Hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc bị "lĩnh đòn"

Huỳnh Dũng Thứ hai, ngày 16/08/2021 08:15 AM (GMT+7)
Hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc bị lĩnh đòn “án phạt” nặng tay, nhận hàng loạt cảnh báo khắt nghiệt đưa ra từ Chính phủ Trung Quốc, như một lời cảnh tỉnh chấn chỉnh về hoạt động thị trường công nghệ tại quốc gia này. Vậy đâu là mấu chốt thực sự đằng sau câu chuyện.
Bình luận 0

Đẩy mạnh tính cấp bách của "chiến dịch" kiểm soát các công ty công nghệ lớn trên thị trường

Sau nhiều năm "nhẹ tay" với hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ, đột nhiên trước thời điểm Ant Group Co (thuộc Alibaba) tiến hành IPO với quy mô dự kiến 35 tỷ USD, giới chức Trung Quốc công bố quy định mới đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, nơi Ant Group đang là tay chơi lớn nhất. Điều này dẫn tới việc IPO của công ty bị trì hoãn.

Những tuần tiếp theo, nhà quản lý Trung Quốc liên tiếp đề xuất các quy định mới với mục tiêu kiểm soát tình trạng độc quyền trên thị trường internet khiến giới đầu tư kinh ngạc, thổi bay 290 tỷ USD giá trị vốn hóa của các công ty công nghệ trên thị trường, trong đó có Tencent và Alibaba chỉ trong 2 ngày. Các quy định mới có hiệu lực chỉ trong vòng 3 tháng, phần nào thể hiện tính cấp bách của "chiến dịch" kiểm soát các công ty công nghệ lớn trên thị trường.

Sau Alibaba, Tencent là mục tiêu tiếp theo bị giới chức Trung Quốc để mắt, tiến hành giám sát chặt chẽ, và cân nhắc yêu cầu công ty phải thiết lập lại bộ máy hoạt động, tách biệt mảng ngân hàng, bảo hiểm và dịch vụ thanh toán.

Trung Quốc đang đẩy mạnh việc kiềm chế tầm ảnh hưởng của các công ty công nghệ lớn (Big Tech), nhằm ưu tiên bảo mật dữ liệu và ngăn chặn sự tăng trưởng khó kiểm soát của các công ty công nghệ. Ảnh: @Pixaaby.

Trung Quốc đang đẩy mạnh việc kiềm chế tầm ảnh hưởng của các công ty công nghệ lớn (Big Tech), nhằm ưu tiên bảo mật dữ liệu và ngăn chặn sự tăng trưởng khó kiểm soát của các công ty công nghệ. Ảnh: @Pixaaby.

Vì sao Chính phủ Trung Quốc mạnh tay và vồ vập như thế?

Hiện tại, chưa có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Tuy nhiên, vẫn có các câu trả lời mang tính dự đoán đằng sau bài học khốc liệt.

Đầu tiên, các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc có thể lớn mạnh như ngày hôm nay là nhờ sợ bao bọc, hỗ trợ của giới chức Trung Quốc trong nhiều năm qua. Việc "lật mặt" hiện tại là bất ngờ và giới chức Trung Quốc không thể hiện rõ ràng mục đích. Theo đó, nhà cầm quyền thường chỉ cho biết các quy định mới nhằm bảo vệ người tiêu dùng, và duy trì sự ổn định của thị trường tài chính.

Còn một số chiến lược gia và nhà đầu tư cho rằng, nhà quản lý đã thay đổi tư duy chiến lược, mà chưa có phương pháp thích ứng cho sự thay đổi nhanh chóng.

Một số khác lại cho rằng, giới chức Trung Quốc đã "mệt mỏi" với sự ngông nghênh của các tỷ phú công nghệ, muốn dạy họ bài học bằng cách nhắm vào các công ty, buộc họ phải chấp nhận những nỗi đau ngắn hạn về kinh tế và thị trường. Suy nghĩ này xuất phát từ việc trong một hội nghị vào tháng 10/2020, tỷ phú Jack Ma lên tiếng cho rằng hệ thống tài chính Trung Quốc đã lỗi thời, trong khi nhà quản lý có tầm nhìn ngắn. Sau đó, Jack Ma đã được triệu tập tới Bắc Kinh dự một cuộc họp kín với các quan chức đứng đầu ngành tài chính. Ngay sau đó, các quy định mới tại lĩnh vực cho vay tiêu dùng được ban hành.

Tờ Wall Street Journal ngày 12/11/2020 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tỏ ra giận dữ trước phát biểu của Jack Ma và đích thân đưa chỉ thị ngừng IPO Ant Group.

Vì tội lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường từ các công ty công nghệ

Ngoài ra, Trung Quốc có thể đang khó chịu với cách các công ty công nghệ xây dựng xung quanh đế chế của mình.

Ví dụ, WeChat không cho phép người dùng chia sẻ video từ Douyin – cùng chủ sở hữu với TikTok, hoặc nhấp vào các liên kết dẫn đến sản phẩm trên Taobao của Alibaba. Trong khi đó, người dùng muốn mua hàng từ các trang của Alibaba, ví dụ như Taobao hoặc Tmall, hoặc thậm chí là các cửa hàng tạp hóa Freshippo, thì họ không thể sử dụng WeChat Pay – đối thủ của Alipay.

Sức nóng phả lên các Big Tech Trung Quốc ngày càng lớn khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo cơ quan quản lý tăng cường giám sát các công ty Internet, trấn áp hành vi độc quyền để thúc đẩy cạnh tranh công bằng cũng như ngăn chặn huy động vốn bừa bãi. Ảnh: @Pixabay.

Sức nóng phả lên các Big Tech Trung Quốc ngày càng lớn khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo cơ quan quản lý tăng cường giám sát các công ty Internet, trấn áp hành vi độc quyền để thúc đẩy cạnh tranh công bằng, cũng như ngăn chặn huy động vốn bừa bãi. Ảnh: @Pixabay.

Một trường hợp khác cho thấy sự cạnh tranh gay gắt giữa các "ông lớn" ngành công nghệ. JD.com – nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc có cổ đông là Tencent, không chấp nhận thanh toán bằng Alipay.

Wang Qingrui – nhà phân tích internet cho biết, các công ty thường đặt ra rào cản khi họ nỗ lực "mở rộng hệ sinh thái của mình một cách vô hạn, để chèn ép các đối thủ." Wang nói thêm: "Họ khẳng định khách hàng là vua, nhưng nhiều trường hợp cho thấy rằng họ chỉ coi khách hàng là 'tài sản' và không muốn các nền tảng khác tiếp cận khách hàng của mình".

Theo quy định của dự thảo, các chiến thuật như vậy có thể bị coi là lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Các nền tảng lớn hơn cũng có thể bị buộc phải "mở cửa" cho đối thủ và thậm chí chia sẻ dữ liệu.

Vì nền tảng công nghệ của Trung Quốc đã buộc các tiểu thương, nhà cung cấp phải chọn "phe"

Ví dụ, năm ngoái, nhà sản xuất lò vi sóng lớn nhất thế giới – Galanz Group đã cáo buộc Alibaba điều hướng lưu lượng truy cập khỏi cử hàng của họ trên Tmall, sau khi hãng này bán hàng trên Pinduoduo. Galanz cho biết doanh số bán hàng của họ sụt giảm nghiêm trọng sau khi không "thể hiện lòng trung thành" với Alibaba. Theo đó, JD và Pinduoduo đã kiện Alibaba về hành vi lạm dụng vị trí thống trị để ngăn cản các tiểu thương bán hàng trên nền tảng của họ.

Tình trạng tương tự cũng được các cửa hàng bán đồ ăn trên ứng dụng giao hàng cảnh báo. 2 công ty chính tham gia thị trường này ở Trung Quốc là Meituan và Ele.me (thuộc sở hữu của Tencent và Alibaba). Các nhà điều hành địa phương của 2 công ty này đã bị phạt vì yêu cầu nhà hàng phải lựa chọn 1 trong 2.

Chính Phủ Trung Quốc từng nuông chiều thị trường công nghệ trong nước

Chính phủ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của lĩnh vực công nghệ, bên cạnh sự hỗ trợ lớn từ thị trường tiêu dùng khổng lồ. Trước tiên, tham vọng dẫn đầu thế giới về lĩnh vực công nghệ khiến giới chức Trung Quốc không ít lần can thiệp trực tiếp vào các hoạt động sản xuất, ngay cả khi sản phẩm không hẳn do công ty Trung Quốc sản xuất.

Chẳng hạn, khu vực Trịnh Châu, còn được biết tới là Thành phố iPhone, sẽ không thể trở thành nơi sản xuất lớn nhất sản phẩm của Apple Inc nếu không có sáng kiến của Chính phủ.

Bên cạnh đó, giới chức Trung Quốc đã hỗ trợ hoạt động của lĩnh vực phần mềm, công nghệ nước nhà bằng việc tự tạo ra hàng rào internet vẫn được biết tới với tên gọi "Great Firewall". Nhờ việc Facebook Inc, Iwitter Inc… không thể tham gia thị trường nội địa, các ứng dụng mạng xã hội WeChat của Tencent, Weibo của Sina Corp… mới có thể phát triển mạnh mẽ.

Thế nên, việc giới chức nước này đang dần "trở mặt" với các doanh nghiệp công nghệ lớn có thể xem là thay đổi đáng chú ý tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem