Hàng loạt ngân hàng "tầm trung" gia nhập câu lạc bộ... nghìn tỷ

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 12/01/2018 12:00 PM (GMT+7)
Bức tranh toàn cảnh lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2017 đã dần hiện ra với những mảng màu sáng rõ rệt...
Bình luận 0

Nếu như trước đây, “câu lạc bộ nghìn tỷ” lợi nhuận thường thuộc về các ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước hoặc ngân hàng thương mại trong top đầu như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, Techcombank…, thì nay xu hướng này đang dần thay đổi khi có nhiều nhà băng quy mô tầm trung gia nhập.

img

Lợi nhuận ngân hàng năm 2017  tăng mạnh khiến cổ phiếu "vua" cũng nổi sóng  (Ảnh: IT)

Nhiều ngân hàng gia nhập... “câu lạc bộ nghìn tỷ”

Tại Eximbank, các chỉ tiêu kinh doanh chủ yếu của năm 2017 đều đạt và vượt kế hoạch với tổng tài sản tính hết năm 2017 tăng 15,5% so với năm 2016, huy động vốn tăng 15,6% so với năm 2016; tăng trưởng tín dụng tăng 16,6% so với năm 2016. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của EIB đạt khoảng 1.118 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần năm 2016 và đạt trên 169% kế hoạch năm. Theo ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank, với những kết quả tích cực về mặt tài chính, trong năm 2017, Eximbank cũng đã hoàn tất quá trình điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu tín dụng, đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các quy định về an toàn vốn của NHNN và tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển ổn định, bền vững của EIB trong tương lai.

“Đặc biệt, tình trạng lỗ lũy kế và cảnh báo giao dịch mà Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM áp đặt trên cổ phiếu EIB suốt hai năm qua sẽ sớm được gỡ bỏ trong thời gian tới khi EIB chính thức công bố BCTC”, ông Quyết thông tin.

Cũng theo ông Quyết, năm 2018, Eximbank sẽ đẩy mạnh công tác xử lý nợ tồn đọng, đặt mục tiêu chung với toàn ngành ngân hàng là giảm nợ xấu về mức 3% vào năm 2020.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) cũng vừa công bố BCTC riêng lẻ quý IV/2017. Theo đó, tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản MB là 306.736 tỷ đồng, tăng 22,6% so với hồi đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 180.257 tỷ đồng, tăng 21% so với cuối năm 2016. Huy động tiền gửi khách hàng đạt 220.277 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế của MBB đạt 5.355 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.294 tỷ đồng, tăng 44%.

Riêng quý IV, MBB thu về 1.452 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 1.157 tỷ đồng sau thuế. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng giảm nhẹ từ 1,33% (cuối năm 2016) xuống còn 1,21% cuối năm 2017.

Trước đó, TPBank cũng báo lãi lên tới 1.205 tỷ đồng trong năm 2017, tăng 70,5% so với năm 2016 và vượt 55,6% so kế hoạch. Hiện TPBank đã nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM (HoSE), đồng thời có kế hoạch phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài.

Một tên tuổi “nổi đình nổi đám” thời gian gần đây là HDBank khi niêm yết trên sàn HoSE cực kỳ thành công, cũng báo lãi khủng. Cụ thể, năm 2017, HDBank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.420 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 2.040 tỷ đồng, gấp 2,1 lần năm 2016. Năm 2018, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 65,3% lên 3.921 tỷ đồng; tăng trưởng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 34,99%, qua đó nâng dư nợ cho vay khách hàng lên 148.510 tỷ đồng…

Một số ngân hàng tầm trung khác như LienVietPostBank và OCB dù chưa chính thức công bố BCTC nhưng đã dự kiến mức lãi khủng. Chẳng hạn, LienVietPostBank báo lãi trước thuế hơn 1.700 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm 2017, vượt hơn 10% so với kế hoạch đề ra cho cả năm. Trong khi đó, với OCB, kết thúc 11 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế đạt 960 tỷ đồng, tăng 200% so với năm ngoái và dự kiến sẽ đạt hơn 1.000 tỷ trong cả năm 2017. Đây cũng là lần đầu tiên nhà băng này dự kiến sẽ gia nhập “câu lạc bộ nghìn tỷ”.

Trong nhóm các “cựu binh” nghìn tỷ, đến thời điểm hiện tại, đáng chú ý là “ông lớn” Vietcombank khi ghi nhận mức lợi nhuận “khủng” dự kiến trên 10.000 tỷ đồng trong năm 2017, tăng 20% so với năm 2016 và vượt 8,7% kế hoạch đặt ra.

“Sóng lớn” cổ phiếu ngành ngân hàng

Nhờ kết quả kinh doanh vượt trội năm 2017, cùng với các chính sách xử lý nợ xấu ngày càng quyết liệt, “sóng lớn” cổ phiếu ngành ngân hàng đang tăng mạnh từ hồi cuối tháng 12.2017 trở lại đây. Rất nhiều cổ phiếu ngân hàng hiện đang có giá cao nhất từ khi niêm yết hoặc tiến dần tới mức đỉnh lịch sử, như: VCB 58.800 đồng/CP, CTG 25.6500 đồng/CP, ACB 40.000 đồng/CP, BID 27.600 đồng/CP, MBB 28.150 đồng/CP, STB 16.500 đồng/CP, EIB 15.000 đồng/CP… Chưa kể, hàng loạt ngân hàng thương mại cũng chuẩn bị tiếp tục lên sàn để hưởng lợi từ... “sức nóng” của thị trường.

Đánh giá về khả năng tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trong năm 2018, ông Johan Nyvene, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, cho rằng bức tranh ngành ngân hàng đang tốt lên khi nền kinh tế được dự báo tiếp tục tăng trưởng, thanh khoản ngân hàng cao và nợ xấu giảm. Đặc biệt, thị trường chứng khoán đang tốt lên cũng giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng ngày càng hấp dẫn hơn.

“Tuy nhiên, cạnh tranh ngành ngân hàng sẽ ngày càng gay gắt và sự phân hóa sẽ sâu sắc hơn nếu mỗi ngân hàng không tìm dịch vụ đem lại giá trị gia tăng nổi bật cho khách hàng...”, ông Johan Nyvene, cho biết.

Ở khía cạnh khác, LS.TS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, cho rằng, nền kinh tế đang dần hồi phục, hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng được cải thiện, nợ xấu dần được xử lý kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 được ban hành… Đây là các yếu tố tác động tích cực lên lợi nhuận ngân hàng trong năm qua, cũng như các năm tới.

“Ngân hàng là một ngành then chốt, trụ cột của nền kinh tế nên cơ hội của ngành ngân hàng là rất rộng mở. Tuy nhiên, vẫn cần sử dụng những nguồn lực tài chính tổng hợp nhà nước để xử lý một vấn đề tồn đọng rất lớn đó là nợ xấu....”, ông Tín nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem