Hàng loạt quốc gia sử dụng các biện pháp thắt chặt tiền ảo, bitcoin có thể bứt phá?

Thứ sáu, ngày 04/06/2021 07:21 AM (GMT+7)
Lo ngại về các hành vi lợi dụng tiền số cho những mục đích phi pháp như rửa tiền, cơ quan chức năng của Anh đã ra lệnh thắt chặt quản lý các công ty tiền số. Không chỉ Anh, hàng loạt các quốc gia khác cũng đã sử dụng các biện pháp mới để thắt chặt tiền ảo.
Bình luận 0

Theo Reuters, từ tháng 1/2021, để có thể kinh doanh các công ty liên quan đến tiền số đã phải đăng ký với Cơ quan quản lý tài chính Anh (FCA). Đây là cơ quan giám sát mức độ tuân thủ các quy định về chống tài trợ cho khủng bố và chống rửa tiền của các công ty.

Hiện tại, mới có 5 công ty đăng ký kinh doanh với FCA. Tính đến ngày 12/5, đã có thêm 90 công ty nữa đăng ký tạm thời, trạng thái cho phép các công ty này tiếp tục hoạt động giao dịch trong khi hồ sơ của họ được xem xét và đánh giá. 

FCA sẽ lùi ngày kết thúc cơ chế đăng ký tạm thời nói trên từ ngày 9/7 đến hết tháng 3/2022.

Hàng loạt quốc gia sử dụng các biện pháp thắt chặt tiền ảo, bitcoin có thể bứt phá? - Ảnh 1.

Bitcoin và các loại tiền điện tử khác đang lao dốc sau động thái siết chặt quản lý của các nước (Ảnh: Reuters).

Cơ quan này cũng cho biết có 51 công ty đã rút đơn đăng ký và không được phép tiến hành hoạt động giao dịch nữa.

Các công ty tiền kỹ thuật số đã “sống sót” suốt 12 năm qua nhờ những quy định lỏng lẻo về chống rửa tiền và các hoạt động phi pháp khác. Dù các quy định này nhìn chung đã cải thiện, nhưng các nhà hoạch định chính sách và giới quản lý trên toàn cầu gần đây đã bày tỏ quan ngại về các hành vi lợi dụng tiền số cho những mục đích phi pháp.

Trước đó, các nhà hành pháp tại nền kinh tế đứng thứ hai thế giới - Trung Quốc cũng đã tiến hành thắt chặt hơn nữa các hạn chế đối với tiền ảo.

Một trong các biện pháp mà Trung Quốc đã đưa ra, đó là cấm các tổ chức tài chính và các công ty thanh toán Trung Quốc cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền ảo, tạo ra một sự thắt chặt mới đối với đồng tiền số. 

So sánh lệnh cấm được ban hành năm 2017, các nguyên tắc mới đã mở rộng đáng kể phạm vi các dịch vụ bị cấm với lý do “các loại tiền ảo không được hỗ trợ bởi bất kỳ giá trị thực nào”.

Vào ngày 19/5, 3 hiệp hội tài chính bao gồm các ngân hàng và các công ty thanh toán trực tuyến đã chỉ đạo các hội viên của mình không cung cấp bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến tiền ảo như mở tài khoản, đăng ký, mua bán, thanh toán, thanh khoản và bảo hiểm vốn đã được làm từ năm 2017.

Nhưng lệnh cấm mới do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (People's Bank of China - PBOC) - ngân hàng trung ương của Trung Quốc cũng bao gồm cả các dịch vụ trước đó chưa được đề cập.

Ngoài ra, các tổ chức còn bị cấm cung cấp các dịch vụ tiết kiệm, tín thác và dự phòng rủi ro bằng tiền ảo. Tiền ảo không được sử dụng như các mục tiêu đầu tư bởi các sản phẩm tín thác và quỹ.

Các ngân hàng và các công ty thanh toán cũng được yêu cầu nhanh chóng đẩy mạnh kiểm soát các dòng tiền liên quan đến mua bán tiền ảo và phối hợp chặt chẽ hơn trong việc nhận dạng các rủi ro như vậy.

Sự thắt chặt hiện nay khiến cho các cá nhân khó khăn hơn rất nhiều trong việc mua các loại tiền ảo qua các kênh thanh toán, có thể ảnh hưởng đến ngành đào tiền ảo khi những người đào tiền rất khó để chuyển đổi từ tiền ảo sang Nhân dân tệ. Chính các ngân hàng và các công ty thanh toán cũng phải đối mặt với các thách thức trong việc nhận dạng các dòng tiền liên quan đến tiền ảo.

Theo KWinston Ma, Giáo sư kiêm nhiệm của Đại học Luật New York (NYU Law School), cũng là tác giả của cuốn “the Digital War" (chiến tranh số), các nguyên tắc mới đã được thiết kế nhằm cắt bỏ hoàn toàn các giao dịch tiền ảo ra khỏi các hệ thống tài chính của Trung Quốc và tin rằng Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ ban hành các quy định mới về tài sản ảo.

Không chỉ Trung Quốc, Anh, mới đây Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết sẽ yêu cầu báo cáo các giao dịch tiền ảo có trị giá từ 10.000 USD trở lên. "Tiền điện tử đã tạo điều kiện cho hoạt động bất hợp pháp trên diện rộng, bao gồm cả trốn thuế", thông cáo của Bộ này cho hay.

Tại Đức, giới đầu tư đang dõi theo vụ việc Cơ quan quản lý thị trường tài chính BaFin cảnh báo sàn giao dịch Biance vi phạm quy tắc bảo mật.

Trong khi đó, Hồng Kông cũng đang thắt chặt hơn nữa đối với các loại tiền ảo. Cục Tài chính và Dịch vụ Tài chính Hồng Kông đã công bố kết luận về các đề xuất tăng cường các quy định tài trợ chống rửa tiền và chống khủng bố. Theo đó, Hồng Kông đã đề xuất phạt 5 triệu HKD và phạt tù lên đến 7 năm nếu không tuân thủ các quy định và hoạt động giao dịch tiền ảo không phép. Chính quyền Hồng Kông cũng xác nhận sẽ cấm các nền tảng được cấp phép nếu phục vụ các nhà đầu tư bán lẻ.

Thời gian gần đây, giá Bitcoin gần đây lao dốc chóng mặt từ đỉnh 64.800 USD xuống chạm đáy gần 30.000 USD khiến vốn hóa thị trường có lúc bị thổi bay 500 tỷ USD.

Đợt giảm giá này kích hoạt đà bán tháo trong hoảng loạn song vẫn được giới chuyên môn đánh giá là cơ hội tuyệt vời cho những người mới tham gia vào thị trường tiền điện tử.


An Vũ (t/h)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem