Thứ năm, 09/05/2024

Hàng trăm dự án nhà ở thương mại chờ được "gỡ khó" về nguồn gốc đất

07/03/2024 2:07 PM (GMT+7)

Theo phản ánh của các địa phương, hiệp hội, hiện có hàng trăm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên cả nước đang bị ách tắc, không thể triển khai.

Đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và tập hợp về trước ngày 10/3.

Hàng trăm dự án nhà ở thương mại chờ được "gỡ khó" về nguồn gốc đất- Ảnh 1.

Một sự án nhà ở tại Khu đô thị mới Đại Lâm-Đại Thịnh, Hà Nội. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Đây là một trong những nội dung tại Văn bản số 73/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Gỡ khó về nguồn gốc đất

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi hồ sơ trình đến Bộ Tư pháp thẩm định, trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác và thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.

Đặc biệt, việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại với đất khác được dư luận quan tâm với kỳ vọng đây là giải pháp quan trọng, giúp gỡ khó cho các dự án bất động sản đang phải dừng vì bế tắc pháp lý liên quan đến đất đai. Qua đó, giúp tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản; đồng thời, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo phản ánh của các địa phương, hiệp hội, hiện có hàng trăm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên cả nước đang bị ách tắc, không thể triển khai thực hiện do vướng quy định phải có nguồn gốc hoặc một phần diện tích đất ở thì mới được triển khai dự án nhà ở thương mại; trong đó Hà Nội có khoảng 82 dự án, Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 126 dự án…

Điều này gây thiệt hại cho doanh nghiệp, làm sụt giảm nguồn cung dự án và khiến thị trường khan hiếm sản phẩm nhà ở. Do đó, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá nhà ở bị đẩy lên cao suốt thời gian vừa qua.

Các chuyên gia nhận định hiện tốc độ đô thị hóa nhanh, dân cư đang dồn về các đô thị lớn. Nếu không mở rộng nguồn cung nhà ở, cầu luôn vượt xa cung, giá nhà ở sẽ tiếp tục tăng cao. Hiện giá nhà ở của Việt Nam được đánh giá là quá cao so với thu nhập trung bình của xã hội. Bởi vậy, việc thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác (không có đất ở) là cần thiết.

Hàng trăm dự án nhà ở thương mại chờ được "gỡ khó" về nguồn gốc đất- Ảnh 2.

Một khu chung cư ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), việc sử dụng đất để làm dự án phát triển kinh tế, xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đã được hình thành trong hệ thống pháp luật đất đai từ Luật Đất đai năm 1993 và tiếp tục duy trì cho đến nay. Cơ chế này tồn tại song song cơ chế Nhà nước thu hồi đất.

Tuy nhiên, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua không cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với hai trường hợp "đất ở và đất khác" hoặc "đất khác không phải là đất ở" để thực hiện dự án nhà ở thương mại sẽ bất cập.

Bởi vậy, việc xây dựng Đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác sẽ tạo một cơ chế đặc thù. Cơ chế này có ưu điểm rút ngắn thời gian bàn giao đất từ người sử dụng đất qua nhà đầu tư nếu đạt được sự đồng thuận. Đồng thời, vẫn bảo đảm được sự chia sẻ quyền lợi thỏa đáng giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất cũng như lợi ích công cộng của Nhà nước.

Điều này đồng nghĩa với việc tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại. Qua đó, sẽ giảm đi đáng kể tình trạng khiếu kiện của người bị ảnh hưởng; giảm chi phí, nhân lực của bộ máy hành chính và hạn chế được tiêu cực, nhũng nhiễu khi Nhà nước thu hồi đất.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu phân tích nếu chỉ cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở sẽ không thể có quỹ đất ở đủ lớn để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô lớn. Trong khi đó, hiện đã có nhiều nhà đầu tư bỏ ra nguồn vốn rất lớn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng "đất nông nghiệp" hoặc "đất phi nông nghiệp không phải là đất ở" thuộc khu vực quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư; trong đó có nhà ở thương mại, theo đúng các quy định của Luật Đất đai trước kia. Nếu áp vào quy định mới, thì tất cả các nhà đầu tư này lại sẽ không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại. Như vậy sẽ không thỏa đáng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, cho biết năm 2022, Quốc hội ban hành Luật số 03/2022 sửa 9 luật cho phép doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng đất ở hoặc đất ở và đất khác không phải là đất ở phù hợp quy hoạch được thực hiện dự án đầu tư và trước đó là Luật Đầu tư 2020. Hành lang pháp lý này được đánh giá là bước tiến lớn trong việc tháo gỡ nút thắt cho các dự án đầu tư nhà ở thương mại.

Theo đó, những quy định này đã cho phép nhà đầu tư có một phần đất ở, một phần đất khác (có thể là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp được thuê trả tiền một lần hoặc trả tiền hàng năm) được sử dụng để thực hiện dự án nhà ở thương mại nếu đáp ứng điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất (phù hợp các loại quy hoạch).

Nhưng Luật Đất đai 2024 (Điều 122, 127) mới thông qua và có hiệu lực vào 1/1/2025 lại quy định nhà đầu tư chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở; được sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với 100% đất ở hoặc một phần đất ở và một phần đất khác.

Hàng trăm dự án nhà ở thương mại chờ được "gỡ khó" về nguồn gốc đất- Ảnh 4.

Sáng 3/11/2023, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai-sửa đổi. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Như vậy, pháp luật hiện hành cũng như pháp luật thời gian tới không cho phép nhà đầu tư sử dụng loại đất khác (không có đất ở) để chuyển mục đích làm nhà ở thương mại (trường hợp này phải thực hiện thông qua cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất).

"Đây là một vướng mắc lớn bởi có hàng trăm dự án bị ách tắc lại bởi nhà đầu tư đã "mua gom" đất nhưng không có diện tích đất ở nào nên không thể thực hiện dự án," Luật sư Hà phân tích.

Đồng quan điểm, Thạc sỹ Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản nhấn mạnh, Luật Đất đai năm 2024 quy định rõ việc định giá đất phải bảo đảm "theo nguyên tắc thị trường" (Điều 158). Khi doanh nghiệp thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, để thực hiện dự án, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh sẽ ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và nhà đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất chênh lệch giữa giá đất theo mục đích sử dụng mới và giá đất theo mục đích sử dụng ban đầu.

Luật Đất đai năm 2024 được xây dựng theo hướng đổi mới phương pháp định giá đất, xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất thị trường để tiến tới xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn... Nếu định giá đất sát giá thị trường, bảo đảm chủ đầu tư sau khi được chuyển mục đích sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường, sẽ không có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí ngân sách.

Do đó, theo ông Đỉnh, nếu giới hạn các loại đất được chuyển mục đích làm nhà ở thương mại, không phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, Luật Đất đai năm 2013 (Điều 57) và Luật Đất đai năm 2024 (Điều 121, 122) đều có quy định về chuyển mục đích sử dụng đất; đồng thời quy định chặt chẽ điều kiện, trình tự, thủ tục để chuyển mục đích sử dụng đất, vai trò thẩm định, phê duyệt của cơ quan nhà nước, việc nộp nghĩa vụ tài chính phát sinh... để hạn chế các rủi ro khi cho phép chuyển mục đích, chuyên gia này viện dẫn.

Trong số các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép có trường hợp: chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở. Đây đều là các trường hợp có thể áp dụng để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở thương mại. Nên việc duy trì điều kiện riêng, mang tính đặc thù về các loại đất được chuyển mục đích làm nhà ở thương mại là không cần thiết, gây ra nhiều hệ lụy.

Bởi vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác (không có đất ở) là cần thiết nhằm tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, giúp đa dạng nguồn cung nhà ở, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân và giảm giá nhà.

Theo Vietnam+

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Van Phuc City - bán đảo sở hữu hai bến du thuyền hiện đại, đẳng cấp

Van Phuc City - bán đảo sở hữu hai bến du thuyền hiện đại, đẳng cấp

Sau thời gian khởi công và triển khai xây dựng, tại bán đảo Van Phuc City đã tổ chức thành công buổi lễ khai trương bến du thuyền Marina Royal dưới sự quản lý và vận hành của Vietyacht – Nhà phân phối độc quyền các sản phẩm du thuyền hàng đầu Việt Nam vào chiều ngày 04/05/2024 vừa qua.

Hội thảo về ETS: Sử dụng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải để thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam

Hội thảo về ETS: Sử dụng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải để thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam

Chương trình đào tạo về Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) là một phần trong hoạt động hỗ trợ của Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) nhằm thúc đẩy triển khai thị trường carbon tại Việt Nam với sự hợp tác của Cục Biến đổi khí hậu (Cục BĐKH), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT).

TP.HCM tăng cường khoa học, ứng dụng thông tin trong quản lý quy hoạch đô thị

TP.HCM tăng cường khoa học, ứng dụng thông tin trong quản lý quy hoạch đô thị

Thời gian qua, TP.HCM đang đẩy mạnh việc quản lý quy hoạch đô thị triển khai theo hướng đổi mới, chú trọng đánh giá dữ liệu, tăng tính khoa học, đảm bảo sự đồng bộ về cơ sở pháp lý.

Tăng tốc hoàn thành hạng mục quan trọng dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Tăng tốc hoàn thành hạng mục quan trọng dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cùng các đơn vị nhà thầu đã đặt mục tiêu hoàn thành thi công hạng mục kết cấu thép mái nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 2/9/2024.

Thị trường Việt Nam tạo kết quả bất ngờ cho công ty bia Đan Mạch

Thị trường Việt Nam tạo kết quả bất ngờ cho công ty bia Đan Mạch

Tưởng rằng giai đoạn "giông bão" gần đây trên thị trường bia Việt Nam đã làm các công ty bia lao đao, Carlsberg báo cáo doanh số từ Việt Nam quý 1/2024 tăng 4%. Ngoài ra, sản lượng năm ngoái tại Việt Nam của hãng bia Đan Mạch tăng 8%.

Cháy rụi 40 xe điện tại Hội An

Cháy rụi 40 xe điện tại Hội An

Vụ cháy lớn tại bãi đậu xe ở Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) hôm nay làm 40 xe điện bị thiêu rụi.