Hàng trăm hộ dân chạy trốn ô nhiễm

Thứ ba, ngày 08/11/2011 16:36 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn 10 năm nay, hai nhà máy luyện cán thép Thái Bình Dương và Dana- Ý gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Điều này đã buộc hàng trăm hộ dân xã Hoà Liên, Hoà Vang, TP.Đà Nẵng phải tự tứ tán, bỏ hoang nhà cửa, đưa trẻ con đi lánh nạn ô nhiễm…
Bình luận 0

Điểm nóng ô nhiễm

Mấy ngày qua, không chỉ người dân Đà Nẵng mà cả nước rất vui mừng, vinh dự khi Tổ chức ASEAN đã quyết định chọn Đà Nẵng là thành phố duy nhất của VN và là 1 trong 10 thành phố ở khu vực để tặng Giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường của các nước ASEAN năm 2011”.

img
Khói bụi phủ kín làng.

Lễ trao thưởng dự kiến sẽ diễn ra vào dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 17 tổ chức tại Indonesia vào 23.11.2011. Đây là nỗ lực vượt bậc của địa phương trong công cuộc bảo vệ môi trường bền vững suốt 10 năm qua. Tuy vậy, ở thành phố này vẫn còn rất nhiều điểm nóng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Cụ thể, gần 200 hộ dân ở thôn Vân Dương, xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang đang lãnh đủ sự ô nhiễm khi phải sống bên cạnh 2 nhà máy luyện cán thép lớn vào bậc nhất ở khu vực miền Trung là Dana-Ý và Thái Bình Dương.

Sáng 26.10, khi nhận điện thoại người dân từ đường dây nóng, chúng tôi có mặt tại hiện trường, chứng kiến cảnh làng quê chìm trong mịt mù khói bụi. Bụi khói nồng nặc, xộc vào tận khí quản, gây nghẹt thở, tiếng ồn làm rung chuyển cả nhà cửa, đinh tai nhức óc đến… khó thở. Nước thải xử lý sắt thép từ 2 nhà máy này rỉ ra chảy lênh láng cả đường làng như những ngày ngập lụt.

Cụ ông Đỗ Hường (71 tuổi), ở tổ 5, thôn Vân Dương ngao ngán: “Họ nổ máy, nhả khói suốt từ 7 giờ tối đến 3 giờ chiều mới tạm ngừng. Chưa kể, thỉnh thoảng trong đêm lại có nổ lớn kinh hoàng, làm nứt cả tường nhà, dân tình nhốn nháo chạy loạn. Ô nhiễm triền miên gần 10 năm nay, dân phát biểu, đấu tranh đủ mọi hình thức, kể cả tụ tập ném đá vào nhà máy… nhưng có kết quả gì đâu”.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngoài hàng chục nhà dân ở sát tường đóng cửa bỏ hoang, trẻ con buộc phải sơ tán khỏi làng.

Dân phải ra đi…

Mới đây, tại cuộc họp mặt đối thoại với nhân dân xã Hoà Liên để giải quyết các bức xúc liên quan đến giải toả, đền bù ở Dự án Golden Hills (6.9.2011), Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh đã ra “tối hậu thư” cho Giám đốc Sở TNMT - Nguyễn Điểu: “Trong vòng 1 tuần, nếu không giải quyết được vấn đề gây ô nhiễm môi trường của 2 nhà máy thép, gây bức xúc cho người dân thôn Vân Dương, thì tôi sẽ đình chỉ công tác của ông…!”.

Tình trạng ô nhiễm do nhà máy hoạt động còn diễn ra với nhiều địa phương khác ở TP. Đà Nẵng. Trong đó, chỉ tính riêng phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu đã có hàng nghìn hộ dân phải chịu sự ô nhiễm do Nhà máy đốt cao su của Công ty cổ phần Việt Hùng Tuấn, Công ty cổ phần thép Đà Nẵng, Nhà máy Giấy Sức Trẻ... gây ra.

Đã gần 2 tháng kể từ sau lời tuyên bố như đinh đóng cột ấy, người dân Vân Dương vẫn mù tịt thông tin về cách giải quyết của chính quyền.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Điểu cho biết, thành phố sẽ sớm di dời các hộ dân ra khỏi vùng ô nhiễm của 2 nhà máy thép. Nguyên nhân là kinh phí đầu tư xây dựng 2 nhà máy thép quá lớn, sẽ rất tốn kém khi đưa họ ra khỏi khu dân cư mà phải chọn phương án ngược lại.

Hơn nữa, nhà máy được đặt bên trong bờ rào KCN. Tuy nhiên, cụ thể bao nhiêu hộ dân được di dời và bao giờ thì dân ra đi, và đi đâu thì vẫn còn phụ thuộc vào quyết định của thành phố.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Cán cho biết, chưa thấy quyết định nào của thành phố về việc di dời, bố trí nơi ở mới cho nhân dân thôn Vân Dương. Như vậy, người dân nơi này vẫn phải tiếp tục tứ tán, hoặc sống chung với ô nhiễm để… chờ giải quyết của chính quyền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem