Hàng trăm dự án bị vướng, những kiến nghị nào được "nói trực tiếp" đến Thủ tướng?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 14/07/2022 14:23 PM (GMT+7)
Trong khuôn khổ Hội nghị về thị trường Bất động sản do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng nay 14/7, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu đã gửi đến Thủ tướng hàng loạt kiến nghị nhằm tháo gỡ cho hàng trăm dự án bất động sản đang bị ách tắc thời gian dài vừa qua...
Bình luận 0

Cụ thể, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho hay, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các b, ngành và lãnh đạo các địa phương đã quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp cho thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức.

"Các DN đang nỗ lực phục hồi, tăng trưởng trở lại sau đại dịch Covid-19 trong tình thế đang có xảy ra xung đột, đứt gãy chuỗi cung ứng, nguy cơ lạm phát và suy thoái trên phạm vi toàn cầu tác động không hề nhỏ đối với nền kinh tế nước ta do có độ mở và tính hội nhập cao. 

Vì vậy, sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành... là rất quan trọng và kịp thời", ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Hàng loạt kiến nghị tiếp tục được "nói trực tiếp" với Thủ tướng

Trong điều kiện hiện nay, HoREA tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc để "khơi thông" ách tắc cho thị trường bất động sản hồi phục và phát triển. Theo đó, có 11 kiến nghị mà HoREA gửi đến Thủ tướng tại Hội nghị về thị trường Bất động sản do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng nay 14/7.

Hàng trăm dự án bị vướng, những kiến nghị nào được "nói trực tiếp" đến Thủ tướng? - Ảnh 1.

HoREA tiếp tục gửi thêm 11 kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ... Ảnh: Quốc Hải

Cụ thể, HoREA kiến nghị các ban ngành phải nỗ lực thực hiện mục tiêu "đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất".

Kiến nghị phải đảm bảo quyền tiếp cận nguồn lực đất đai của doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư, trong đó có “quyền” được công nhận chủ đầu tư sau khi doanh nghiệp đã “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở” phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở.

Kiến nghị đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có quyền chuyển nhượng dự án bất động sản nhà ở thương mại

Kiến nghị thực hiện phổ biến phương thức “đấu giá quyền sử dụng đất” hoặc “đấu thầu dự án có sử dụng đất” để lựa chọn nhà đầu tư. Kiến nghị xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn trên thị trường vốn, trong đó có hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát và “nắn” dòng vốn tín dụng chứ không nên “siết” tín dụng và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay đối với các chủ đầu tư có uy tín và dự án có tính khả thi và cho các cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở, để xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro trong đó có bất động sản, theo đó đến tháng 9/2023 (mà nên kéo dài đến hết năm 2023) thì các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng tối đa không quá 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn.

Kiến nghị tại thời điểm hiện nay, chưa nên quy định “sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn (50 năm, 70 năm)” để phù hợp tâm tư, nguyện vọng của người dân muốn được “sở hữu căn hộ nhà chung cư đi đôi với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài”. 

Theo HoREA, đây là tài sản có giá trị lớn muốn để lại cho con cháu, để không gây “biến động” trên thị trường bất động sản và trong xã hội.

Hàng trăm dự án bị vướng, những kiến nghị nào được "nói trực tiếp" đến Thủ tướng? - Ảnh 3.

Tại TP.HCM đang có tới hơn 100 dự án vướng mắc chờ tháo gỡ...

Ngoài ra, Hiệp hội còn kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương sớm xem xét “có kết luận dứt điểm” các dự án bị dừng triển khai do thực hiện công tác rà soát pháp lý, kiểm tra, thanh tra, điều tra theo hướng thực hiện “thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực”. 

Từ đó, các doanh nghiệp có liên quan phải nộp nghĩa vụ tài chính, kể cả phần nộp bổ sung (nếu có) cho ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để cho dự án được tiếp tục triển khai thực hiện góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Kiến nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm quy định tiêu chí tách thành dự án độc lập đối với diện tích “đất công” nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại theo quy định của Nghị định 148/2020/NĐ-CP…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem