuân thủ các quy định khiến công trình vi phạm xây dựng so với các quyết định đã được thẩm duyệt.

Tháng 9/2019, UBND quận Hai Bà Trưng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex do đã thực hiện hành vi vi phạm là "Tổ chức thi công xây dựng sai GPXD được cấp". Với hành vi trên, Vietracimex bị UBND quận Bai Bà Trưng phạt số tiền 40 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư trong thời gian 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Vietracimex phải làm thủ tục đề nghị cơ quan thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Dự án Hinode City chưa được cấp bổ sung GPXD mà vẫn không bị cưỡng chế phá dỡ (Ảnh: Thái Nguyễn)

Dự án Hinode City chưa được cấp bổ sung GPXD mà vẫn không bị cưỡng chế phá dỡ (Ảnh: Thái Nguyễn)

Quyết định cũng nêu rõ hết thời hạn này, Vietracimex không xuất trình người có thẩm quyền xử phạt GPXD điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa được cấp bổ sung GPXD, các sai phạm của chủ đầu tư vẫn không bị cưỡng chế phá dỡ.

Tiếp đến, dự án chung cư Mỹ Sơn Tower, số 62 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư đã thi công xây dựng sai so với giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Thanh tra Sở Xây dựng, Đội Quản lý trật tự đô thị đã phối hợp với UBND phường Thanh Xuân Trung thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định.

Người dân sinh sống tại Mỹ Sơn Tower liên tục kếu cứu vì tòa nhà chưa nghiệm thu PCCC (Ảnh: Thái Nguyễn)

Người dân sinh sống tại Mỹ Sơn Tower liên tục "kêu cứu" vì tòa nhà chưa nghiệm thu PCCC (Ảnh: Thái Nguyễn)

Tuy nhiên, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Thanh Xuân cho biết đến nay chủ đầu tư đã khắc phục một phần hậu quả. Việc khắc phục các vi phạm khác của tòa nhà liên quan đến kết cấu chịu lực của công trình; mặt khác một số hộ dân đã về ăn ở, sinh hoạt nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Còn tại dự án chung cư cao cấp Discovery Complex có địa chỉ tại 302 đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phát triển thương mại Kinh Đô làm chủ đầu tư.

Chủ đầu tư dự án Discovery Complex Cầu Giấy đã tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất (Ảnh: Thái Nguyễn)

Chủ đầu tư dự án Discovery Complex Cầu Giấy đã tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất (Ảnh: Thái Nguyễn)

Thanh tra Chính phủ nêu những sai phạm của dự án, cụ thể dù chỉ được giao 1.015 m2 đất xây dựng nhà chung cư cao tầng, Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy đã thay đổi mục đích sử dụng đất và công năng sử dụng từ thuê đất xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng với diện tích 1.438 m2 sang giao đất có thu tiền sử dụng đất xây dựng căn hộ chung cư để bán mà chưa được UBND TP. Hà Nội cho phép điều chỉnh dự án đầu tư và chuyển mục đích sử dụng đất, chưa xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất bổ sung.

Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi hơn 361,5 tỷ đồng tiền sử dụng đất do chủ đầu tư tự ý chuyển mục đích sử dụng đất 1.438,5 m2 và tiền sử dụng đất khu văn phòng, thương mại 2.094 m2 do xác định chưa đúng quy định của dự án 302 Cầu Giấy trong tổng số tiền hơn 403,3 tỷ đồng tạm tính, bởi hơn 41,7 tỷ đồng chủ đẩu tư đã tự nộp ngân sách nhà nước ngày 25/12/2015.

Tiếp đến, dự án Green Pearl 378 Minh Khai là khu đô thị phức hợp có mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, bao gồm 2 toà chung cư và khu nhà nhà ở thấp tầng liền kề, biệt thự do Công ty CP Phát triển nhà Phong Phú - Daewon - Thủ Đức làm Chủ đầu tư.

Dự án Green Pearl xây dựng công trình sai nội dung giấy phép Xây dựng (Ảnh: Thái Nguyễn)

Dự án Green Pearl xây dựng công trình sai nội dung giấy phép Xây dựng (Ảnh: Thái Nguyễn)

Ngày 9/4/2020, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Phát triển nhà Phong Phú - Daewon - Thủ Đức vì xây dựng công trình sai nội dung Giấy phép Xây dựng số 151/GPXD và bản vẽ thiết kế được duyệt tại khu khu nhà ở thấp tầng do UBND quận Hai Bà Trưng cấp ngày 29/3/2016.

Công ty CP Phát triển nhà Phong Phú - Daewon - Thủ Đức bị xử phạt 40 triệu đồng. Công ty này không có tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng về hành vi xây dựng sai GPXD đã cấp. Hết thời hạn này công ty không xuất trình người có thẩm quyền xử phạt GPXD điều chỉnh thì bị xử lý theo quy định. Sau khi được cấp GPXD điều chỉnh, công ty phải tháo dỡ phần công trình không phù hợp với giấy phép được cấp thì mới được thi công xây dựng. Tuy nhiên, đến nay các sai phạm vẫn đang tồn tại trong khi nhiều biệt thự đã có người sinh sống.

"Phổ biến" tình trạng phạt cho tồn tại đối với công trình vi phạm xây dựng

Vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng có chỉ ra hàng loạt công trình vi phạm xây dựng, vi phạm quy hoạch,  trên tuyến đường Lê Văn Lương. Trong đó, nhiều công trình đã từng bị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính lên đến vài tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay các công trình vi phạm xây dựng vẫn đang tiếp tục hoạt động bất chấp những sai phạm về quy hoạch đã được nêu ra.

Trao đổi với PV Dân Việt, TS.KTS Ngô Doãn Đức dẫn chứng vụ việc Ấn Độ phá dỡ tòa tháp đôi cao 100m xây dựng trái phép và một số vụ việc tương tự ở các quốc gia khác. KTS Ngô Doãn Đức cho rằng đây là bài học kinh nghiệm xử lý các công trình vi phạm xây dựng không chỉ cho chúng ta mà nhiều nước khác nhìn nhận, đánh giá. Vì đây là một công trình có giá trị lớn nhưng vi phạm nghiêm trọng trọng xây dựng gây ra ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của khu vực.

"Đây có thể coi là quyết định quan trọng mà chúng ta cần học hỏi, lấy đó làm gương. Tuy nhiên nhìn nhận khách quan thì đây là tầm nhìn của cơ quan chức năng để hướng tới sự phát triển đô thị. Nếu phá bỏ công trình lớn có giá trị cao nhưng thay đổi tích cực về mặt quy hoạch thì cần thiết", TS Đức nhận định.

Nhiều công trình vi phạm xây dựng chỉ phạt cho tồn tại (Ảnh: Thái Nguyễn)

Nhiều công trình vi phạm xây dựng chỉ phạt cho tồn tại (Ảnh: Thái Nguyễn)

TS.KTS Ngô Doãn Đức cũng dẫn chứng tòa nhà 8B Lê Trực sau khi "cắt ngọn" gây mất mỹ quan, nếu làm cương quyết như Ấn Độ thì phải phá dỡ công trình còn nếu chỗ nào thì xử lý đền bù với doanh nghiệp, với nhà đầu tư. Còn vấn đề nào cần giải quyết, xử lý dứt điểm thì phải làm mạnh tay.

"Hiện nay, về quy định pháp luật xử lý những công trình sai phạm xây dựng, sai phạm quy hoạch chúng ta đã có nhưng vấn đề thực hiện luật thì chưa làm được. Ngay cả vấn đề thanh tra, kiểm tra cũng yếu kém, những sai phạm đa phần do người dân, do xã hội phát hiện", KTS Đức thẳng thắn chia sẻ.

GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng cho rằng có nhiều công trình vi phạm xây dựng, sai phạm quy hoạch không được kiểm tra, thanh tra lúc đang thực hiện xây dựng công trình, bởi vậy, khi công trình hoàn thành rồi, chúng ta mới phát hiện thì rất khó đưa ra một giải pháp xử lý nhất quán.

"Thực tế cho thấy, có một số công trình vi phạm xây dựng, chúng ta kiên quyết cắt bỏ, nhưng sau đó lại dẫn đến một số thỏa ước "công trình này có cấu trúc đặc biệt khó khăn, cắt bỏ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn của tòa nhà, gây nguy hiểm cho cư dân", chỉ cắt bỏ đi một số phần nhất định, còn lại vẫn công nhận. Điều này dẫn đến một số nhà đầu tư vẫn muốn sai phạm trong khi đó, Nhà nước không có cách gì để yêu cầu hoàn toàn cắt bỏ vi phạm", GS Võ nhận định

Về hướng xử lý cho những dự án vi phạm nghiêm trọng xây dựng, GS Đặng Hùng Võ cho đối với việc xử lý các công trình vi phạm xây dựng, vi phạm quy hoạch cần phải xử lý triệt để nhưng cũng cần tính tới lợi ích của người dân. Nhưng nếu các sai phạm xảy ra đó ở những nơi đã được bán cho cư dân, việc bán đó hoàn toàn phù hợp pháp luật thì chúng ta phải thừa nhận.

"Bởi vì điều này không chỉ động đến lợi ích của nhà đầu tư mà còn động đến lợi ích của người mua, người có căn hộ tại đấy thì việc chúng ta yêu cầu thực hiện triệt để cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của những người đã mua, nếu họ đã mua đúng pháp luật. Những trường hợp này thì chúng ta có thể đồng ý để lại. Còn đối với trường hợp người dân chưa mua, chưa định cư ở đó, chủ đầu tư chắc chắn phải dỡ bỏ, sửa đổi. Chúng ta phải xử lý một cách triệt để", GS Võ chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem