Nước mắt Nghệ sỹ nhân dân Trà Giang và câu chuyện lỗi chuyển đổi hệ thống

Phạm Quang Long Thứ ba, ngày 21/03/2023 20:41 PM (GMT+7)
Việc chuyển đổi Hãng Phim truyện Việt Nam cho một cơ quan không chuyên về nghệ thuật có lỗi của cơ chế một phần, cách thực hiện không thành công có lỗi một phần và những thói quen thụ động, chờ đợi, sự thiếu năng động của người trong cuộc cũng là cái phần bất cập gây ra những đổ vỡ không nhỏ.
Bình luận 0

Không có bất kỳ lý do gì để ngờ vực vai trò của Điện ảnh Việt Nam nói riêng và Hãng phim truyện đối với đời sống văn hoá hiện đại của dân tộc. Hãng là một phần của đời sống văn hoá đất nước không chỉ bởi những bộ phim đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ hay nhiều thế hệ diễn viên tài năng đã hết mình phụng sự đất nước, nhân dân. Họ và những tác phẩm do họ sáng tạo ra mãi mãi là một giá trị tinh thần  đáng giá trong hành trang không của riêng họ mà của dân tộc. 

Việc chuyển đổi của hãng cho một cơ quan không chuyên về nghệ thuật có lỗi của cơ chế một phần, cách thực hiện không thành công cũng  đã gây ra những thất bại có lỗi một phần và những thói quen thụ động, chờ đợi, sự thiếu năng động của người trong cuộc cũng là cái phần bất cập gây ra những đổ vỡ không nhỏ. 

Hệ lụy của nó là do không được giải quyết kịp thời đã gây ra đau khổ cho nhiều người. Nỗi đau của giới mà điển hình là những giọt nước mắt của NSND Trà Giang ở lễ kỷ nệm 70 năm Điện ảnh Việt Nam gieo vào lòng người dân bao nhiêu điều bức xúc, vật vã  về cuộc đời, nghề nghiệp, lương tri, trách nhiệm… Nhưng câu chuyện không chỉ có thế. 

Khi đất nước thực hiện cơ chế đổi mới, mọi hoạt động kể cả hoạt động tinh thần, đều vận hành theo cơ chế thị trường. Nói một cách nôm na là cái gì đã tham gia vào guồng máy sản xuất là phải hạch toán lỗ lãi. 

Trong cuộc đổi mới đầy tính cạnh tranh này những gì phù hợp với cạnh tranh theo hệ quy chiếu lỗ lãi sẽ có cơ hội phát triển, cái gì " ngơ ngác" với cơ chế mới, cái gì bị ràng buộc bởi cơ chế không thích ứng với cơ chế mới sẽ gặp nguy cơ. Chuyện của Hãng phim truyện là một trong những trường hợp như vậy.

Chuyển đổi cơ chế là câu chuyện của quốc gia. Nó đòi hỏi những chính sách ở tầm vĩ mô, chung cho tất cả nhưng cũng không thể không xem xét đến khía cạnh đặc thù. Đây là nhận thức xã hội, nhận thức sự vận động của quy luật nên không thể tuỳ tiện, không thể làm một lần là xong, làm mọi cái như nhau, dù quy luật thị trường là chung nhưng cũng cần xem xét những yếu tố đặc thù, không thể cào bằng, không xét đến hệ thống. 

Câu chuyện của Hãng Phim truyện là hậu quả của sự thiếu đồng bộ trong chính sách, là sự thiếu trách nhiệm của người thực hiện, cứ vin vào " chính sách thế" nên không chịu động não, không kịp thời đề xuất cách giải quyết mà cứ bỏ mặc sự việc theo kiểu mũ ni che tai, hoặc ban hành những chính sách thiếu hiểu biết. Và đằng sau đó chắc không thiếu những toan tính hắc ám chỉ muốn lợi dụng cơ chế, lỗ hổng chính sách để mưu lợi của cả người chủ mưu và những kẻ đồng loã.

Chuyện ở Hãng Phim truyện vừa có điểm chung, vừa khác với tình trạng xuất bản ở ta thời mở cửa. Ai cũng thấy lâu nay bộ phận "cứng" trong ngành xuất bản sống bằng phần bao cấp của nhà nước là chính ( tiền ngân sách và tiền cấp phép) nên chất lượng công việc và sản phẩm ngành đem lại cho xã hội chỉ ở mức vừa phải vì lương bổng thế, họ làm thế. 

Nhưng các đầu nậu ,nhà sách... lại khác. Họ hiểu và vận dụng tốt cơ chế giá trị nên dù không có vai vế chính thống gì nhưng họ gần như làm chủ ngành này. Những sản phẩm của họ ( mượn danh và chính danh) làm ra có chất lượng hơn hẳn. Những người có hiểu biết về nghề phải thừa nhận họ đang là những ông chủ thực sự của ngành. Họ làm giầu cho mình nhưng cũng có đóng góp cho xã hội. Và không ít người trong số họ đã trở thành những đại gia trong nghề. Họ giầu có hơn nhiều vì họ hiểu quy luật giá trị và họ biết dựa theo quy luật này để chứng tỏ năng lực của mình. Họ hợp thời và được trả công xứng đáng với những lao động của họ. Nếu nhà nước cho phép lập nhà xuất bản tư nhân và quản lý chặt chẽ theo pháp luật có thể sẽ tránh được tình trạng sách lậu hiện nay.

Ngành biểu diễn cũng có những đơn vị bắt nhập xu thế này nhanh. Sân khấu Lệ Ngọc, nhà hát Kịch và nhiều đơn vị khác có cách vượt khó giống nhau. Họ năng động trong cách tự giải quyết khó khăn của mình. Họ tự " cứu mình trước khi trời cứu" bằng cách tìm kịch bản hay, đạo diễn giỏi và thay đổi phương thức quản lý nên họ thành công. Phim của Trấn Thành cũng là một ví dụ. 

Nhiều cơ sở quốc doanh không ít người tài nhưng cũng không hiếm người "có cũng được, không có cũng không sao". Hãng phim truyện rơi vào tình trạng khó vì chuyển đổi sai, chọn người mua sai, những người bị ảnh hưởng lại mang tâm lý chờ đợi " giải cứu" từ trên nên tình trạng của Hãng ngày càng rơi vào bế tắc. Mặt khác chính sách và cơ chế không triệt để, cứ nửa nọ, nửa kia nên gây khó cho người làm nghề. 

Xu thế thay đổi theo cơ chế thị trường không thể đảo ngược. Nhưng cơ chế, chính sách chưa phù hợp, người thực thi vừa yếu năng lực, vừa thiếu trách nhiệm thì những đổ vỡ như đã thấy là khó tránh. Bây giờ cần một quyết định đặc thù, có thể giải quyết cơ bản những vấn đề của Hãng mới mong giải quyết tận gốc chứ nếu cứ bảo" giải quyết đi" theo các văn bản đã có thì lại là chuyện đánh bùn sang ao vì cơ chế đang nửa dơi, nửa chuột. 

Chuyện của nghề thì dù tư nhân hoá hay gì gì chăng nữa cũng nên giao cho người làm nghề xử lý. Ta đã có các hãng phim tư nhân thì hãy tư nhân hoá, cổ phần hoá cho các nghệ sĩ làm nghề có dịp thể hiện năng lực của họ. 

Nhà nước nên hỗ trợ giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội, y tế, hưu trí cho các nghệ sĩ dứt điểm để vừa đảm bảo công bằng xã hội vừa thể hiện "biệt nhãn" của nhà nước với một nghề đã từng phụng sự đất nước, nhân dân hết mình nhưng giờ cần thay đổi. Rồi bán cơ sở cho tổ chức hay cá nhân có hiểu biết và năng lực để lo chuyện làm phim theo cơ chế thị trường và quản lý theo Luật. 

Bởi cứ cấp tiền ngân sách làm phim theo kiểu cho có rồi lại xếp vào kho thì không nên vì không ai có quyền làm những việc như vậy nữa, bởi điều đó vừa tốn kém, vừa chả để làm gì. Nhà nước cần nghiên cứu và ban hành chính sách phù hợp để không ngành nghề nào, không ai " bị bỏ rơi lại phía sau" như lời các vị đã tuyên bố. Chuyện của Hãng Phim truyện vừa là chuyện cấp bách, vừa lâu dài, nên cần giải quyết kịp thời, triệt để.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem